Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hệ thống đô thị Việt Nam với sự phát triển đất nước

Tin tức - Sự kiện  
Hệ thống đô thị Việt Nam với sự phát triển đất nước

Với bất cứ quốc gia nào, đô thị hóa đúng hướng luôn là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ở thời điểm gia tăng toàn cầu hóa và cạnh tranh kinh tế quốc tế, việc tìm kiếm mô hình quản lý và chính sách phát triển đô thị phù hợp đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia.

Trong hơn 60 năm qua, Việt Nam đã trải qua quá trình đô thị hóa với nhiều thành tựu nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng, phát huy các bài học kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn trong và ngoài nước là việc làm cần thiết hướng đến phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, gia tăng tính cạnh tranh của đô thị và tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, trong hơn 60 năm qua, hệ thống đô thị đã có những chuyển biến theo sự phát triển của đất nước. Giai đoạn 1954-1975, đất nước bị chia cắt bởi chiến tranh và các thể chế chính trị khác nhau, miền Bắc hình thành một số đô thị nhằm phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; trong khi miền Nam đô thị hóa chủ yếu tập trung ở Sài Gòn, tại một số thành phố lớn hoặc đô thị có mục tiêu quân sự. Giai đoạn 1975-1986, giai đoạn đầu của thống nhất đất nước, nhưng tốc độ đô thị hóa còn chậm do hậu quả của chiến tranh và chính sách kinh tế chưa phù hợp. Sau năm 1986, chính sách Đổi mới đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế, hình thành và phát triển nhiều đô thị mới có quy mô vừa phải, vào đầu những năm 1990 hệ thống đô thị đã có khoảng 500 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 17-18%.

Trong giai đoạn từ sau năm 1999 đến nay, hệ thống đô thị thực sự đã có nhiều chuyển biến tích cực về lượng và chất. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% năm 1999 lên 37,5% năm 2017. Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị được cải tạo, nâng cấp, phát triển mở rộng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70% GDP của đất nước, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu và tiến bộ khoa học công nghệ, có tác động lan tỏa và khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển của các vùng và trên cả nước.

Nhìn nhận lại quá trình phát triển trong 60 năm qua, từ một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai với hơn 80% dân số sản xuất nông nghiệp và công nghiệp kém phát triển, chưa có kinh nghiệm xây dựng đô thị, nhưng đến nay hệ thống các đô thị trong nước đã phát triển mạnh mẽ, gắn kết với tăng trưởng kinh tế, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Có được kết quả tích cực này, nhất là trong giai đoạn 20 năm gần đây, là do sự chỉ đạo của Chính phủ trong phát triển đô thị, trong đó tập trung vào những công tác trọng tâm sau:

Công tác quy hoạch luôn đi trước một bước: Việc tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn được quan tâm và có nhiều đổi mới. Chất lượng đồ án quy hoạch ngày càng được cải thiện, đã thể hiện tư duy đổi mới và tầm nhìn dài hạn.

Công tác nâng loại đô thị thực hiện bài bản: Căn cứ vào các đồ án quy hoạch, các đô thị được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nhà ở và tổ chức nâng loại theo nhu cầu phát triển của từng địa phương. Từ năm 1990 đến nay, Bộ Xây dựng đã thẩm định, trình cấp có thẩm quyền hoặc quyết định theo thẩm quyền công nhận loại đô thị cho hơn 110 đô thị từ loại IV đến loại I, các tỉnh đã thẩm định và công nhận hơn 200 đô thị loại V. Việc thực hiện công tác nâng loại đô thị đã giúp đánh giá chất lượng quá trình đô thị hóa lại các đô thị, chỉ ra các kết quả tích cực cũng như các bất cập trong quá trình phát triển để chính quyền đô thị tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn chỉnh nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân.

Chú trong thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm như nâng cấp đô thị: Sau khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020 (Quyết định số 758/QĐ-TTg), Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai dự án Nâng cấp đô thị tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng núi phía Bắc với tổng mức đầu tư hơn 700 triệu USD, trong đó vốn ODA là 542 triệu USD.

Tập trung quản lý đầu tư phát triển đô thị: Năm 2013, Bộ Xây dựng tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Cùng với các văn bản hướng dẫn, Nghị định này đã góp phần quan trọng tạo hành lang pháp lý để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển đô thị, tạo công cụ quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, từng bước đảm bảo việc cung cấp dịch vụ hạ tầng đồng bộ cho người dân tại các khu đô thị, qua đó kiểm soát, điều tiết thị trường bất động sản, hướng tới phát triển đô thị bền vững.

Quan tâm đến công tác ứng phó với Biến đổi khí hậu: Bộ Xây dựng đã rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị, sửa đổi bổ sung và lồng ghép những nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu. Hướng dẫn các địa phương xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro đô thi; lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và quy hoạch đô thị; xây dựng hướng dẫn lập kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho đô thị; phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nghiên cứu khoa học về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từng bước liên kết hệ thống đô thị cả nước: Với kết quả thực hiện các công tác nâng loại đô thị, nâng cấp phát triển đô thị, quản lý đầu tư phát triển đô thị và ứng phó với biến đổi khí hậu nêu trên, đến hết năm 2017, hệ thống đô thị cả nước có tổng số 813 đô thị, bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V; có 325 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 21 khu kinh tế cửa khẩu là động lực cho việc hình thành và phát triển đô thị. Tổng diện tích đất tự nhiên trong ranh giới hành chính đô thị là trên 340.000 km2 (chiếm 10,7% diện tích đất tự nhiên toàn quốc); diện tích đất khu vực nội thị ước đạt trên 145.000 km2 (chiếm 4,38% diện tích đất tự nhiên toàn quốc). Hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm xây dựng và quản lý phát triển như quản lý cây xanh đô thị, quản lý xây dựng ngầm, quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý chiếu sáng đô thị.

Thế giới đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh. Năm 2016 dân số đô thị toàn cầu là hơn 4 tỷ người, chiếm 54,3% dân số thế giới. Dự báo đến năm 2030 dân số đô thị sẽ tăng lên 5 tỷ người, chiếm 61% dân số thế giới. Đô thị hóa đang và sẽ diễn ra nhanh chóng nhất ở các nước đang phát triển. Tốc độ tăng dân số trung bình là 2,3% mỗi năm trong giai đoạn 2000-2030, đưa tỷ lệ dân số đô thị của các nước đang phát triển từ 42% năm 2003 tăng lên 57% năm 2030.

Để giải quyết các vấn đề của hiện tại cũng như các thách thức mới trong quản lý phát triển đô thị ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu, một loạt các sáng kiến toàn cầu đã diễn ra. Tháng 9/2015, tại New York, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Chương trình Nghị sự 2030 đưa ra tầm nhìn, định hướng về phương thức thực hiện và các hành động để hướng tới bền vững trên toàn cầu cho giai đoạn 15 năm tới. Tháng 10/2016, Hội nghị Liên Hợp Quốc về phát triển nhà ở và đô thị bền vững, tổ chức tại Ecuador, đánh giá thành tựu đã đạt được, xác định thách thức mới và tăng cường các cam kết chính trị trong phát triển đô thị bền vững và đưa ra Chương trình nghị sự đô thị mới.

Đảng và Nhà nước luôn nhìn nhận đúng xu thế toàn cầu và những khó khăn thách thức trong quá trình đô thị hóa của Việt Nam. Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình đô thị hóa nhanh đã dẫn đến một số bất cập, gây ra tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân và sản lượng kinh tế của khu vực đô thị nói riêng và cả nước nói chung.

Các vấn đề mà hệ thống đô thị của Việt Nam đang gặp phải bao gồm: Sự gia tăng nhanh chóng của dân số đô thị (chủ yếu do di dân nông thôn - thành thị) hình thành các đô thị cực lớn và vùng đô thị lớn thiếu kiểm soát, hạ tầng đô thị (nhất là các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu) không đầy đủ, thiếu kết nối, khiến chất lượng cuộc sống người dân chưa cao; các dự án đầu tư được thực hiện không theo kế hoạch, lãng phí đất đai, hiệu quả  kinh tế - xã hội còn thấp, chưa tạo được động lực tăng trưởng chung cho vùng đô thị; môi trường đô thị ô nhiễm, xuống cấp, khó khắc phục; năng lực quản lý đô thị không theo kịp với thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, việc Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu đang làm sâu sắc hơn các bất cập hiện tại và tạo ra thách thức mới cho quá trình đô thị hóa.

Bối cảnh chung hiện nay là sự cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế toàn cầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi Việt Nam trên đường phát triển, với chi phí sản xuất ngày càng tăng, thì nền kinh tế phải tập trung vào sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Điều này đòi hỏi phải cải thiện dịch vụ cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế và nâng cao năng suất của lực lượng lao động thông qua giáo dục, đào tạo và cải thiện điều kiện sống (bao gồm tiếp cận nhà ở thích hợp và các dịch vụ đô thị cơ bản). Cách hiệu quả nhất cho những cải tiến này là phát huy đầy đủ vai trò động lực của hệ thống đô thị  thông qua công tác quy hoạch, quản lý chính sách phát triển đô thị bền vững.

Quá trình đô thị hóa đúng hướng sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng kinh tế - xã hội nhiều hơn cho toàn bộ người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước luôn ghị nhận và đánh giá cao vai trò của phát triển đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu cho Bộ Xây dựng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả hơn nữa công tác phát triển đô thị, đó là: “Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, gồm một số đô thị lớn, nhiều đô thị vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng. Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và năng lực cạnh tranh của các đô thị; chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng của các đô thị”.

Phát huy giá trị các bài học kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn xây dựng phát triển đô thị ở nước ta cũng như nhiều nước tiên tiến trên thế giới, để đô thị phát triển bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, gia tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện các giải pháp sau:

Xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng đô thị theo hướng phát triển bền vững

Tổng kết đánh giá việc thực hiện Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia tích hợp các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nhằm giải quyết các bất cập của thực trạng và ứng phó có hiệu quả với các thách thức trong tương lai. Nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển đô thị nhằm phát huy lợi thế của những khu vực đô thị có mật độ kinh tế cao như các vùng Hà Nội, TP.HCM, TP.Hải Phòng, TP.Đà Nẵng.

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp chế về lĩnh vực quản lý phát triển đô thị trong đó có ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị. Rà soát, điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phát triển đô thị và đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật mới phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển đô thị nhằm hoàn thiện các công cụ pháp lý để quản lý quá trình đô thị hóa.

Triển khai hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trong quản lý phát triển đô thị như: Quyết định số 445/QĐ-TTg điều chỉnh Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 758/QĐ-TTg về Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đếb băn 2020; Quyết định số 1393/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định số 2623/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020; Quyết định số 622/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 84/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030…và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Rà soát, đánh giá các quy hoạch, kế hoạch (sử dụng đất đai, nhà ở, hạ tầng…) và tình hình thực hiện các quy định quản lý theo quy hoạch và các quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan tại khu vực đô thị toàn quốc. Triển khai đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân khu làm cơ sở, công cụ quản lý đô thị có hiệu quả.

Rà soát đánh già hiệu quả phân bổ, sử dụng các  nguồn lực phát triển đô thị (tài chính, tài nguyên, năng lượng), gắn đầu tư phát triển hạ tầng và cải thiện môi trường. Đưa ra chính sách khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn nước ngoài và chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nghiên cứu mô hình quản lý phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cao năng lực quản lý đô thị

Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị cho các cấp chính quyền đô thị và đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn, quản lý đô thị có chất lượng và hiệu quả thông qua việc thực hiện tốt Quyết định số 1961/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2020 và giai đoạn sau năm 2015”.

Các vấn đề hiện tại của quá trình đô thị hóa cũng như các thách thức tương lai ở Việt Nam đang đòi hỏi những giải pháp phù hợp với đặc thù của đất nước. Giai đoạn từ nay đến khi Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa 50% là giai đoạn hết sức quan trọng. Khi đã có tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 50% trở lên đồng nghĩa với việc Việt Nam đã vượt ngưỡng thu nhập trung bình và có điều kiện bứt phá trong phát triển nền kinh tế và chuyển sang giai đoạn mới, có thu nhập cao tương đồng với khu vực. Đây là giai đoạn đòi hỏi cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phù hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là chính quyền các đô thị, sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu và nỗ lực của cộng đồng.


Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 91+92/2018​