Toàn cảnh hội nghị
Dự hội nghị còn có bà Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, các phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố…
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh), quan điểm phát triển của tỉnh là Quy hoạch tỉnh Hà Nam phải phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam dựa vào khai thác các vị thế về vị trí địa lý của tỉnh liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội để Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện, trong đó tập trung phát triển 04 động lực tăng trưởng quan trọng: Công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, đô thị, dịch vụ (du lịch, giáo dục – đào tạo, y tế) và nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển chung của vùng và cả nước.
Mục tiêu chung đặt ra là đến năm 2025 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của cùng đồng bằng Bắc Bộ, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Mục tiêu cụ thể phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,7%; phấn đấu duy trì khoảng 12%/năm giai đoạn 2026 - 2030.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa phát biểu ý kiến thảo luận tại hội nghị
Dự thảo Quy hoạch tỉnh xây dựng các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; quy hoạch hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn, khu chức năng; quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo phân loại đến từng đơn vị hành chính; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh; phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Phát biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị, đại biểu cơ bản đồng tình, nhất trí cao về quan điểm của tỉnh đặt ra trong quy hoạch. Đồng thời phân tích, chỉ ra một số vấn đề cần bổ sung, sửa đổi trong từng phương án quy hoạch như: Quy hoạch không gian, quy hoạch đô thị; quy hoạch phương án phát triển giao thông vận tải; quy hoạch khoáng sản, phương án khắc phục ô nhiễm môi trường…
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy kết luận hội nghị
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu, kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý, cập nhật chính xác số liệu từ các ngành, địa phương để bổ sung vào Quy hoạch. Trong quy hoạch phải đánh giá chính xác điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức sát với thực tiễn của tỉnh để từ đó xác định rõ chiến lược cụ thể cho phát triển của tỉnh và các chiến lược đột phá cho từng vùng, từng địa phương. Gắn với các chiến lược đó phải xây dựng các quy hoạch “xương sống" là giao thông, hạ tầng xã hội, đất và không gian đô thị. Từ đó đề ra các giải pháp, nguồn lực để thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh giao các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn hoàn thiện Quy hoạch tỉnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đề ra./.