Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phố Phủ, một thời để nhớ

Lịch sử - Văn hóa  
Phố Phủ, một thời để nhớ
Trong một thời gian khá dài, huyện lỵ của huyện Bình Lục được nhân dân quen gọi là "Phố Phủ".

pho_phu_cho_phu-10_25_15_326.jpg

Chợ Phủ, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục). Ảnh: Thế Tân

Ngày 13/2/1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 26/QĐ-HĐBT thành lập thị trấn Bình Mỹ - lỵ sở huyện Bình Lục. Từ đó, trong tâm thức dân gian danh xưng Phố Phủ dần dà phai nhạt. Những cái tên ấy gợi nhớ một thời quá vãng, gắn bó với tình cảm của nhiều người.

Phố Phủ thời trước qui mô nhỏ hơn nhiều so với thị trấn Bình Mỹ hiện nay, chủ yếu là nơi đặt các cơ quan của huyện, không nhiều nhà cao cửa rộng, vài mươi hộ dân làm nghề sửa xe đạp, cắt tóc, sửa đồng hồ, bán hàng nước, hoa quả, mấy cửa hàng quốc doanh bán bách hóa, thực phẩm... thật thơ mộng, bình yên.

Cùng với Phố Phủ, có một chợ mang tên Chợ Phủ. Chợ họp ở phía đông bắc đầu làng Thượng Thọ (Mỹ Thọ) cách đường tàu hỏa không xa bán chủ yếu mặt hàng nông sản... người trong vùng kéo đến chợ tấp nập, đông vui.

Vậy tại sao huyện lỵ Bình Lục trước kia mang tên Phố Phủ, tên gọi này không có ở bất cứ nơi nào trên đất Hà Nam, ngoại trừ nơi đây. Phố Phủ có liên quan gì đến đơn vị hành chính Phủ? Phố Phủ phải chăng là lỵ sở của phủ và phủ nào?

Sử sách cho biết năm Quang Thuận 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông, Nhà nước phong kiến bỏ đơn vị hành chính "Lộ Châu", lập đơn vị hành chính "Phủ", đổi đơn vị hành chính "Đạo" thành "Thừa Tuyên". Vùng đất Hà Nam nay là phủ Lỵ Nhân thuộc thừa tuyên Sơn Nam. Đến thời nhà Nguyễn, phủ Lỵ Nhân đổi gọi là phủ Lý Nhân (1831). Huyện Bình Lục, tên gọi từ thời Trần, lần lượt thuộc lộ Lợi Nhân, rồi châu Lỵ Nhân, phủ Lỵ Nhân đời vua Lê Thánh Tông và phủ Lý Nhân thời Nguyễn.

Ngày 21/3/1890, ba huyện Nam Xương, Bình Lục, Thanh Liêm tách khỏi phủ Lý Nhân để thành lập phủ Liêm Bình thuộc tỉnh Nam Định. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, ngày 20/10/1890, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Hà Nam, trên cơ sở đất đai và dân số của phủ Lý Nhân trước đây, cắt 17 xã của huyện Vụ Bản, huyện Thượng Nguyên (Nam Định) nhập vào huyện Bình Lục, cắt hai tổng Mộc Hoàn, Chuyên Nghiệp (Phú Xuyên, Hà Nội) nhập vào huyện Duy Tiên. Phủ Liêm Bình tách khỏi Nam Định, chuyển về tỉnh Hà Nam mới.

Ở trên là tóm tắt về sự thay đổi diên cách hành chính. Trở lại vấn đề danh xưng Phố Phủ.

Qua sử liệu có thể xác quyết: đã có thời lỵ sở của phủ Lý Nhân, phủ Liêm Bình đặt trên đất huyện Bình Lục, gần trùng khớp với phạm vi đất đai của huyện lỵ trước khi mở rộng, nâng cấp thành thị trấn.

Sách "Đại Nam thực lục", tập 9, chính biên, Đệ nhị kỷ 5 (Minh Mệnh năm thứ 9 - 10 (1828 - 1829) (1) chép: "Đắp thành phủ Lý Nhân và thành hai huyện Duy Tiên, Thanh Liêm thuộc trấn Sơn Nam. Thành phủ Lý Nhân ở xã Cổ Thọ (sau đổi là Mỹ Thọ - MK), huyện Bình Lục là huyện kiêm lý. Thành huyện Duy Tiên ở xã Ninh Lão. Thành huyện Thanh Liêm ở hai xã Dương Xá, Hương Ngải.

Thành phủ Lý Nhân dài quanh 266 trượng (2) 2 thước 4 tấc, mé ngoài cao 7 thước 2 tấc, trong cao 4 thước, mặt dày 4 thước, chân thành 1 trượng 5 thước.

Về thời gian xây thành cũng sách này, tập 10 cho biết là vào năm Minh Mệnh thứ 5-6 (1824 - 1825)(3).

Sách "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ", tập 13 do Nội các triều Nguyễn biên soạn đã miêu tả ngôi thành này ở thời kỳ sau, có khác biệt chút ít về kích thước so với "Đại Nam thực lục", đồng thời bổ sung một số chi tiết. Sách chép: "Thành đất ở xã Cổ Thọ, huyện Bình Lục chu vi thành 261 trượng 2 thước 4 tấc, cao 7 thước 2 tấc, có 3 cửa, hào rộng 1 trượng 5 thước, vốn trước là thành phủ Lý Nhân đắp năm Minh Mệnh thứ 11"(4). Ở đây thời gian đắp thành lùi lại 5 năm (1830).

Các cuốn dư địa chí của triều Nguyễn như "Đại Nam nhất thống chí", "Đồng Khánh dư địa chí" tiếp tục ghi nhận sự tồn tại của ngôi thành.

"Đại Nam nhất thống chí", tập 3 một mặt miêu tả về ngôi thành, mặt khác nói đến vị trí và thời gian đặt lỵ sở phủ Lý Nhân: "Thành đất chu vi 271 trượng 6 thước, cao 7 thước 2 tấc. Hào rộng 4 trượng, mở 3 cửa, hai bên xây gạch, địa phận ở xã Cổ Thọ, trước ở xã Yên Dương. Năm Gia Long thứ 3 do phủ Lý Nhân kiêm lý mới đổi đến chỗ hiện nay. Năm Minh Mệnh thứ 6 đắp thêm. Năm Minh Mệnh thứ 13 thay đổi đến huyện Kim Bảng do phủ kiêm lý và dời phủ lỵ Lý Nhân đến trấn Nam Sơn, đem thành này làm thành huyện Bình Lục, nay vẫn theo như thế".(5)

Sách "Đồng Khánh dư địa chí", biên soạn trong thời Đồng Khánh (1886 - 1887), một lần nữa minh chứng về thành phủ Lý Nhân: "Huyện do phủ Lý Nhân thống hạt, huyện hạt ở xã Cổ Thọ, tổng Bồ Xá. Thành nguyên đắp bằng đất vây quanh bốn mặt, mỗi bề dài 65 trượng, tất cả dài là 260 trượng, thân thành cao 6 thước, bề mặt rộng 8 thước, chân thành rộng 2 trượng 2 thước. Cửa thành kiểu cung điện, các cửa trước, phải trái mỗi cửa đều xây bằng gạch thông thoáng. Còn kiểu cách thì trên tròn dưới vuông, lòng cửa cao 9 thước, rộng 7 thước 5 tấc. Trên trán cửa trước có 4 chữ bằng đá Lý Nhân phủ môn, ba cửa trước, trái, phải đều có cánh cửa. Thành cửa xây gạch cao 2 thước, 5 tấc, rộng 1 thước 3 tấc; 4 mặt hào rộng đều 3 trượng, sâu 3 thước".(6)

Qua những miêu tả của mấy cuốn sách sử, chí triều Nguyễn có thể khẳng định: Lỵ sở phủ Lý Nhân đã có thời gian đặt trên đất xã Cổ Thọ (nay là Mỹ Thọ) huyện Bình Lục với sự tồn tại của ngôi thành đắp kiểu vô băng, đặc biệt trán cửa có 4 chữ "Lý Nhân phủ môn" (cửa phủ Lý Nhân) là nơi làm việc của các cơ quan hành chính, quân sự. Lỵ sở Lý Nhân đặt ở đây suốt từ thời vua Gia Long đến đầu đời vua Đồng Khánh, trên dưới 60 năm. Có lỵ sở là có đô thị. Danh xưng "Phố Phủ" đã cho thấy rõ, bởi chỉ ở đô thị/thành thị thì mới hình thành phố - nơi tập trung thị dân mở cửa hàng cửa hiệu, làm nghề thủ công, cùng với đó hẳn nhiên là có chợ phủ để dân quê mang lương thực thực phẩm đến cung cấp cho lỵ sở. Không chỉ là lỵ sở của phủ Lý Nhân, khi thành lập phủ Liêm Bình thì nơi đây tiếp tục đóng vai trò lỵ sở của phủ này.

Danh xưng "Phố Phủ" trong tiềm thức dân gian đã được xác thực hóa bằng tư liệu lịch sử rất nên trân trọng ghi nhớ lâu dài bằng tên phố hoặc tên công trình. Mong lắm thay!


______________________________

(1) Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb KH, 1964, tr171 – 172

(2) Trượng, đơn vị đo lường cổ, 1 trượng = 4,25m; 1 trượng = 10 thước, 1 thước = 10 tấc.

(3) Đại Nam thực lục, tập 10, sđd, tr 163

(4) Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 13, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr147.

(5) Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb KHXH, H, tr167 – 168.

(6) Đồng Khánh dư địa chí, bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.


Theo Báo Hà Nam điện tử