Skip Ribbon Commands
Skip to main content

SỐ BỆNH NHÂN MẮC SỐT XUẤT HUYẾT LIÊN TỤC TĂNG

Tin Y tế Tin phòng, chống dịch  
SỐ BỆNH NHÂN MẮC SỐT XUẤT HUYẾT LIÊN TỤC TĂNG
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến sáng ngày 01/08/2017, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 99 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 74 bệnh nhân đã ra viện, hiện còn 25 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Các trường hợp mắc SXH chủ yếu ở độ tuổi thanh niên, trung niên, là những người đi học tập, làm việc ở những vùng đang có dịch bệnh SXH về địa phương.

      Trước những diễn biến phức tạp của dịch SXH, Ngành Y tế tỉnh Hà Nam triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống SXH như: Giám sát, điều tra bệnh nhân, chùm ca bệnh, điều tra yếu tố môi trường; tuyên truyền, tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh SXH. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh điều động các đội cơ động phòng chống dịch thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra, phối hợp với chính quyền, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức khoanh vùng phun thuốc diệt muỗi nhằm khống chế các ổ dịch lan rộng, với mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát và hạn chế tối đa số ca tử vong. Cùng với đó, tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn các xã/phường/thị trấn, xử lý dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước đọng là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo 100% các hộ gia đình, khu dân cư được phun hóa chất diệt muỗi không để SXH lan rộng thành dịch lớn.

          Bên cạnh đó, Ngành Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện khám, sàng lọc, cấp cứu nhanh chóng những bệnh nhân có các triệu chứng bệnh SXH, tránh lây lan diện rộng. Đồng thời, điều động thêm nhân viên y tế, trang thiết bị, vật tư, thuốc... để kịp thời cứu chữa người bệnh mắc SXH. Nhờ vậy, không có bệnh nhân biến chứng và không có bệnh nhân bị tử vong do SXH.

          Để phòng chống SXH hiệu quả, người dân cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, nằm màn, nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng cách bổ sung dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể dục thể thao... Khi cơ thể có các triệu chứng: Sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ, xuất huyết..., đặc biệt là những trường hợp đi từ vùng có dịch về cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng hoặc lây lan bệnh ra cộng đồng. 

Phan Hạnh