Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hạ tầng cơ sở vật chất lĩnh vực thông tin truyền thông

Số liệu - Báo cáo  
Hạ tầng cơ sở vật chất lĩnh vực thông tin truyền thông
Trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao về chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự phối hợp, giúp đỡ tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh. Nhìn chung hạ tầng cơ sở vật chất về thông tin truyền thông từ tỉnh đến cơ sở khá ổn định. Tuy nhiên, Hà Nam là một tỉnh có nguồn thu thấp hơn chi vì vậy tỷ lệ ngân sách đầu tư cho thông tin truyền thông còn hạn chế. Kinh phí chi thường xuyên tại các cơ quan thấp nên không có nguồn tiết kiệm để phục vụ cho việc sửa chữa, nâng cấp hạ tầng.

Về phát thanh truyền hình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; 06 đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố; 116 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn (trong đó, 53 đài truyền thanh không dây và 63 đài truyền thanh có dây). Sóng phát thanh đã phủ toàn bộ địa bàn trong tỉnh và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, hòa vào hệ thống phát thanh (VOV) toàn quốc. Chương trình chủ yếu là phát thẳng và phát trực tiếp. Có 22 doanh nghiệp sử dụng mạng dùng riêng và 06 doanh nghiệp viễn thông sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện để truyền tín hiệu âm thanh, phục vụ liên lạc, điều hành sản xuất, kinh doanh. 100% xã, phường, thị trấn thu được tín hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam. Ngoài ra, có 06 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (Trung tâm Truyền hình cáp Hà Nam, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist, VNPT Hà Nam, Viettel Hà Nam, Chi nhánh FPT Hà Nam, Mobifone Hà Nam) đang hoạt động đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền của nhân dân.

Về bưu chính, có 05 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát hoạt động trên địa bàn tỉnh (Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Nam, Văn phòng đại diện Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long, Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại và Chuyển phát nhanh Nội Bài tại Hà Nam, Văn phòng đại diện Công ty TNHH SG Sagawa Express Việt Nam tại Hà Nam). Hiện nay, mạng lưới điểm phục vụ bưu chính, chuyển phát hoạt động rộng khắp trong phạm vi toàn tỉnh. 100% số xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính với tổng số 141 điểm giao dịch (trong đó: 33 bưu cục; 11 điểm phục vụ bưu chính, chuyển phát và 97 điểm Bưu điện văn hóa xã). Ngoài ra, 62% điểm giao dịch được trang bị máy tính và kết nối đường truyền Internet tốc độ cao. Có 04 tuyến đường thư cấp I, 02 tuyến đường thư cấp II (tần suất 02 chuyến/ngày) và 14 tuyến đường thư cấp III (tần suất 01 chuyến/ngày). Tất cả các điểm giao dịch đều được bố trí thuận tiện về giao thông, được xây dựng khang trang, kiên cố và có đầy đủ các công cụ, dụng cụ hỗ trợ phục vụ sản xuất kinh doanh. Tổng có 04 xe ô tô là phương tiện xe bưu chính chuyên dụng dùng để phục vụ cho công tác vận chuyển, 02 xe ô tô phục vụ cho công tác điều hành sản xuất kinh doanh và 78 xe máy các loại. Đặc biệt hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã là mạng lưới phục vụ các dịch vụ về bưu chính chuyển phát và dịch vụ phân phối truyền thống. Ngoài ra, điểm Bưu điện văn hóa xã là kênh thông tin tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Xác định việc duy trì và phát triển hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã là nhiệm vụ của Bưu điện tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ công ích do Đảng, Nhà nước giao, vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục duy trì và đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các điểm Bưu điện văn hóa xã trên địa bàn.

Về viễn thông, Internet, có 07 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh (VNPT Hà Nam, Viettel Hà Nam, Mobifone Hà Nam, Gmobile, Vietnamobile, Chi nhánh FPT Hà Nam, Chi nhánh truyền hình cáp Saigontouris Hà Nam). Tại Hà Nam, các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư xây dựng 1.380 trạm thu phát sóng thông tin di động 2G/3G/4G. Dịch vụ kết nối băng rộng tốc độ cao được triển khai với hàng nghìn km cáp quang các loại kết nối tới trung tâm các huyện, thành phố, các khu công nghiệp và các xã, phường, thị trấn. Đã quang hóa 100% đường truyền tới các cơ quan, tổ chức và đang tiến hành quang hóa đến 100% các thôn, xóm trên địa bàn toàn tỉnh đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Đến nay, 97% diện tích toàn tỉnh đã được phủ sóng thông tin di động 2G, 93% diện tích toàn tỉnh được phủ sóng 3G. Năm 2017, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel Hà Nam, VNPT Hà Nam đã và đang triển khai dịch vụ 4G trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy, hạ tầng cơ sở vật chất về viễn thông, Internet ngày càng được nâng cao, mang đến cho khách hàng nhiều dịch vụ tiện ích.

Về công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của Hà Nam xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phần lớn máy tính và các thiết bị mạng tại các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố được trang bị từ năm 2004 (Đề án 112), đến nay đã hết khấu hao, tốc độ truy cập chậm, thường xuyên phải sửa chữa, ảnh hưởng đến việc triển khai một số ứng dụng hoạt động trên mạng. Theo kết qua khảo sát, hiện trạng máy trạm tại các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam, trung bình năm sử dụng của máy tính là: 6,18 năm, vượt quá thời gian khấu hao quy định. Năm 2017, sở đã tham mưu UBND tỉnh trang bị máy tính cho các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn. Kết nối liên thông phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành của tỉnh với trục liên thông quốc gia, trong đó đã liên thông trực tiếp tới Văn phòng Chính phủ, kết nối liên thông giữa cấp huyện và cấp xã. Hệ thống thư điện tử của tỉnh cung cấp hòm thư cho 100% cán bộ, công chức của các cơ quan. Hiện nay, hệ thống đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã triển khai xong và đi vào hoạt động. Hệ thống cho phép tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân theo quy trình, công bố trực tuyến kết quả xử lý hồ sơ của cán bộ, công chức. Ngoài ra, hệ thống có thể kết nối trực tuyến đến Cổng Thông tin điện tử quốc gia để cập nhật tiến trình xử lý hồ sơ của tỉnh Hà Nam nhanh chóng và thuận tiện.

Trung tâm tích hợp dữ liệu được trang bị 13 máy chủ, 01 tường lửa cứng. Với hệ thống hiện tại, Trung tâm tích hợp dữ liệu mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu lưu trữ, chưa đáp ứng về cả số lượng, chất lượng và giải pháp công nghệ; khả năng bảo mật để chống lại các nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài, phá hoại hệ thống chưa cao. Hà Nam sử dụng mạng chuyên dùng để kết nối mạng WAN giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đến nay 100% các cơ quan kết nối mạng chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước.

Nhằm nâng cao hiệu quả phát huy hạ tầng cơ sở vật chất sẵn có trong thời gian tới, sở sẽ tập trung vào các giải pháp đó là: Tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực thông tin truyền thông, hư­ớng dẫn các doanh nghiệp, các nhà khai thác, cung cấp dịch vụ, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động nhân dân tham gia quản lý bảo vệ an toàn an ninh các công trình bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện tốt các nội dung của quy hoạch, kế hoạch ngành đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Ưu tiên những mục tiêu, nhiệm vụ mang tính đột phá tạo đà cho sự phát triển của ngành. Hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường sử dụng chung hạ tầng, phát triển các dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu đa dạng của các cơ quan, doanh nghiệp và ngư­ời dân; phấn đấu nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá cước, ưu tiên đầu tư hạ tầng, cung cấp các dịch vụ phổ cập cho người dân vùng xa, vùng còn khó khăn. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin truyền thông về đầu tư sản xuất, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong mọi tình huống góp phần củng cố an ninh quốc phòng, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới./.