Đại biểu dự hội nghị
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, BHXH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh…
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2009, sau khi Chỉ thị số 38-CT/TW được ban hành, toàn quốc có trên 50 triệu người tham gia BHYT, tăng trên 10 triệu người so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 58,2% dân số. Đến năm 2023, toàn quốc có 93,6 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số. Công tác khám, chữa bệnh (KCB) BHYT được chú trọng. Năm 2023, có 2.897 cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT, tăng hơn năm 2009 là 809 cơ sở. Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng từng năm, trong 15 năm đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT, với tổng số tiền trên 993 nghìn tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ thêm những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, những bài học kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện toàn diện, thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT trong tình hình mới.
Thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chỉ thị số 38-CT/TW để thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về BHYT; tập trung các nguồn lực phấn đấu từ năm 2025 trở đi đạt trên 95% dân số tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo đúng mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHYT.
Đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHYT. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT. Quản lý an toàn, hiệu quả các nguồn thu, chi tài chính; tăng cường công tác giám định BHYT, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHYT; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết thủ tục hành chính về BHYT./.
L.H