Hà Nam trong quá khứ thuộc các đơn vị hành chính cấp độ khác nhau. Lịch sử vùng đất này theo nghĩa rộng đã bắt đầu từ thời đại đồ đá mới, cách ngày nay trên một vạn năm. Dấu tích của người nguyên thủy còn lại ở hang Chuông, hang Gióng Lở (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm) là minh chứng rõ ràng về người Việt cổ đã biết đến nền nông nghiệp sơ khai.
Nối tiếp là thời đại đồ đồng, trên vùng đất Hà Nam đã phát hiện và khai quật hàng chục mộ thuyền ở xã Mộc Bắc, Đọi Sơn, Yên Bắc (Duy Tiên), Châu Sơn (thành phố Phủ Lý)... thu được các hiện vật tùy táng như mũi tên, mũi giáo, nhíp gặt lúa, thạp... bằng đồng, đồ gỗ, đồ sơn, đồ gốm. Đặc biệt, toàn tỉnh đã phát hiện 21 trống đồng của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, trong đó có trống đồng Ngọc Lũ I - bảo vật quốc gia mà một phiên bản được trưng bày tại trụ sở Liên Hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ).
Hà Nam hiện còn 1.784 di tích thuộc đủ loại hình: 551 ngôi đình, 490 ngôi chùa, 306 ngôi đền, còn lại là các miếu phủ, văn chỉ, từ đường, trong đó 85 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, trên 100 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Mật độ di tích tương đối dầy, được phân bố đều khắp ở hơn 1.200 thôn, xóm. Bên cạnh đó, Hà Nam còn có nhiều danh thắng được kết hợp bởi công trình kiến trúc cổ và cảnh quan thiên nhiên như: Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn, chùa Bà Đanh - núi Ngọc (Kim Bảng), Kẽm Trống, chùa Tiên – đồi Thông (Thanh Liêm), chùa Đọi - núi Đọi (Duy Tiên), hang Luồn - Ao Dong, chùa Ông (Kim Bảng). Ngoài hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, vùng đất Hà Nam còn lưu giữ số lượng lớn các di vật, cổ vật phong phú, có những cổ vật hiếm, quý như tấm bia chùa Giàu (Đinh Xá, thành phố Phủ Lý), sách đồng (xã Bắc Lý, Lý Nhân), khánh đá chùa Điều (xã Vũ Bản, Bình Lục)... Tấm bia Bảo Tháp Sùng Thiện Diên Linh thời Lý ở chùa Đọi (xã Đọi Sơn, Duy Tiên) đã được Nhà nước công nhận bảo vật quốc gia, hội tụ những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, văn chương và nghệ thuật.
Vật Liễu Đôi, xã Liêm Túc (Thanh Liêm). Ảnh: Điện Biên
Hà Nam cũng là vùng đất có di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng. Văn hóa truyền thống dân gian Liễu Đôi phân bố ở xã Liêm Túc và phụ cận giàu có tục ngữ, thành ngữ, ca dao, vè, truyện cổ, kiến trúc, mỹ thuật. Sự độc đáo, đặc sắc của kho tàng này là sự lưu truyền các bài binh thư, binh pháp, là lò vật lâu đời và các mô típ lạ của truyện cổ, là sự đậm đặc các loại hình văn hóa dân gian. Đặc biệt, truyện thơ "Hoàn Vương ca tích" với 8.878 câu thơ lục bát kể về cuộc đời, công trạng và các nhân vật, sự kiện có liên quan đến nhà vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn).
Hà Nam cũng là quê hương của các làn điệu dân ca độc đáo: múa hát Dậm Quyển Sơn (Thi Sơn, Kim Bảng), hát Lải Lèn (Bắc Lý, Lý Nhân), dân ca giao duyên ngã ba sông Móng (Duy Tiên - Bình Lục - Lý Nhân), hát Trống quân (Liêm Thuận, Thanh Liêm)... Nghệ thuật sân khấu dân gian, đậm nét là sân khấu chèo lưu truyền khắp trong toàn tỉnh, với nhiều chiếu chèo sân đình. Nghệ thuật múa rối nước, múa rối cạn một thời phồn thịnh, nay còn để lại dấu tích ở thôn Nội Rối, Chương Lương (xã Bắc Lý, Lý Nhân). Đặc biệt, nghi lễ Hầu đồng và múa hát Chầu văn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Cùng với lò vật dân tộc cổ truyền Liễu Đôi (Thanh Liêm), vùng đất Hà Nam còn được xa gần biết đến với các lò vật võ: Phúc Châu (xã Hợp Lý, Lý Nhân; An Bài (Đồng Du), Vũ Bị (xã Vũ Bản, Bình Lục); Phương Lâm (xã Đồng Hóa, Kim Bảng)…
Vùng đất này phong phú lễ hội với gần 100 lễ hội làng xã, 6 lễ hội vùng: Lễ hội đền Trần Thương (Lý Nhân), lễ hội đền Lảnh Giang, chùa Đọi (Duy Tiên), lễ hội đền Trúc (Kim Bảng), lễ hội vật võ Liễu Đôi (Thanh Liêm), lễ hội đình công đồng An Thái (Bình Lục). Nổi bật là việc khôi phục thành công lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Duy Tiên), lễ phát lương Đức Thánh Trần ở đền Trần Thương (Lý Nhân), cả hai đã được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia. Các lễ hội ở Hà Nam còn lưu giữ các nghi thức, trò chơi liên quan đến tín ngưỡng cổ xưa thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, như trò vật cầu ở lễ hội đền An Mông (xã Tiên Phong, Duy Tiên), cướp cầu ở lễ hội đình Gừa (xã Liêm Thuận, Thanh Liêm), thả diều ở lễ hội làng Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, Lý Nhân), thi bơi thuyền ở lễ hội đền Trúc (xã Thi Sơn, Kim Bảng)…
Hà Nam - vùng đất có nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng, sản phẩm được ưa chuộng trong và ngoài tỉnh, như mây giang đan Ngọc Động, dệt Nha Xá, trống Đọi Tam (Duy Tiên), gốm Đanh Xá, thị trấn Quế (Kim Bảng), đồ sừng mỹ nghệ Đô Hai (Bình Lục), thêu ren Hòa Ngãi, An Hòa (Thanh Liêm)... Hà Nam cũng là địa phương có văn hóa ẩm thực được khách khen ngợi, như chuối Ngự Đại Hoàng (ngày xưa dùng để tiến vua), hồng, cá kho Nhân Hậu, quýt Văn Lý, bánh đa làng Chều (Lý Nhân), đậu Đầm, bánh cuốn chả (thành phố Phủ Lý), cá trối Ba Sao (Kim Bảng), rượu Vọc (Bình Lục), rượu Bèo (Duy Tiên), Phúc Châu (Lý Nhân).
Cơ sở sản xuất gốm Gia Long, làng gốm Quyết Thành, thị trấn Quế (Kim Bảng). Ảnh: Lương Thế
Hà Nam - vùng đất "Địa linh - Nhân kiệt". Thôn Bảo Thái, xã Liêm Cần - quê nội của Hoàng đế Lê Đại Hành (Lê Hoàn); làng Chảy, xã Liêm Thuận quê hương của nhà khoa bảng - Sử gia Lê Tung đều ở huyện Thanh Liêm. Thôn Lũng Xuyên (Yên Bắc, Duy Tiên), quê hương bậc tiền bối cách mạng Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ cờ Tổ quốc Việt Nam. Làng Vị Hạ (xã Trung Lương, Bình Lục) - quê hương nhà thơ Nguyễn Khuyến, đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, được đương thời tôn vinh là "Tam Nguyên Yên Đổ". Làng Đại Hoàng (Hòa Hậu, Lý Nhân) - quê hương nhà văn - Liệt sỹ Nam Cao đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý về văn học nghệ thuật, ngay từ đợt I (1996).
Từ khoa thi Tiến sỹ Nho học đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), Hà Nam đã có 94 người đỗ Đại khoa ngạch văn ban, chưa kể đỗ đại khoa ngạch võ ban chưa được thống kê đầy đủ. Nhiều nhà khoa bảng Hà Nam có đóng góp lớn cho nền chính trị, giáo dục... nước nhà, trong đó phải kể đến 4 vị Tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội) là Lê Tung, Trương Công Giai, Nguyễn Mạo, Nguyễn Kỳ và Vũ Văn Lý – Tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám Huế (Thừa Thiên - Huế). Các nhà khoa bảng này đứng đầu cơ quan đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước vào thời Lý, Trần, hậu Lê, Mạc và thời Nguyễn.
Vùng đất Hà Nam trong thế kỷ XX và hiện nay đã và đang phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, đóng góp cho đất nước nhiều nhà chính trị, quân sự, các nhà cách mạng và nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, văn nghệ sỹ mà tên tuổi góp phần tô thắm những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Nổi bật là những người con Hà Nam đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý về khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật: Nhà văn Nam Cao, Trần Hữu Thiên (con trai nhà văn Nam Cao), Giáo sư Đào Văn Tập, Giáo sư Trần QuốcVượng, nhà văn Hữu Mai và nhiều người được tặng giải thưởng Nhà nước.
Nhìn tổng thể Hà Nam là vùng giao thoa Bắc - Nam, Đông - Tây; chuyển tiếp về địa hình, địa chất, thủy văn; trung lộ dòng di cư của người Việt, của dịch chuyển Kinh đô Hoa Lư, Thăng Long, Tây Đô và cả Kinh đô thứ hai thời Trần nữa là hành cung Thiên Trường... Đặc thù trên đã in dấu ấn sâu đằm lên vùng đất và con người Hà Nam từ ngàn xưa./.