Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những nhà khoa bảng Hà Nam đỗ đạt năm Thìn

Tin theo lĩnh vực Văn hóa, xã hội  
Những nhà khoa bảng Hà Nam đỗ đạt năm Thìn
Trong lịch sử khoa cử Hán học nước ta, từ đời vua Lê Thánh Tông đã thành quy củ, trừ một số năm thi chế khoa, ân khoa, còn nói chung thi đại khoa lấy đỗ Tiến sĩ, định thứ bậc cao thấp thì đều tổ chức vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Riêng vào năm Thìn có 9 nhà khoa bảng Hà Nam đỗ đạt.

Hoàng Mông, người xã Bằng Khê, nay là thôn Bằng Khê, xã Liêm Chung, thành phố Phủ Lý, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa 6 (1448) đời Lê Nhân Tông.
Dương Bang Bản (1452 – 1514), người xã An Cừ, nay thuộc xã Liêm Thuận (Thanh Liêm), được ban quốc tính đổi là Lê Tung, năm 33 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức 15 (1484), đời vua Lê Thánh Tông. Ông từng được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh, làm quan giữ chức Thượng thư bộ Lại, bộ Lễ, hàm Thiếu bảo, Đông các Đại học sĩ, kiêm Tế tửu Quốc Tử giám, Tri kinh diên sự, tước Đôn Thư bá. Ông là một nhà sử học, nhà thơ, tác phẩm nổi tiếng là “Việt giám tổng luận".
Nguyễn Kiện Hy (1470-?), người xã Động Linh, huyện Duy Tân (nay thị xã Duy Tiên), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức 27 (1496) đời vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị độc.
Nguyễn Nghĩa Thọ quê xã Phú Thứ, nay là thôn Phú Thứ, xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508) đời vua Lê Uy Mục, làm quan giữ chức Tự khanh.
Bùi Đình Tán, quê xã Phượng Lâu, huyện Nam Xương (nay là huyện Lý Nhân), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, niên hiệu Quang Bảo 2 (1556) đời vua Mạc Phúc Nguyên, làm quan đến chức Thừa chính sứ.
Trương Minh Lượng (1636-?) quê thôn Nguyễn, xã Tiên Nội, thị xã Duy Tiên, ông ngoại của nhà bác học Lê Quý Đôn, 65 tuổi mới đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Chính Hòa 2 (1700) đời vua Lê Hy Tông, làm quan đến chức Tự khanh. Tác phẩm của ông còn 6 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.
Nguyễn Quốc Hiệu (1696 -?), người xã Phú Thứ nay là thôn Phú Thứ, xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập Đệ tam danh (Thám hoa), khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời vua Lê Ỷ Tông. Ông là người đỗ đạt cao nhất trong nền khoa cử Hán học của tỉnh Hà Nam, làm quan giữ chức Hiến sát sứ.
Nguyễn Tông Mại (1708-?), quê xã Yên Đổ, nay là thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, Bình Lục, 31 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748) đời vua Lê Hiển Tông. Ông làm quan giữ các chức: Đông các Đại học sĩ, Hành Tế tửu Quốc Tử Giám.
Trong 9 nhà khoa bảng đỗ đạt năm Thìn, các vị Hoàng Mông, Nguyễn Kiện Hy, Trương Minh Lượng, Nguyễn Quốc Hiệu, Nguyễn Tông Mại, Nguyễn Kỳ được vinh danh trên bia Tiến sĩ dựng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đặc biệt Dương Bang Bản, Nguyễn Kỳ giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám - trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đào tạo nhân tài cho đất nước dưới thời phong kiến./.

                                                                      Mai Khánh​