Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, quản lý sử dụng bãi sông trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Tin theo lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy lợi  
Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, quản lý sử dụng bãi sông trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, bất thường; để chủ động ứng phó trước thiên tai, đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều, cũng như an toàn, tài sản tính mạng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 801/UBND-NNTNMT ngày 25/4/2023 về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai (PCTT), quản lý sử dụng bãi sông trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Thực hiện tăng cường công tác phòng chống thiên tai

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Rà soát, điều chỉnh Kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 hằng năm đảm bảo theo quy định hiện hành.

Tham mưu xây dựng phương án (bao gồm các kịch bản) ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai đối với từng loại hình thiên tai cụ thể trình Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt làm cơ sở để các Sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chuyên dùng, công cụ hỗ trợ cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong công tác tham mưu, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá đảm bảo an toàn hệ thống công trình PCTT trước mùa mưa lũ; xác định và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu; xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế.

Tổ chức bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng và vận hành công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố đê điều, công trình phòng, chống thiên tai.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức PCTT cho cán bộ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy; tập huấn kiến thức, kỹ năng cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để chủ động thích ứng, giảm thiệt hại do thiên tai, gắn xây dựng cộng đồng dân cư an toàn trước thiên tai với xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Tổ chức, thực hiện hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh; Tham mưu tổ chức thực hiện việc xây dựng kế hoạch thu, chi; hướng dẫn đẩy mạnh hoạt động thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn cấp huyện, cấp xã theo quy định của Pháp luật.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, cấp xã; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng thành viên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình trước mùa mưa lũ, kịp thời phát hiện những hư hỏng có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của hệ thống đê điều, xử lý các sự cố.

Tổ chức tổng kết, đúc rút kinh nghiệm công tác PCTT&TKCN năm 2022; triển khai kế hoạch công tác năm 2023; triển khai, thực hiện, nghiêm túc công tác chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện phục vụ PCLB theo phương châm "4 tại chỗ" gắn với phương án trọng điểm và các vị trí xung yếu, bảo đảm kịp thời xử lý hiệu quả, an toàn cho công trình khi có sự cố xảy ra.

Khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 theo quy định; rà soát, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm. Hàng năm, xây dựng phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn phù hợp với các nhận định thiên tai; tổ chức kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị và diễn tập theo phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt, nhất là đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.

Tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch PCTT tỉnh giai đoạn 2021-2025; Chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình tổng thể PCTT quốc gia; Kế hoạch PCTT quốc gia đến năm 2025; Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030" và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCTT&TKCN.

Lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp với đặc điểm thiên tai của địa phương đảm bảo theo quy định tại Điều 19 Luật PCTT và tại khoản 12, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp kiên cố hóa, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều, PCTT; tập trung xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản, lập bến bãi, tập kết khoáng sản trái phép và lấn chiếm lòng sông, bãi sông.

Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các xã, phường, thị trấn củng cố lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT ban hành hướng dẫn xây dựng và củng cố lực lượng xung kích PCTT cấp xã; trong đó, tập trung công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 2020/UBND-NN&TNMT ngày 06/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam.

Tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT; lồng ghép nội dung PCTT vào các chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương.

Tổ chức thực hiện việc xây dựng kế hoạch thu, chi Quỹ PCTT tỉnh; tăng cường công tác thu Quỹ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của Pháp luật.

Mua sắm, bổ sung, nâng cấp phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT cho các địa phương; trang bị các trang thiết bị, vật tư hiện đại cho Văn phòng thường trực cấp huyện, cấp xã; tổ chức tập huấn để cán bộ chuyên trách và lực lượng xung xích PCTT cấp xã sử dụng thành thạo các trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi thiên tai xảy ra.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh, phong trào thi đua “Chủ động PCTT, xây dựng cộng đồng dân cư an toàn", gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.

c) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn chuyên trách, kiêm nhiệm; rà soát, hoàn thiện phương án, kế hoạch, chuẩn bị các đầy đủ các điều kiện để thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.

Chỉ đạo tăng cường công tác huấn luyện, đào tạo, diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, TKCN.

Tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục thực hiện Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đến năm 2020.

d) Công an tỉnh

Rà soát kế hoạch và phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là khi có thiên tai, sự cố lớn xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, cứu trợ nhân dân, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.

Chỉ đạo lực lượng Công an cấp xã tham gia xây dựng lực lượng xung kích PCTT; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập để nâng cao năng lực PCTT&TKCN.

Chỉ đạo lực lượng Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều; PCTT; tập trung xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản, lập bến, bãi vật liệu xây dựng trái phép và lấn chiếm lòng, bờ, bãi sông,...

Tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, khu dân cư do tác động của thiên tai.

đ) Sở Thông tin và Truyền thông

Nâng cao chất lượng công tác truyền thông, tuyên truyền, đưa tin trong PCTT. Tổ chức thông tin, tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời các nội dung về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đến các cấp chính quyền và cộng đồng.

Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí của tỉnh; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã tuyên truyền PCTT; thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các nội dung về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đến các cấp chính quyền và cộng đồng. Tuyên truyền các nội dung này trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam.

e) Các Sở, ngành liên quan

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCTT&TKCN; Kế hoạch số 2535/KH-UBND ngày 20/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 165-KH/TU ngày 08/7/2020 của Tỉnh ủy Hà Nam về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Thực hiện chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hà Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2162/QĐ-UBND ngày 14/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Thực hiện tăng cường công tác quản lý sử dụng bãi sông

Các Sở, ngành, đơn vị tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, Văn bản số 2520/UBND-NN&TNMT ngày 24/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quản lý, sử dụng bãi sông đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều đồng thời khẩn trương tổ chức thực hiện những nội dung sau:

a) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, xử lý, giải tỏa các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng, khoáng sản trên bãi sông không phù hợp với quy hoạch, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, nguy cơ gây cản trở thoát lũ, mất an toàn đê điều. Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15/5/2023.

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rà soát, lập Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng đối với các khu vực trong hành lang bảo vệ đê điều, trên lòng, bờ, bãi sông, không gian thoát lũ đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đê điều.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, kiến nghị chính quyền địa phương xử lý theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đê điều tuân thủ nghiêm các quy định về việc cấp phép đối với các hoạt động phải được cấp phép và giám sát việc thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo đúng thẩm quyền.

Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nội dung Phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và Phương án phát triển hệ thống đê điều được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tuân thủ theo các quy định của Luật Đê điều.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đồng thời chỉ đạo Đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan hoàn thiện Phương án PCTT và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh trong Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định cụ thể phương án quản lý, sử dụng đất ở bãi sông, số lượng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông phải di dời và xây dựng phương án, lộ trình di dời đảm bảo khả thi để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có sử dụng đất trên lòng, bờ, bãi sông đảm bảo tuân thủ các quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều của hệ thống sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đúng theo quy định pháp luật về đê điều.

d) Sở Xây dựng

Trên cơ sở Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 01/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Quy định phân cấp thực hiện cấp giấy phép xây dựng và trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam" chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Hướng dẫn chi tiết việc thực hiện cấp giấy phép xây dựng công trình khu vực ven đê, trên lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật.

Thực hiện thẩm định các dự án, công trình sử dụng đất ở bãi sông phù hợp với các quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều đã được phê duyệt; kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc cấp phép xây dựng theo quy định.

Phối hợp với các địa phương thực hiện Quy hoạch xây dựng đối với các khu vực trong hành lang bảo vệ đê điều, trên lòng, bờ, bãi sông đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đê điều.

đ) Sở Giao thông vận tải

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, quản lý các hoạt động xây dựng, giao thông tại cảng, bến thủy nội địa, các hoạt động tàu, thuyền trên các tuyến đường thủy nội địa đã được công bố, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến lòng, bờ, bãi sông, không gây cản trở đến dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của các tuyến sông. Việc hoạt động của cảng, bến thủy nội địa phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều và các quy định pháp luật khác có liên quan.

e) Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, hướng dẫn các tổ chức sử dụng đất khu vực bãi sông thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật; kiểm tra vi phạm, tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo quy định.

Tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật đối với việc quản lý khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát sỏi lòng sông, để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, khả năng thoát lũ và phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cắm mốc hàng lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch.

Hàng năm, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát Quy hoạch sử dụng đất đối với các khu vực trong hành lang bảo vệ đê điều, trên lòng, bờ, bãi sông, không gian thoát lũ đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đê điều./.​