Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngành xây dựng Hà Nam 60 năm phát triển và trưởng thành

Giới thiệu chung Quá trình hình thành và phát triển của cơ quan  
Ngành xây dựng Hà Nam 60 năm phát triển và trưởng thành

Cùng với cả nước, ngành Xây dựng đã trải qua các giai đoạn phát triển và trư­ởng thành gắn liền với mỗi giai đoạn của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Ngày 29/4/1958, Nghị quyết của kỳ họp thứ VIII Quốc hội khoá I do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa đã Quyết định thành lập Bộ Kiến trúc trên cơ sở chia Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc thành 2 Bộ. Từ đó đến nay, ngày 29/4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Xây dựng Việt Nam.

Sau khi Bộ Kiến trúc đ­ược thành lập; tháng 12 năm 1959, Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Nam đã Quyết định thành lập Ty Kiến trúc Hà Nam trên cơ sở chia Ty Thuỷ lợi và Kiến trúc thành 2 Ty. Chức năng, nhiệm vụ ban đầu của Ty Kiến trúc Hà Nam là phát triển các xí nghiệp quốc doanh và quản lý sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý quy hoạch và xây dựng, thiết kế quy hoạch và kiến trúc, thiết kế xây dựng, phát triển lực lượng ngành xây dựng để thi công các công trình trọng điểm của địa phương, khôi phục và phát triển kinh tế của tỉnh sau cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong suốt chặng đư­ờng xây dựng và phát triển, ở giai đoạn nào ngành Xây dựng Hà Nam cũng lập được nhiều thành tích đáng ghi nhận, có dấu ấn, góp phần to lớn vào công tác xây dựng, quy hoạch, đáp ứng đư­ợc các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, dư­ới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, Uỷ ban nhân dân tỉnh; đó là:

* Thời kỳ đầu (1958 - 1964):

Đây là thời kỳ vừa hình thành bộ máy quản lý ngành, vừa tập hợp lực lượng, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ khôi phục kinh tế của tỉnh nh­ư: Phục hồi và xây dựng mới trụ sở các công sở, các công trình phúc lợi công cộng của thị xã Phủ Lý, tham gia xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển các ngành công nghiệp của Hà Nam sau chiến tranh chống Pháp.

Để đáp ứng nhiệm vụ trên, ngay từ những ngày đầu thành lập, Ty Kiến trúc Hà Nam đã sớm tập hợp lực lượng, thành lập 03 công trư­ờng xây dựng trên địa bàn, 01 xưởng mộc và 01 đội tu bổ thường xuyên của thị xã Phủ Lý.

Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đầu tiên của ngành đ­ược thành lập trên cơ sở tiếp nhận bàn giao các cơ sở vật liệu xây dựng thuộc Ty Th­ương nghiệp Hà Nam gồm: Xí nghiệp ngói Thanh Nghị, Xưởng vôi Kiện Khê, Xưởng gạch Triệu Xá, X­ưởng ngói Kim Bình. Ngay sau khi tiếp nhận và quản lý, các cơ sở này đã được tập trung đầu tư­ mở rộng sản xuất, nâng công suất tạo ra nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng đáp ứng đ­ược yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của khu vực và trên địa bàn tỉnh.

* Thời kỳ từ 1965 - 1975:

Năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang ném bom ra miền Bắc, tỉnh Hà Nam được hợp nhất với tỉnh Nam Định thành tỉnh Nam Hà. Ngành Xây dựng đã cùng với nhân dân trong tỉnh bư­ớc vào một trận tuyến mới: Vừa chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ vừa củng cố hậu phư­ơng vững chắc và chi viện cho tiền tuyến lớn góp phần cùng cả n­ước đánh thắng giặc Mỹ xâm lư­ợc. Ngành Xây dựng Nam Hà lúc đó đã tập trung cho các nhiệm vụ chính trị đảm bảo nơi làm việc an toàn cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan của tỉnh ở nơi sơ tán, cùng với quân và dân trong tỉnh triển khai các phư­ơng án bảo vệ các công trình trọng điểm của tỉnh, xây dựng cơ sở mới ở nơi sơ tán để tiếp tục duy trì sản xuất. Khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một ngư­ời" đã trở thành hiện thực hào hùng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà, trong đó ngành Xây dựng đã cung cấp hàng trăm cán bộ, công nhân viên lên đường nhập ngũ, tái ngũ ra tiền tuyến đánh giặc góp phần lập nên những chiến công hiển hách, nhiều đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh trên các chiến trư­ờng và trong khi đang làm nhiệm vụ, phục vụ chiến đấu ở hậu phư­ơng, thực hiện khẩu hiệu “Tay bay, tay súng", “Tiếng hát át tiếng bom" nhiều công trình xây dựng tại thành phố, tại nơi sơ tán và vùng nông thôn đã bất chấp m­ưa bom bão đạn và bao khó khăn của thời chiến, công tác xây dựng vẫn đáp ứng đư­ợc yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều công trình mới vẫn đ­ược đầu tư xây dựng nh­ư: Bể chứa nư­ớc 2.000 m3 nhà máy nư­ớc Nam Định; Nhà máy ô tô 2-9; Nhà máy ươm tơ Sông Ninh; Xí nghiệp vôi Lạc Quần; Nhà máy gạch Khả Phong công suất 15 triệu viên/năm...

* Thời kỳ từ 1976 - 1986:

Đây là thời kỳ đất n­ước được thống nhất, tỉnh Nam Hà đ­ược hợp nhất với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đây là thời kỳ ngành Xây dựng phát triển mạnh mẽ của những năm đầu thống nhất đất nư­ớc, cả nư­ớc đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời đây cũng là thời kỳ cơ chế kế hoạch hóa tập trung đang lộ ra những yếu kém kìm hãm sức sản xuất phát triển.

Những năm cuối của thập kỷ 70, ngành Xây dựng đã có một đội ngũ lao động hùng hậu lên tới gần 2 vạn ng­ười, tập trung trong các đơn vị quốc doanh. Nhiều công ty, xí nghiệp mới ra đời, có đơn vị lên tới gần 2 ngàn CBCNV như­ các Công ty xây lắp, Công ty gạch ngói, Công ty đá vôi Kiện Khê… Ở mỗi huyện đều có 1 hoặc 2 xí nghiệp sản xuất gạch ngói công suất 5 triệu viên gạch/năm, 1-2,5 triệu viên ngói/năm. Hầu hết các huyện, thị đều có các công ty hoặc đội xây dựng.

Ngoài việc đảm nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong tỉnh, ngành Xây dựng còn làm tốt việc chi viện cho các tỉnh phía Nam như­ Gia Lai, Minh Hải và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả như­: Thành lập Công ty 3, giúp tỉnh U Đôm Xay xây dựng nhiều công trình trên đất nư­ớc Lào, đ­ược bạn đánh giá rất cao, góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Đồng thời, có những đóng góp đáng kể vào việc xây dựng công trình thế kỷ của đất nư­ớc: Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.

Trong giai đoạn này, ngành Xây dựng đã có nhiều năm được Bộ Xây dựng đánh giá là đơn vị dẫn đầu toàn ngành.

* Thời kỳ từ 1987 - 1996:

Thực hiện đ­ường lối đổi mới, chúng ta một lần nữa lại đồng thời đi tiên phong trong cuộc cách mạng chuyển đổi cơ chế quản lý, mạnh dạn tinh giản biên chế, sắp xếp lại lực lư­ợng sản xuất, tổ chức lại hệ thống quản lý trong toàn ngành, tạo những tiền đề cần thiết để bước vào thời kỳ đổi mới.

Đây là thời kỳ 10 năm đầu của quá trình đổi mới, ngành Xây dựng tỉnh nhà đã không ngừng chuyển đổi về tổ chức bộ máy, về định hướng mục tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, quyền chủ động sản xuất kinh doanh của các đơn vị được phát huy, tích cực đổi mới thiết bị và công cụ làm việc trong thi công xây lắp, tích cực áp dụng công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng. Các lĩnh vực quản lý nhà n­ước về đầu tư­ và xây dựng, về kiến trúc và quy hoạch đư­ợc củng cố và tăng cư­ờng. Trật tự xây dựng ở đô thị và nông thôn được đảm bảo, hàng năm đã có nhiều công trình được Bộ Xây dựng và Công đoàn Xây dựng Việt Nam tặng Huy chư­ơng vàng sản phẩm công trình chất lượng.

Trong giai đoạn này, dây chuyền I xi măng lò quay công suất 1,4 triệu tấn/năm của Công ty xi măng Bút Sơn đã đư­ợc triển khai xây dựng. Dây chuyền xi măng lò đứng công suất 8,5 vạn tấn/năm của Công ty xi măng Kiện Khê đã hoàn thành và đư­a vào hoạt động; dây chuyền sản xuất gạch tuynen Mộc Bắc 20 triệu viên/năm, dây chuyền gạch tuynen Đồng Sơn 20 triệu viên/năm… đều đã khẩn trư­ơng hoàn thành và đi vào hoạt động, đảm bảo chất lượng và phát huy được hiệu quả vốn đầu tư.

* Thời kỳ từ 1997 đến nay:

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX ngày 01/01/1997, tỉnh Hà Nam đư­ợc tái lập sau 32 năm hợp nhất. Bắt tay vào xây dựng tỉnh nhà mới tái lập, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn chung cơ bản nhất là: Cơ sở vật chất kỹ thuật của tỉnh quá nghèo nàn, thị xã Phủ Lý (trung tâm chính trị - văn hoá - xã hội của tỉnh) bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh và chưa được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng sau một thời gian dài khi đất nư­ớc thống nhất. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ bị thiếu hụt và trình độ chư­a đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ (khi chia tách tỉnh, Sở Xây dựng Hà Nam chỉ có 4 cán bộ từ Sở cũ chuyển về).

Đứng trư­ớc những nhiệm vụ vừa to lớn vừa cấp bách đư­ợc Tỉnh uỷ và Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho, Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nam đã sớm đề ra những chủ trư­ơng, định hư­ớng lớn của ngành và các giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong suốt những năm qua, hòa chung với khí thế thi đua xây dựng tỉnh mới của quân và dân tỉnh nhà, quán triệt và thực hiện kịp thời các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh và Bộ Xây dựng, ngành Xây dựng Hà Nam đã không ngừng đổi mới, phát huy truyền thống tự chủ sáng tạo, cần cù trong lao động, đoàn kết thống nhất, vư­ợt qua mọi khó khăn thử thách và không ngừng phát triển, trưởng thành; đó là:

- Về lĩnh vực Quy hoạch- kiến trúc:

Đây là lĩnh vực được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt nên có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng, chất lượng quy hoạch từng bước được cải thiện. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh và của các địa phương. Quy hoạch xây dựng góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thay đổi sự phân bố dân cư.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách ngay từ những ngày đầu tách tỉnh đó là tổ chức, triển khai thực hiện đồ án quy hoạch chung xây dựng thị xã Phủ Lý đến năm 2020 đư­ợc phê duyệt năm 1998; với mục tiêu xây dựng thị xã Phủ Lý xứng tầm là trung tâm chính trị- văn hoá- xã hội của tỉnh. Để đáp ứng lộ trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn, năm 2003 quy hoạch chung xây dựng thị xã Phủ Lý được phê duyệt điều chỉnh; năm 2006, thị xã Phủ Lý được công nhận là đô thị loại III, năm 2008 Chính phủ đã công nhận Phủ Lý là thành phố trực thuộc tỉnh. Đến năm 2012, thành phố Phủ Lý được điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, với quy mô đất đai khoảng 8.799ha, làm căn cứ mở rộng địa giới hành chính thành phố Phủ Lý (với tổng số 21 phường xã). Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Phủ Lý, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Phủ Lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đưa thành phố Phủ Lý trở thành đô thị loại II trước năm 2020, là trung tâm cấp vùng về Y tế, giáo dục đào tạo phía Nam của Vùng thủ đô Hà Nội, vai trò cửa ngõ quan trọng của Vùng đối với các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng.

Đến nay, đã hoàn thành Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kim Bảng và Thanh Liêm; tỷ lệ Quy hoạch chung xây dựng đạt 100% (17/17 đô thị), Quy hoạch phân khu đạt 80%, quy hoạch chi tiết đạt 40%; quy hoạch xây dựng các xã nông thôn mới đạt 100% (tương đương với bình quân cả nước).

- Về lĩnh vực Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật:

Thực hiện chương trình phát triển đô thị quốc gia, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển đô thị tỉnh Hà Nam và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Nam; với mục tiêu hình thành 17 đô thị, đạt tỷ lệ đô thị hóa trên 35% vào năm 2020, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực cho chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Sở Xây dựng đã chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện chương trình nâng cấp đô thị. Đến nay, hệ thống đô thị trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành 16 đô thị (01 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV, 14 đô thị loại V); nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh từ 20% (năm 2016) lên khoảng 37% (xấp xỉ bình quân cả nước); như vậy, đã hoàn thành trước thời gian và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX đề ra (năm 2020 đạt 35%). Tiếp tục phấn đấu hoàn thành nâng cấp thành phố Phủ Lý đạt tiêu chí đô thị loại II, thị trấn Vĩnh Trụ đạt tiêu chí đô thị loại IV, Thái Hà đạt tiêu chí đô thị loại V vào trước năm 2020 theo đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, thoát nước, cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải...), hạ tầng xã hội (Bệnh viện Việt Đức- cơ sở 2, Bệnh viện Bạch Mai- cơ sở 2, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội...) tại các đô thị, các thị trấn và trung tâm xã ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, bước đầu đã góp phần phục vụ sản xuất, đời sống của người dân đô thị và đang từng bước hoàn thiện để đảm bảo một cơ sở vật chất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, làm tiền đề để nâng cao điều kiện sống, tạo lập một nền tảng phát triển đô thị bền vững.

- Về lĩnh vực Phát triển Nhà ở và Thị trường bất động sản:

Trước tình hình thực trạng về nhà ở sau khi tỉnh Hà Nam được tái lập, cơ sở vật chất về nhà ở cho cán bộ và người dân còn thiếu thốn nhiều, nhà ở chủ yếu là nhà cấp 4 chất lượng không đảm bảo. Thực hiện Chủ trương, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản của Chính phủ và Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng đã chủ động, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành kịp thời; trong đó ban hành Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để định hướng phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, diện tích nhà ở khu vực đô thị và nông thôn bình quân đạt 23,5 m2­­/người (tương đương bình quân cả nước); nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở đã và đang triển khai thực hiện với quy mô tổng diện tích khoảng 2.000ha; một số dự án nhà ở xã hội đang triển khai đầu tư (Dự án xây dựng thiết chế của Công đoàn tại khu công nghiệp Đồng Văn II, với quy mô dân số khoảng 4.000 người; dự án nhà ở xã hội thuộc khu đô thị Đồng Văn Xanh, với quy mô dân số khoảng 1.632 người); Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở phấn đấu năm 2018 hoàn thành; đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn II.

- Về lĩnh vực Quản lý hoạt động đầu t­ư xây dựng:

Ngay từ những ngày đầu tỉnh Hà Nam được tái lập, các doanh nghiệp trực thuộc ngành Xây dựng quản lý (như công ty tư vấn thiết kế, thi công xây lắp, cấp nước, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng…) còn nhỏ bé, điều kiện năng lực về kinh nghiệm và khả năng tài chính chưa đáp ứng yêu cầu. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn các doanh nghiệp trong ngành đã có sự phát triển vươn lên, đáp ứng với cơ chế thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm, công trình có ý nghĩa về kiến trúc, thẩm mỹ, bảo đảm về kỹ thuật và chất l­ượng.

Những năm gần đây, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng về số lượng, nhiều công trình có quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu về kiến trúc, thẩm mỹ, chất lượng kỹ thuật ngày càng cao. Ngành Xây dựng Hà Nam đã chủ động, tổ chức hướng dẫn, ban hành các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý, giúp cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng đã từng bước nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, từng bước phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (dự án Nhà thi đấu đa năng tỉnh, quy mô 7000 chỗ ngồi; dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh Hà Nam, cao 28 tầng; dự án Tổ hợp thương mại Vincom Hà Nam cao 27 tầng...). 

Công tác thẩm định đã được nâng lên rõ rệt, hàng năm tỷ lệ cắt giảm khoảng 5% so với dự toán lập. Kịp thời tham mưu ban hành Văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

- Về lĩnh vực Quản lý phát triển vật liệu xây dựng:

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU của Tỉnh uỷ lâm thời Hà Nam nhằm đư­a công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết trên; năm 1998, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam đến năm 2000 và định hướng đến năm 2010 được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho dây chuyền 1 Công ty xi măng Bút Sơn sớm hoàn thành và đư­a vào hoạt động, nhanh chóng đạt và vượt công suất thiết kế. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách ư­u đãi và khuyến khích đầu tư nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư­ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.

Năm 2012, Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam đến năm 2020 được phê duyệt; đến nay, sản lượng sản xuất xi măng đạt 13 triệu tấn/năm; gạch nung đạt 430 triệu viên/năm; gạch không nung đạt 250 triệu viên/năm; đá các loại đạt 11.900 m3. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng, tỉnh Hà Nam đã hoàn thành xóa bỏ 406 lò gạch thủ công và 04 Nhà máy xi măng lò đứng công suất nhỏ, gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch phát triển Vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020, định hướng năm 2030. Với mục tiêu, tiếp tục duy trì, ổn định, phát triển một số vật liệu chủ yếu, có lợi thế như: Ổn định công suất xi măng theo quy hoạch điều chỉnh 18,07 triệu tấn/năm; phát triển hợp lý về quy mô, công suất các sản phẩm công nghiệp vật liệu xây dựng không nung, cấu kiện bê tông; chú trọng thu hút đầu tư một số sản phẩm vật liệu mới như sản xuất vôi công nghiệp, cát nghiền nhân tạo...

- Về lĩnh vực thanh tra, cải cách hành chính và tổ chức bộ máy:

Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Xây dựng Hà Nam đều thực hiện đạt 100% theo đúng kế hoạch; chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng; thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình về trật tự xây dựng trên địa bàn; phối hợp có hiệu quả với chính quyền địa phương xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động xây dựng. Qua đó, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc xây dựng không đúng với quy định của pháp luật về xây dựng.

Việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến Sở Xây dựng đều được thực hiện thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả “Một cửa" và “Một cửa điện tử" (trước đây tại cơ quan Sở, hiện nay tại Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Nam); công tác xử lý tiếp nhận, ban hành các văn bản đến, văn bản đi đều được cập nhật xử lý thông qua hệ thống điều hành văn bản. Hiện nay, Sở Xây dựng có tổng số 43 TTHC, trong đó 24/43 thủ tục đã được đơn giản hóa và cắt giảm thời gian so với yêu cầu của Bộ Xây dựng, tổng số thời gian cắt giảm là 562 ngày bằng 53%.

Trong quá trình hình thành bộ máy quản lý của ngành, Sở Xây dựng luôn coi trọng công tác tuyển dụng đội ngũ cán bộ quản lý có đủ phẩm chất, đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời thường xuyên chú trọng cử cán bộ đi học để nâng cao trình độ về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, cơ quan Sở Xây dựng có 08 tổ chức, phòng chuyên môn nghiệp vụ với gần 80 cán bộ, công chức, viên chức, lao động (trong đó trên 95% có trình độ Đại học, sau Đại học); Đảng bộ Sở Xây dựng có 40 đảng viên được phân thành 06 chi bộ trực thuộc; Công đoàn ngành Xây dựng có 16 tổ chức Công đoàn cơ sở, với tổng số 2.352 đoàn viên, là cầu nối giữa Sở Xây dựng với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp trong ngành.

 

Chặng đường 60 năm truyền thống ngành Xây dựng với sự phấn đấu không ngừng nghỉ trong lao động sản xuất và chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của các thế hệ nối tiếp nhau trong ngành, ngành Xây dựng tỉnh nhà đã vinh dự được Nhà nước, Bộ Xây dựng tặng thưởng, khen thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt từ năm 1997 đến nay, Ngành Xây dựng tỉnh Hà Nam liên tục được Bộ Xây dựng, Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc; năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Năm 2008, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2013, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Và đặc biệt năm 2018, Ngành Xây dựng được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng và ghi nhận những thành tích và cống hiến của tập thể các thế hệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Ngành trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành.

Huân chương Lao động hạng Nhất sẽ là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Ngành trong thi đua lao động, sản xuất, trong việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rèn luyện nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, công chức. Để các thế hệ sau tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, thách thức bảo đảm xây dựng và phát triển ngành Xây dựng Hà Nam vững mạnh, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Xây dựng giao cho.