Thực hiện kết luận của cuộc họp, từ ngày 20 đến
25/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng
cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Các Sắc lệnh số 115, 111, 112, 117 phong quân hàm
Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình và Thiếu tướng cho 9 đồng chí khác.
Đồng chí Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng theo Sắc
lệnh số 112/SL ngày 20/1/1948, trở thành một trong 11 vị tướng “khai quốc công
thần” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là người Hà Nam đầu tiên
được phong tướng. Niềm vinh dự to lớn ấy không chỉ cho riêng ông, gia đình,
làng xóm mà là vinh dự chung của cả tỉnh Hà Nam.
Chân dung Thiếu tướng Trần Tử Bình trong
cuốn sách "Từ Phú Riềng Đỏ đến mùa Thu Hà Nội". Ảnh: bienphong.com.vn
Ngày 28/5/1948, tại Tỉn Keo, xã Lục Rã, huyện Định
Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng Chính phủ tổ chức trọng thể lễ tấn phong cho
các tướng lĩnh đầu tiên. Bác Hồ chủ trì buổi lễ, trực tiếp công bố các sắc lệnh
và phát biểu căn dặn các vị tướng: “Hôm nay việc phong tướng cho chú Giáp và
các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào,
đồng chí. Chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thỏa
lòng những người đã mất”(1).
Thiếu tướng Trần Tử Bình, tên thật là Phạm Văn Phu,
sinh ngày 5/5/1907 trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên chúa ở thôn
Tiêu Thượng, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục. Khi tham gia hoạt động cách mạng,
ông lấy bí danh là Trần Tử Bình, nghĩa là sống phong trần lãng tử, dám xả thân
vì chính nghĩa, vì sự bình đẳng. Điều này ông đã thực hiện đến trọn đời.
Đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn viết về
ông, tựu chung tô đậm về một con người sớm đi theo cách mạng, vượt qua biết bao
gian lao khắc nghiệt, kể cả cái chết, một lòng kiên trung với Đảng, với cách
mạng. Bài viết này chỉ xin nêu những mốc chính trong cuộc đời hoạt động cách
mạng của ông.
Theo ý nguyện của cha, mẹ, khi đủ tuổi Phạm Văn Phu đi
học trường dòng, nhưng rồi tinh thần yêu nước đã sớm thức dậy ở chàng trai trẻ
tuổi. Cuối năm 1926, anh bị đuổi học vì vận động giáo sinh ở chủng viện Hoàng
Nguyên (Giáo phận Hà Đông) để tang chí sĩ Phan Chu Trinh. Năm 1927, anh được
đồng chí Tống Văn Trân giác ngộ cách mạng, chỉ hướng “vô sản hóa”, nên đã ký
hợp đồng làm phu đồn điền cao su Phú Riềng. Tại đây, đồng chí Ngô Gia Tự đã đem
đến cho anh luồng tư tưởng mới và kết nạp vào tổ chức Việt Nam cách mạng thanh
niên. Chỉ ít lâu sau, tháng 10/1929, Trần Tử Bình trở thành đảng viên Chi bộ
Đông Dương Cộng sản Đảng đồn điền Phú Riềng. Vào Đảng chưa lâu, cuối năm này
ông đã được bầu làm Bí thư Chi bộ. Tên tuổi Trần Tử Bình từ đây được ghi vào
lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng. Đầu năm 1930, Chi bộ đồn điền Phú Riềng do ông
đứng đầu đã lãnh đạo 5.000 công nhân đấu tranh với chủ, đòi quyền sống, làm nên
một “Phú Riềng đỏ” tiếng vang, sức lan tỏa rộng lớn. Kẻ thù căm tức, săn lùng
người Bí thư cộng sản. Ông bị địch bắt, kết án 10 năm tù, đày ra Côn Đảo. Biến
nhà tù thực dân thành trường học cách mạng, ông cùng các đồng chí Tôn Đức
Thắng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp...
vẫn tiếp tục học tập lý luận cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lê nin. Năm 1936, Mặt
trận bình dân Pháp nắm quyền ở chính quốc, thực dân Pháp ở Việt Nam buộc phải
thả hàng ngàn tù chính trị. Trở về quê hương, Trần Tử Bình bí mật hoạt động
cách mạng trong cái vỏ thầy ký ở phố huyện Bình Lục. Ông lần lượt giữ các chức
vụ Bí thư Chi bộ, Bí thư Huyện ủy Bình Lục.
Cuối năm 1939, đồng chí Nguyễn Đức Quỳ, Bí thư Tỉnh ủy
Hà Nam bị địch truy lùng ráo riết, Xứ ủy Bắc Kỳ đã điều đồng chí đi hoạt động ở
tỉnh khác. Đồng chí Trần Tử Bình nhận bàn giao phong trào cách mạng Hà Nam,
trong bối cảnh hết sức khó khăn. Hội nghị Tỉnh ủy Hà Nam họp mở rộng ở thôn Cổ
Viễn (xã Hưng Công, Bình Lục) đã quyết định chuyển hướng đấu tranh, đồng chí
Trần Tử Bình được bầu là Bí thư Tỉnh ủy. Sau hội nghị, phong trào cách mạng
trong tỉnh có nhiều chuyển biến mới.
Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, ông có những đóng
góp quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 6, được
Trung ương bầu vào Xứ ủy Bắc Kỳ, giao trực tiếp phụ trách Liên tỉnh C (Hà Nam,
Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình) năm 1940, 1943, Liên tỉnh D (Vĩnh Yên, Phúc
Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang) năm 1941.
Ngày 24/12/1943, ông lại bị địch bắt ở Thái Bình đưa
về nhà tù Hà Nam giam giữ. Đầu năm 1944 sau cuộc vượt ngục không thành công,
ông bị chính quyền Pháp chuyển về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Trần Tử Bình lại một
lần nữa được các đồng chí kính phục khi ông được bầu làm Trưởng ban sinh hoạt
để tổ chức các hoạt động công khai của tù chính trị. Ngày 11/3/1945, lợi dụng
việc quản lý lơi lỏng của nhà tù, Trần Tử Bình cùng một số tù chính trị cộng
sản đã tổ chức cuộc vượt ngục nổi tiếng theo đường cống ngầm cho 100 tù chính
trị, cung cấp nguồn cán bộ quan trọng cho chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa
giành chính quyền. Trần Tử Bình được Đảng phân công chỉ đạo xây dựng chiến khu
Quang Trung giáp ranh 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, với tư cách là ủy viên
Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Trần Tử Bình đã trực tiếp tham gia lãnh đạo Tổng khởi
nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8/1945 và một số tỉnh ở Đồng bằng Bắc Bộ. Sau đó, cuộc
đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Trần Tử Bình lại chuyển sang giai đoạn mới,
sang lĩnh vực quân sự. Tháng 9/1945, ông được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc, Chính
trị ủy viên Trường Quân chính Việt Nam. Tháng 5/1946, ông nhận nhiệm vụ Phó
Giám đốc, Chính ủy Trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Năm 1947, ông được đề bạt làm
Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ chính trị cục. Cuối
năm 1947, ông cùng Lê Thiết Hùng chỉ huy chiến dịch Sông Lô thắng lợi. Từ năm
1950 đến năm 1956, ông là Chính ủy Trường Lục quân Việt Nam trên đất Trung
Quốc. Trong các năm 1956 - 1958, ông được giao trọng trách Tổng Thanh tra Quân
đội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam.
Từ lĩnh vực quân sự, Đảng lại điều động ông sang lĩnh
vực ngoại giao. Năm 1959, ông công tác tại Bộ Ngoại giao và được bổ nhiệm làm
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa, kiêm nhiệm Đại sứ tại Mông cổ. Trong 8 năm công tác tại Bắc Kinh,
ông đã góp phần tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa... Việt - Trung,
tranh thủ sự giúp đỡ của bạn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
và kháng chiến chống Mỹ. Trong lần về nước họp, mồng 3 Tết năm Đinh Mùi
(11/2/1967), ông bị cảm rồi đột ngột từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn
cho gia đình, đồng chí, bạn bè...
Công lao to lớn của đồng chí Trần Tử Bình đã được Đảng
và Nhà nước ta ghi nhận, đánh giá cao. Năm 1960, ông được bầu vào Ban Chấp hành
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa II và
khóa III. Năm 1957, ông nhận Huân chương Quân công hạng Ba. Ngay sau khi ông từ
trần, Nhà nước đã truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Nhất (1967), tiếp theo
là Huân chương Sao vàng (2008) - danh hiệu cao quý nhất của Nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam. Các đường, phố mang tên Trần Tử Bình đã được đặt ở thủ
đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) và ở thành
phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam quê hương.
Trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ông, Đảng bộ,
chính quyền và nhân dân địa phương đã tôn kính xây dựng Khu tưởng niệm bậc tiền
bối cách mạng - Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam - Nhà ngoại giao Trần Tử
Bình. Ngày 5/5/2007, lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông diễn ra trọng thể tại
Khu tưởng niệm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi Đảng ủy, chính quyền,
nhân dân xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, cùng con cháu Thiếu tướng
Trần Tử Bình, cử phu nhân Đặng Bích Hà về dự. Trong thư Đại tướng đã viết những
dòng trân trọng: “Thiếu tướng Trần Tử Bình - người bạn thân thiết của tôi...
Anh là một trong 9 cán bộ cao cấp được Hồ Chủ tịch ký quyết định phong quân hàm
Thiếu tướng lớp đầu tiên, rồi cùng công tác với tôi trong Quân ủy và Bộ Tổng Tư
lệnh… Trên cương vị nào, Anh cũng đều hoàn thành nhiệm vụ… Thật tiếc, Anh ra đi
quá sớm” (2).
(1) Viện Hồ Chí Minh – Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử,
tập 4 (1946 – 1950), Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 200.
(2) Hoàng Giang Phú – Trọn đời vì nghĩa cả, Nhà Xuất
bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008, trang 7 – 8.