Skip Ribbon Commands
Skip to main content

GIẢM ĂN MUỐI PHÒNG CHỐNG TĂNG HUYẾT ÁP

Tin Y tế Chuyên mục phòng chống bệnh không lây nhiễm  
GIẢM ĂN MUỐI PHÒNG CHỐNG TĂNG HUYẾT ÁP
Tăng huyết áp (THA) được xem là 1 vấn đề của sức khoẻ cộng đồng, bởi sự gia tăng nhanh chóng số người mắc bệnh kèm theo đó là các phí tổn trong điều trị. Khi bị tăng huyết áp (THA) nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, đột quỵ và các biến chứng tim mạch khác … thậm chí nhiều trường hợp có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 

           Tăng huyết áp và những biến chứng nguy hiểm

Bệnh THA là một bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, cán bộ, công chức văn phòng, những người luôn phải chịu những căng thẳng và áp lực trong công việc; những người hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, béo phì, người có thói quen không tốt trong ăn uống và chế độ sinh hoạt... và nó gây không ít rắc rối, nguy hiểm cho những người mắc phải.Nhiều người bệnh bị huyết áp cao mà không hề biết, từ đó không được điều trị kịp thời, dẫn đến những biến chứng nặng nề. Biến chứng của THA rất đa dạng, nhiều mức độ làm cho người bệnh trở nên tàn phế và thậm chí có thể tử vong với các biến chứng nguy hiểm về tim như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, nhũn não, phù thận, suy thận, mờ mắt, xuất huyết, phình thành động mạch… Đây là những biến chứng vô cùng nặng nề, ảnh hưởng đến bệnh nhân, gia đình, xã hội. Đa số bệnh nhân bị THA thường không có dấu hiệu cảnh báo trước, nhiều khi, người bệnh thường không thấy có gì khác biệt với người bình thường. Theo Tổ chức Y tế thế giới, người có huyết áp tâm thu từ 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên thì được coi là bị tăng huyết áp. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, người mệt, hay có cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh cần đi khám ngay.

Điển hình như trường hợp của ông Trần Văn Thành  ở Kim Bình (TP. Phủ Lý) huyết áp lên đến 150/100 khiến ông hoang mang và luôn mệt mỏi vì phải chịu đựng những cơn đau đầu, chóng mặt diễn ra liên tiếp. Ông Thành phát hiện mắc cao huyết áp năm 60 tuổi sau một cơn chóng choánh mặt mày, ngã ngất ra, đầu đau  nhức nhối. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết “Tôi mất ngủ, đau đầu triền miên và luôn có cảm giác bốc hoả, muốn cáu gắt. Nó khiến tôi có cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Và có những lúc tưởng rằng mình không qua nổi những lúc choáng ngất, cả nhà vội vàng cho đi cấp cứu”. Qua cấp cứu, các bác sỹ cảnh báo huyết áp của ông quá cao nên ông sẽ  thường trực đối mặt với nguy cơ tai biến. Còn với trường hợp của Ông Nguyễn Văn Huy, 70 tuổi ở Đồng Hóa (Kim Bảng) không được may mắn như ông Thành. Ông bị biến chứng nặng do THA. Theo lời kể của gia đình, ông Huy mắc bệnh THA từ 3 năm, tuy nhiên ông không điều trị hay khám định kỳ theo chỉ định của bác sỹ. Cách đây 2 tháng, ông Huy đột ngột bị liệt nửa người bên trái rồi 1 tháng sau thì bị liệt toàn thân. Nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị THA dẫn đến nhồi máu não. Huyết áp bệnh nhân đo được khi vào viện là 180/110mmgHg. Đến nay, sau 1 liệu trình điều trị, huyết áp của bệnh nhân đã được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ phải mất nhiều thời gian và kinh phí mới có thể vận động lại được.

Nên có thói quen kiểm tra huyết áp định kỳ

Bệnh THA được Tổ chức Y tế thế giới gọi là “Kẻ giết người thầm lặng”, nhưng hiện nay có rất nhiều người chủ quan với căn bệnh này. Người bệnh thường chủ quan bỏ qua, không đi khám sớm mà cho rằng đó là do mệt mỏi đơn thuần gây nên. Thậm chí, một số người biết mình bị tăng huyết áp nhưng khi uống thuốc thấy đỡ thì tự ý dừng luôn, không tái khám và theo dõi bệnh theo chỉ định của bác sĩ. “Nhiều trường hợp lúc thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì tiếp ngay sau đó cũng là kết thúc cuộc đời của họ, do đã bị xuất huyết não nặng nề… Mặc dù tăng huyết áp gây ra nhiều hậu quả nặng nề như vậy nhưng trong nhiều trường hợp lại không có biểu hiện đặc hiệu nên việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là với những người có yếu tố nguy cơ về tim mạch là hết sức cần thiết và quan trọng. . Khi có biểu hiện tăng huyết áp phải đến ngay các cơ sở y tế..Tăng huyết áp là bệnh rất dễ phát hiện, biện pháp đơn giản và ít tốn kém nhất đó là đo huyết áp.  vì thế, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cổ vũ lối sống lành mạnh, thay đổi các lối sống, thói quen có hại của bản thân mỗi người chính là vũ khí hữu ích hàng đầu trong cuộc chiến chống lại kẻ thù thầm lặng nàyDo đó, bác sĩ ....... khuyến cáo: để phòng biến chứng người bệnh cần dùng thuốc và theo dõi bệnh một cách chặt chẽ, tái khám theo đúng định kỳ. Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ: không uống nhiều bia rượu, không ăn những thực phẩm nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, lòng trắng trứng, thực phẩm chứa nhiều lipit … và tập thể dục hằng ngày.

Ăn ít muối giúp giảm áp huyết

Theo nghiên cứu của Viện Tim, Phổi và Huyết học Quốc gia Mỹ cho thấy chỉ cần ăn giới hạn muối trong khoảng 1500mg/ngày sẽ làm giảm đáng kể huyết áp ở cả 2 nhóm người, nhóm ăn theo chế độ thông thường cũng như nhóm ăn theo chế độ kiểm soát huyết áp. Càng ăn ít muối huyết áp càng thấp.  Vì vậy, người đang có áp huyết cao chỉ nên ăn khoảng 2 đến 3g mỗi ngày.  Ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, cần cẩn thận với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.

Ngoài ra, để phòng chống bệnh tăng huyết áp, chúng ta cần lưu ý những điều sau: Giảm cân nặng (nếu thừa cân); Không hút thuốc lá, thuốc lào; Không ăn nhiều chất béo bão hòa; Hạn chế uống rượu, bia; Thường xuyên thể dục hàng ngày, tránh căng thẳng lo âu, nên tự tạo một cuộc sống hài hòa, vui vẻ. Kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình. Kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu,…). Uống thuốc huyết áp đều đặn, không tự ý bỏ thuốc…

Mậu Ngọ