Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo tại kỳ họp thứ mười sáu - kỳ họp cuối năm 2023, ...

Tin theo lĩnh vực Giáo dục  
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo tại kỳ họp thứ mười sáu - kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XIX
Cổng Thông tin điện tử tỉnh đăng tải toàn văn báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ mười sáu - kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XIX.

1. Cử tri ý kiến

Cử tri xã Trịnh Xá, Đinh Xá, thành phố Phủ Lý; xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục đề nghị tỉnh bố trí đủ số lượng giáo viên cho các trường nhất là trường mầm non và tiểu học.

 Tuangd.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại phiên họp

Trả lời

Thực trạng thiếu giáo viên đã diễn ra trong một số năm gần đây vì các lý do sau: Số lượng người làm việc được Trung ương giao hằng năm thấp hơn nhu cầu giáo viên theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; biên chế ngành giáo dục từ năm 2016 đến nay đều bị cắt giảm bình quân 2%/năm do phải thực hiện tinh giản biên chế. Riêng ở Hà Nam còn có thêm nguyên nhân là dân số của tỉnh tăng nhanh do đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp, người lao động từ các tỉnh thành về làm việc và sinh sống, dẫn đến số học sinh ra lớp cấp học mầm non, tiểu học, THCS cũng tăng. Bên cạnh đó, một số môn thiếu nguồn tuyển dụng trong đó có giáo viên dạy môn chung cấp tiểu học.

Trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục được giao bổ sung 563 biên chế giáo viên theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị; UBND tỉnh đã giao bổ sung số biên chế và chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyển dụng viên chức đủ với biên chế được giao, giải quyết phần nào khó khăn về thiếu giáo viên.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong năm học 2023-2024, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung 505 biên chế giáo viên trong số lượng biên chế còn lại bổ sung cho tỉnh giai đoạn 2022-2026; đồng thời báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2023 -2024 của tỉnh Hà Nam, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung thêm 2.088 biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ đề nghị UBND tỉnh về chủ trương hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế được giao theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì tham mưu trình HĐND tỉnh phê duyệt số lượng hợp đồng lao động thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục theo từng năm học đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt công lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Cử tri ý kiến

Đối với đề xuất việc giải quyết chế độ nghỉ hưu theo đặc thù ngành nghề cho giáo viên mầm non (cử tri xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý: Giáo viên mầm non có thể xem và xếp vào dạng ngành nghề nặng nhọc, phải lao động chân tay, thời gian làm việc từ 10-12h/ngày).

Trả lời

Tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc của giáo viên mầm non không có trong Danh mục công việc nặng nhọc. Vì vậy, để tỉnh ban hành chính sách riêng về giải quyết chế độ nghỉ hưu cho giáo viên mầm non là không có căn cứ pháp lý.

Tuy nhiên, lao động sư phạm của nhà giáo là lao động đặc biệt vì đối tượng, sản phẩm là con người phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và những năng lực cần thiết để học tập, lao động. Công việc của giáo viên mầm non có đặc thù và tính chất riêng vì vừa phải chăm sóc, nuôi dưỡng, vừa phải giáo dục đối tượng trẻ em có độ tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi. Chính vì vậy, trên cơ sở đề nghị của các Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian vừa qua, Bộ  Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì nghiên cứu, trình Chính phủ hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi và giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non (đề nghị tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi, giảm 05 năm so với quy định hiện hành). Như vậy, toàn ngành giáo dục vẫn luôn quan tâm đến các chính sách đối với giáo viên mầm non.

3. Cử tri ý kiến

Đối với ý kiến về đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo các tiêu chí của trường lớp và đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh; tháo gỡ khó khăn trong việc mua sắm thiết bị giáo dục do cơ chế đấu thầu tập trung nên tiến độ chậm (cử tri xã Trịnh Xá, Đinh Xá, thành phố Phủ Lý; Ngọc Lũ, huyện Bình Lục).

Trả lời

Về đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo các tiêu chí của trường lớp và đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của các trường học được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Luật Quản lý sử dụng tài sản công và thực hiện phân cấp theo các quy định hiện hành. Cụ thể trách nhiệm để thực hiện xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị cho các trường học thuộc trách nhiệm của ngân sách huyện và ngân sách xã. Do đó, đề nghị UBND huyện Bình Lục, UBND thành phố Phủ Lý chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chủ động sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước theo phân cấp để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Đối với ngân sách tỉnh, hàng năm căn cứ khả năng cân đối ngân sách và tình hình thực tế của địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ thêm cho các huyện, thị xã, thành phố để tăng cường cơ sở vật chất trường học trên địa bàn theo quy định. Việc mua sắm thiết bị giáo dục còn chậm do cơ chế đấu thầu tập trung.

Việc ban hành Danh mục tài sản mua sắm tập trung và phân công đơn vị mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được UBND tỉnh Hà Nam quy định tại Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND ngày 01/7/2020. Trong đó, phân công đơn vị mua sắm tập trung đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS là thẩm quyền của cấp huyện: “Giao Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện mua sắm tập trung đối với các tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 1 Quyết định này đối với các đơn vị trực thuộc huyện, xã quản lý".

Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động thực hiện kiểm tra, rà soát toàn bộ trang thiết bị hiện có so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp cơ sở vật chất của đơn vị để tổng hợp nhu cầu, xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung thiết bị dạy học, kinh phí thực hiện báo cáo, đề xuất kịp thời với cơ quản quản lý cấp trên cùng với thời điểm lập dự toán, kế hoạch hằng năm làm cơ sở triển khai thực hiện mua sắm ngay từ đầu năm tài chính theo thẩm quyền, theo quy định.

Đối với các loại tài sản ngoài danh mục mua sắm tập trung theo Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND: Đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện theo điểm d khoản 1 Điều 1 Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh./.