Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Thanh Liêm - Nguồn lực phát triển

Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển  
Huyện Thanh Liêm - Nguồn lực phát triển
Thanh Liêm có tiềm năng du lịch sinh thái tự nhiên với các di tích lịch sử nổi tiếng: Kẽm Trống (Thanh Hải), chùa Châu (Kiện Khê), chùa Tiên (Thanh Lưu). Huyện có hai tuyến quốc lộ 1A và 21A chạy qua. Vị trí địa lý của huyện thuận lợi cho liên doanh, liên kết trao đối, thu hút đầu tư cũng như lưu thông hàng hóa.

1. Điều kiện tự nhiên

Kẽm Trống, một địa danh du lịch hấp dẫn trên đất Thanh Liêm
Vị trí địa lý: Huyện Thanh Liêm nằm ở phía nam tỉnh Hà Nam; phía bắc giáp huyện Kim Bảng, thị xã Phủ Lý, huyện Bình Lục; phía đông giáp huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; phía nam giáp huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; phía tây giáp huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Huyện có 19 xã và 1 thị trấn.

Đặc điểm địa hình: Địa hình huyện chia thành hai vùng rõ rệt, phía tây và vùng núi đá vôi có nhiều điểm cao và hang động đẹp, phía đông là dãy đồi núi đất xen kẽ vùng đồng bằng.

Khí hậu: Khí hậu của huyện Thanh Liêm mang đặc điểm của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, thuận lợi cho trồng trọt và chăn nuôi.

2. Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện là 17.501,94 ha, trong đó đất nông nghiệp 9.200,95 ha chiếm 53%, đất lâm nghiệp chiếm 26%, đất chuyên dùng chiếm 12,2%, đất khu dân cư chiếm 4,2%, còn lại là đất chưa sử dụng. Đất vùng đồng bằng được hình thành từ phù sa sông Hồng và sông Đáy, thích hợp với việc trồng lúa và hoa màu. Vùng đồi núi chủ yếu tà đất nâu vàng và đất màu, thích hợp cho phát triển cây lấy gỗ, cây ăn quả và cây công nghiệp.

Tài nguyên rừng: Huyện có 520 ha rừng mới trồng, chủ yếu là các loại cây lấy gỗ, cây công nghiệp và cây ăn quả như vải, nhãn, na dai, hồng không hạt... Hiện nay, đã có một số loại cây mới được đưa vào trồng thí điểm như măng tre Bát Độ phát triển khá tốt, cho giá trị kinh tế cao.

Tài nguyên khoáng sản: Huyện có nguồn đá vôi với trữ lượng hàng tỷ m3, tập trung chủ yếu ở 5 xã Tây Đáy, trong đó có Thanh Nghị (Đồng Ao) và thị trấn Kiện Khê. Ngoài ra còn có mỏ sét ở xã Liêm Sơn: Thanh Tâm, Thanh Lưu trữ lượng hàng triệu m3 dùng làm chất liệu phụ gia cho sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận cùng với mỏ đá trắng cung cấp cho ngành công nghiệp hóa chất.

Nguồn nước: Thanh Liêm có nguồn nước ngầm khá dồi dào và đang được các xã khai thác xử lý phục vụ cho sinh hoạt như Kiện Khê, Thanh Nguyên, Liêm Sơn... Ngoài ra, sông Đáy và sông Châu Giang cũng là nguồn nước tới phong phú cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân).

3. Kết cấu hạ tầng

Cấp điện: 20/20 xã, thị trấn trong huyện đã có điện lưới quốc gia với tồng công suất 12.420 KVA và 69 trạm biến áp, có 2 trạm trung gian là Thanh Lưu và E32. Tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99,8%.

Cấp nước: Tỷ lệ hộ dân dùng nước hợp vệ sinh đạt 65%. Dự án nước sạch khu vực trung tâm huyện lỵ đang được thi công hoàn thiện và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2004.

Giao thông: Tổng chiều dài đường bộ của huyện là 921,1 km, trong đó có 2 tuyến quốc lộ dài 20 km. Tỉnh lộ có 6 tuyến với chiều dài 46,4 km, đường huyện có 8 tuyến dài 55,7 km và đường giao thông nông thôn dài 799 km. Đường sắt Bắc Nam đi qua 3 xã của huyện là Liêm Tiết, Liêm Cần, Liêm Phong với chiều dài 5 km. Đường thủy nội địa trên địa bàn có 27 km qua hai tuyến sông Đáy và sông Châu Giang.

Thông tin liên lạc: Bưu chính - viễn thông phát triển với tốc độ cao, mạng viễn thông được trang bị 3 trạm chuyển mạch với dung lượng 4.700 số, đảm bảo thông lin chất lượng cao. Năm 2003, huyện có 4.180 máy điện thoại, đạt tỷ lệ 3 máy/100 dân. 100 % số thôn trong huyện có điện thoại. 20/20 xã, thị trấn trong huyện có đài truyền thanh, đảm bảo 100% số dân được nghe đài truyền thanh bốn cấp.

4. Tiềm năng du lịch

Chùa Châu
Thanh Liêm có tiềm năng du lịch khá lớn với nhiều hang động đẹp, đã từng là căn cứ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Huyện có vùng đồi rừng rất thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái, kết hợp với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Kẽm Trống, chùa Tiên và hệ thống đình chùa cổ được xếp hạng di tích lịch sử như chùa Trinh Tiết, chùa Châu, chùa Đá, chùa Lại Xá thờ Lý Thường Kiệt... Huyện có 13 di tích lịch sử văn hóa được công nhận, trong đó có 9 di tích cấp quốc gia.

5. Nguồn nhân lực

Năm 2003, dân số toàn huyện là 137.552 người, số người trong độ tuổi lao động là 58.5 nghìn người (chiếm 43%), lao động trong ngành nông-lâm-thủy sản là 53.743 người.