Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phiên họp thứ hai của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số

Tin theo lĩnh vực Thông tin và truyền thông  
Phiên họp thứ hai của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số
Sáng ngày 27/4/2022, Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức hội nghị trực tuyến phiên họp thứ hai về chuyển đổi số. Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp.

 Dự phiên họp tại điểm cầu Hà Nam có ông Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; ông Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh uỷ viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các thành viên của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh…

IMG_0003.jpg
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Hà Nam

Theo báo cáo tình hình triển khai chuyển đổi số quý I/2022, tính đến hết tháng 3/2022, 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm; tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam quý I/2022 được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là chỉ số tải xuống ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26%, ở mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%; các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, là điều kiện tiên quyết để triển khai Chính phủ số. Trong đó, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 3,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử; tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3% (chiếm 52,33% tổng số thủ tục hành chính); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 17,17%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 24,75%, tăng 8,82% so với quý I/2021. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện (một cửa) đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước các cấp. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trong quý I/2022, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý 77.732.636 hóa đơn điện tử.

2704thutuong6.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc cần phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số, người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao các ý kiến tham gia của các đại biểu tại phiên họp; đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương cùng rút kinh nghiệm và có hướng để thực hiện đúng, trúng và có trọng tâm trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam; chuyển đổi số gắn với sự phát triển, sự phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ sẽ có văn bản chỉ đạo thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế. Về cơ sở dữ liệu, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương cần chọn những nội dung thích đáng, trọng tâm, cơ bản để ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, cụ thể, thực chất, có sức lan tỏa, làm việc nào dứt việc đó, quyết tâm thực hiện một cách hiệu quả; cần rà soát lại thể chế vì đây là 1 trong 3 đột phá việc cụ thể hoá thể chế; bổ sung, hoàn thiện thể chế phải có hạ tầng công nghệ, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển công nghệ số, ứng dụng công nghệ số; phải huy động được nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, huy động sự đóng góp của người dân. Vấn đề đưa ra là phải quản trị như thế nào để chuyển đổi số vừa hiện đại, vừa phù hợp tình hình, nền kinh tế, năng lực; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực..../.