Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thường trực Tỉnh ủy thảo luận dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Tin theo lĩnh vực Tổng hợp  
Thường trực Tỉnh ủy thảo luận dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Chiều ngày 03/8/2021, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thảo luận dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản giai đoạn 2021 -2025; dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển đô thị thành phố Phủ Lý đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Bà Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
2121.jpg.jpg
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy chủ trì hội nghị

Dự hội nghị còn có ông Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố…

Tại hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã trình bày dự thảo báo cáo về: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu của Nghị quyết: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đưa công tác quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ, đúng quy định, phù hợp với thực tế địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Dự thảo Nghị quyết xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, sự giám sát của HĐND và vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, khoáng sản; xây dựng cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản theo quy định của pháp luật phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách pháp luật về đất đai, khoáng sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản.

Đối với dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị tỉnh Hà Nam phát triển đồng bộ theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có môi trường và chất lượng sống tốt. Tỉnh Hà Nam tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trở thành cực tăng trưởng của Đồng bằng sông Hồng và phía Nam thủ đô Hà Nội, phấn đấu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 47,5%, đến năm 2030 đạt khoảng trên 58%. Giai đoạn 2021 - 2025, tập trung xây dựng đô thị Kim Bảng đạt tiêu chí đô thị loại IV, tiến tới thành lập thị xã trước năm 2025; xây dựng đô thị Thái Hà đạt tiêu chí đô thị loại V trước năm 2024; xây dựng thí điểm thành phố Phủ Lý theo mô hình đô thị tăng trưởng xanh và đô thị thông minh.

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 58%, trong đó: Thành phố Phủ Lý đạt tiêu chí đô thị loại I; thị xã Duy Tiên đạt tiêu chí đô thị loại III; thị xã Kim Bảng cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III; xây dựng 03 đô thị loại IV gồm đô thị Thanh Liêm, đô thị Lý Nhân, thị trấn Bình Mỹ huyện Bình Lục.

Dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển đô thị thành phố Phủ Lý đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: Xây dựng đô thị thành phố Phủ Lý phát triển đồng bộ theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, trong đó phát triển đột phá ngành thương mại, dịch vụ. Đến năm 2030, thành phố Phủ Lý cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, là đô thị vệ tinh quan trọng của thủ đô Hà Nội.

DSC05628.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy phát biểu ý kiến tại hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số vấn đề: Việc quản lý đô thị trong thời gian qua còn nhiều bất cập, trong đó hạn chế của đô thị là khâu xử lý nước thải, hệ thống chiếu sáng; đô thị thiếu nhà ở xã hội; cơ sở hạ tầng xây dựng nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài; trong thời gian tới tỉnh cần có định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng phát triển lâu dài, bền vững, văn minh, hiệu quả.

Nâng cấp một số tuyến đường tại nội thành thành phố Phủ Lý; xác định rõ nguồn lực đầu tư trong phát triển đô thị; phát triển đô thị phải chú ý lựa chọn cây xanh đẹp trồng lâu dài; đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; chú trọng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống chiếu sáng công cộng; phát triển đô thị Phủ Lý thông minh. Về lâu dài phải phát triển đô thị nén, đô thị có nhiều nhà cao tầng.

Đối với nội dung tăng cường quản lý sử dụng đất đai khoáng sản trên địa bàn, cần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chuyên môn. Công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc: Đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và tuân thủ đúng quy định của pháp luật; đồng bộ nhất quán về cơ chế chính sách; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy nhấn mạnh: Đây là 03 nghị quyết quan trọng, trong đó có 02 nghị quyết về phát triển đô thị và 01 nghị quyết về tăng cường lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản. Để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực trên, các cấp, các ngành phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và các tổ chức đoàn thể. Việc quản lý đất đai, khoáng sản phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tìm giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại. Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản phải thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với phát triển đô thị, Nghị quyết cần làm rõ: Các thành tố phát triển đô thị; quan tâm phát triển quy hoạch đô thị, quản lý quy hoạch; các yếu tố phát triển hạ tầng đô thị, bao gồm hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội. Mục tiêu phát triển đô thị bền vững, các đô thị có không gian xanh, có môi trường sinh thái bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển đô thị phải nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân./.​