Skip Ribbon Commands
Skip to main content

BỆNH THẬN – KẺ GIẾT NGƯỜI THẦM LẶNG

Tin Y tế Chuyên mục phòng chống bệnh không lây nhiễm  
BỆNH THẬN – KẺ GIẾT NGƯỜI THẦM LẶNG
Suy thận đến mức phải lọc máu định kỳ, bệnh nhân suy thận giống như lúc nào cũng có “lưỡi hái tử thần” kề cổ. Không chỉ gặp nhiều rủi ro tai biến, sức khỏe suy kiệt, mất sức lao động mà nhiều người còn phải sống chung với bệnh viện.

          Trường hợp của em Nguyễn Chí H (Hoàng Đông - Kim Bảng) là một điển hình. Mới đang ở độ tuổi cắp sách tới trường, ăn chưa no, lo chưa tới nhưng em đã phải gánh chịu căn bệnh quái ác này. Với các bạn trẻ đang lứa tuổi đôi mươi, lẽ ra phải tràn đầy sức sống thì lại nằm mệt mỏi trên giường bệnh. Nguyễn Chí H cho biết đã phát hiện bị suy thận trong một lần đi khám bệnh vì thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn, thèm ngủ, người bị phù. Chỉ ít ngày sau, cuộc sống của chàng thanh niên đã phải gắn chặt với chiếc máy chạy thận. “Có bệnh, em phải ăn uống kiêng khem hơn, không còn dễ dãi với sức khỏe như trước. Nhiều năm nay, em cũng không làm được việc gì ngoài một tuần 3 lần đi đến bệnh viện chạy thận” - H cho biết.

Trò chuyện với Bà Phan Thị H (Trần Hưng Đạo - Phủ Lý) cũng thật éo le. Sau nhiều năm điều trị suy thận tại Hà Nội, gia đình rơi vào hoàn cảnh kiệt quệ về kinh tế. Cứ mỗi lần điều trị, ngoài chi phí đi lại còn kéo theo con cháu phục vụ, rất vất vả và tốn kém. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình có mình chồng tôi lo toan. Từ khi tôi bị bệnh, ông ấy phải lên Hà Nội buôn bán, làm thuê để tiện chăm lo cho tôi. May thay ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh có chạy thận nhân tạo nên tôi đã về đây điều trị, từ đó việc đi lại ăn ở thuận lợi, dễ dàng hơn, đặc biệt là giảm các chi phí về kinh tế cho gia đình.

Với những người mắc bệnh thận mạn tính con đường sống đã bị rút ngắn, dù vất vả về mọi mặt nhưng những con người đó quyết không đầu hàng số phận vẫn vững tin vào cuộc sống, không nản lòng hay gián đoạn điều trị mà luôn tuân thủ trọn vẹn phác đồ qua nhiều năm tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ dàng vượt qua mọi đau đớn về thể xác và tinh thần khi vật lộn với căn bệnh này. Nhưng sự cố gắng ấy đã khiến những ai bước vào ải đau khổ này cũng phải học cách chấp nhận và không ngừng đấu tranh để giành lấy sự sống.

Theo giới chuyên môn, bệnh thận mạn tính là quá trình suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường. Nghĩa là thận không thể loại bỏ các chất thải cũng như mất chức năng kiểm soát lượng nước của cơ thể, lượng muối trong máu và canxi. Các chất thải sẽ tồn đọng trong cơ thể và gây hại cho người bệnh. Bệnh thận mạn tính thường không xuất hiện triệu chứng cho tới khi đã ở tình trạng nguy hiểm gây hại cho người bệnh. Khi bị suy thận, tùy giai đoạn bệnh đã được lọc thận hay chưa lọc thận mà sẽ có chế độ dinh dưỡng riêng biệt, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn cách ăn uống cụ thể cho từng trường hợp bên cạnh việc điều trị bằng thuốc. Vì vậy, những  bệnh nhân mắc suy thận cần lưu ý một số điều sau đây:

Người mắc bệnh suy thận nên hạn chế thức ăn chứa nhiều muối. Vì thận suy đã mất khả năng thải trừ muối qua nước tiểu nên khi bệnh nhân ăn nhiều muối sẽ tích nước gây phù, làm huyết áp tăng, phù phổi cấp, thậm chí có thể có triệu chứng của hội chứng tăng natri máu như đau đầu, nôn, dấu hiệu mất nước, nặng hơn có thể hôn mê và tử vong. Mặt khác, khi ăn mặn, bệnh nhân sẽ phải uống nhiều nước và điều này làm dư thừa lượng nước trong cơ thể quá nhanh và phải chạy thận nhân tạo nhiều lần hơn. Bệnh nhân suy thận mạn nên ăn nhạt. Tránh các thức ăn mặn như nước mắm, mì ăn liền, đồ hộp mặn, trứng muối, cá biển... chỉ nên dùng 2-3g/ngày, giúp kiểm soát và cải thiện huyết áp hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ phát triển của bệnh tăng huyết áp, ngăn ngừa việc tích tụ và gây phù. Hạn ăn thức ăn chứa nhiều bởi phospho, tránh ăn các thức ăn chứa nhiều kali,.. kết hợp vận động nhẹ nhàng, để giúp tăng cường chức năng của thận, cải thiện tình trạng của bệnh.

Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương thận, vì vậy các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo,  mỗi người cần khám kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi phát hiện bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị sớm theo chỉ định của bác sỹ.

Phan Hạnh