Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quá trình hình thành và phát triển của Thanh tra tỉnh Hà Nam

Giới thiệu chung Quá trình hình thành và phát triển  
Quá trình hình thành và phát triển của Thanh tra tỉnh Hà Nam
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
  
Ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ sau chưa đầy 2 tháng, ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, đánh dấu sự ra đời của ngành Thanh tra Việt Nam. Qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, đã trải qua các thời kỳ với những nhiệm vụ lịch sử và tên gọi khác nhau:
* Thời kỳ 1945 – 1946:
Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách nặng nề, kinh tế kiệt quệ, thù trong, giặc ngoài chống phá. Nhiệm vụ cách mạng quan trọng hàng đầu là huy động khối đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.
Ban thanh tra đặc biệt được thành lập với các nhiệm vụ: “Giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của UBND và các cơ quan của Chính phủ”, “Nhận các đơn khiếu nại của nhân dân”, “Điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các UBND hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát”, “Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử”. Sau khi được thành lập, tháng 1/1946 đã tiến hành thanh tra tại tỉnh Hà Nam, đã minh oan và trả tự do cho hơn 20 người bị giam giữ. Kết quả hoạt động của “Ban Thanh tra đặc biệt đã góp phần rất quan trọng vào việc củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, giữ nghiêm kỷ cương phép nước và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền cách mạng.
* Thời kỳ 1946 – 1954:
Ngày 18/12/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138/SL thành lập “Ban Thanh tra Chính phủ” thay “Ban Thanh tra đặc biệt”, có nhiệm vụ: “Xem xét sự thi hành chính sách, chủ trương của Chính phủ”, “Thanh tra các Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết”, “Thanh tra sự khiếu nại của nhân dân”.
Trong thời kỳ này, Ban Thanh tra của Chính phủ và Ban kiểm tra Trung ương Đảng có quan hệ mật thiết về mặt tổ chức. Cán bộ Thanh tra của Chính phủ hoặc cán bộ kiểm tra của Đảng đều được mang hai danh nghĩa vừa là ủy viên hay phái viên kiểm tra Trung ương, vừa là ủy viên hay phái viên Thanh tra Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ, kết hợp hai yêu cầu trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm tại chỗ cả về Đảng và chính quyền.
* Thời kỳ từ 1954 – 1975:
Ngày 28/3/1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 261/SL thành lập “Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ” thay Ban Thanh tra Chính phủ với nhiệm vụ: “Thanh tra công tác các bộ, các cơ quan hành chính và chuyên môn các cấp, các doanh nghiệp của Nhà nước”, “Thanh tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, việc sử dụng, bảo quản tài sản Nhà nước, chống phá hoại, tham ô và lãng phí”. Ngày 26/12/1956 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 1194/TTg thành lập Ban thanh tra ở các liên khu, khu, thành phố và tỉnh. Từ đây, các tổ chức Thanh tra đã được mở rộng đến các địa phương.
Ngày 11/8/1969 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Nghị quyết số 780/NQ-TVQH thành lập “Ủy ban Thanh tra của Chính phủ” thay “Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ”. Ngày 31/8/1970 Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 165/CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thanh tra Chính phủ, theo đó Ủy ban Thanh tra của Chính phủ có nhiệm vụ: “Thanh tra thường xuyên việc thực hiện kế hoạch Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu của Hội đồng Chính phủ”, “Thanh tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Chính phủ, luật pháp Nhà nước có liên quan đến nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân…”, “Giải quyết và thanh tra việc xét và giải quyết các vụ KN, TC của nhân dân”, “Thanh tra việc thực hiện chế độ kiểm tra ở các ngành, các cấp; chỉ đạo nghiệp vụ và hướng dẫn công tác cho các cơ quan thanh tra chuyên trách của các ngành, các địa phương”, “Quản lý tổ chức, cán bộ biên chế, lao động tiền lương, tài vụ của ủy ban theo chế độ chung của Nhà nước”. Đồng thời tại thời điểm này, Ban thanh tra khu, tỉnh, thành phố được kiện toàn, củng cố, hoạt động theo hệ thống trên phạm vi toàn quốc. Quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở Miền Bắc, thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc ở Miền Nam, hoạt động thanh tra được đẩy mạnh theo hướng thanh tra, kiểm tra về xây dựng kinh tế, phòng không sơ tán, về cấp cứu phòng không, khắc phục hậu quả các đợt tấn công bằng không quân của đế quốc Mỹ, về đê điều và phòng chống lũ lụt thúc đẩy các ngành, các địa phương sẵn sàng chuẩn bị đối phó với lũ lụt và địch đánh phá hệ thống đê của ta, thanh tra về vận chuyển vật tư hàng hóa chi viện Miền Nam, về thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự và chính sách hậu phương quân đội.
Có thể nói, công tác thanh tra, xét khiếu tố thời kỳ này diễn ra khẩn trương, bám sát những công tác trọng tâm, những nhiệm vụ cấp thiết, có tác dụng phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và các địa phương. Kết quả thanh tra có tác dụng tích cực thúc đẩy kỷ cương pháp luật, phòng và chống có hiệu quả tệ tham ô, tham nhũng, quan liêu, gây phiền hà cho dân, tăng thêm niềm tin của dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở Miền Bắc, đưa đến thắng lợi giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
* Thời kỳ 1975 – 1986:
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, cơ quan Thanh tra được thành lập ở tất cả các tỉnh, thành phố ở Miền Nam. Đến năm 1976, hệ thống các cơ quan Thanh tra từ Trung ương đến cấp tỉnh đã được thiết lập trên cả nước.
Ngày 3/12/1981 Hội đồng Nhà nước công bố “Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết KNTC của công dân”. Đây là lần đầu tiên quyền KNTC của công dân, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, đơn vị trong việc giải quyết KNTC của công dân được thể chế hóa, cụ thể hóa trong một văn bản pháp luật riêng. Theo đó, cơ quan thanh tra các cấp, các ngành có trách nhiệm giúp Thủ trưởng cơ quan cùng cấp xét và giải quyết các KNTC thuộc thẩm quyền.
Ngày 15/2/1984 Hội đồng Bộ trưởng ra NQ số 26/HĐBT về “Tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra”, đã đổi tên gọi là “Ủy ban Thanh tra Nhà nước”, có nhiệm vụ trên cơ sở quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ quốc, coi trọng hoạt động thanh tra việc thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội, gắn giữa thanh tra kinh tế xã hội với an ninh, quốc phòng, nhấn mạnh nhiệm vụ thanh tra chống quan liêu, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực, đồng thời triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Pháp lệnh xét và giải quyết KNTC của công dân.
Phương hướng tổ chức lực lượng và định hướng nhiệm vụ thanh tra được hoàn chỉnh thêm một bước, tạo thuận lợi cho chỉ đạo điều hành chung của toàn ngành. Đội ngũ cán bộ thanh tra được tăng cường cả về số lượng, chất lượng và nghiệp vụ chuyên môn không ngừng được đổi mới nâng cao, đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra kinh tế xã hội phức tạp ở từng địa phương cũng như trên phạm vi cả nước
* Thời kỳ từ 1986 đến nay:
Tháng 12/1986 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển của cách mạng nước ta.
Ngành Thanh tra cũng đã chuyển hướng đổi mới hoạt động theo sự đổi mới của đất nước. Hoạt động thanh tra trong thời kỳ này diễn ra tương đối sôi động và toàn diện. Những tích lũy thực tiễn đã được vận dụng vào nhiệm vụ thanh tra, toàn ngành tập trung lực lượng, đầu tư chỉ đạo, liên tục tiến hành nhiều cuộc thanh tra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội và trên quy mô toàn quốc, góp phần giúp Đảng và Nhà nước nắm bắt thực tiễn tình hình, đề ra các chủ trương, chính sách đổi mới phù hợp.
Năm 1990 Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh thanh tra, năm 2004 Quốc hội ban hành Luật thanh tra; Năm 1991 Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh KNTC của công dân thay thế Pháp lệnh năm 1981, năm 1998 Quốc hội ban hành Luật KNTC và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005; Năm 1998 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh phòng, chống tham nhũng, năm 2005 Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tham nhũng.
Các văn bản pháp lý trên, đã nâng cao vị trí, nhiệm vụ và quyền năng pháp lý của hệ thống Thanh tra Nhà nước và đề cao vai trò Thanh tra nhân dân, đã tạo thêm thuận lợi mới, sức mạnh mới, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC và phòng chống tham nhũng, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, là công cụ đắc lực phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.
Ghi nhận thành tích và những đóng góp to lớn của ngành Thanh tra, Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho ngành: Huân chương độc lập, Huân chương lao động, Huân chương Hồ Chí Minh và nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành, Đảng và Nhà nước đã tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất ghi nhận công lao đóng góp to lớn của ngành Thanh tra trong 65 năm qua.
Cùng với các tổ chức Thanh tra trong cả nước, Thanh tra tỉnh Hà Nam đã trải qua các giai đoạn lịch sử và từng bước trưởng thành. 1965 – 1976 Thanh tra Nam Hà, 1976 – 1992 Thanh tra Hà Nam Ninh, 1992 – 1996 Thanh tra Nam Hà, trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, cán bộ, công chức Thanh tra Hà Nam đã kề vai sát cánh cùng những người anh em Thanh tra Nam Định, Ninh Bình phấn đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chiến lược trong từng thời kỳ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tháng 1/1997 tỉnh Hà Nam được tái lập, ngày 01/4/1997 UBND tỉnh Hà Nam có Quyết định số 202/QĐ-UB thành lập cơ quan Thanh tra tỉnh Hà Nam. Trong 13 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Thanh tra Chính phủ, cùng với sự phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành, ngành Thanh tra tỉnh Hà Nam đã không ngừng vươn lên, liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng ngành Thanh tra cả nước thực hiện mục tiêu chính trị của Đảng, Nhà nước và mục tiêu chính trị, kinh tế xã hội của tỉnh.
Khi mới thành lập, cùng với sự khó khăn chung của tỉnh, Thanh tra tỉnh và Thanh tra các huyện, thị xã, Thanh tra các sở ngành gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và tổ chức bộ máy. Nhiều đơn vị còn phải đi thuê địa điểm để đặt trụ sở làm việc; lực lượng còn mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn yếu, có đơn vị sở ngành hoạt động thanh tra còn kiêm nhiệm.
Sau 13 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, ngành Thanh tra tỉnh Hà Nam đã đạt được những kết quả rất phấn khởi. Cơ sở vật chất của các tổ chức Thanh tra trong tỉnh đã được cải thiện một bước đáng kể, đã đáp ứng được yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Về tổ chức bộ máy, hiện tại toàn ngành Thanh tra của tỉnh có 6 thanh tra huyện, thành phố, 20 tổ chức thanh tra các Sở ngành; Thanh tra tỉnh có 5 phòng chức năng với 34 cán bộ, nhân viên. Tổng số cán bộ toàn ngành Thanh tra của tỉnh là 141, trong đó: thanh tra viên chính 19, thanh tra viên 62, chuyên viên, cán bộ trong biên chế 57, lao động hợp đồng 13. 96% cán bộ có trình độ đại học trở lên. Hàng năm, số cán bộ này liên tục được cử đi đào tạo và học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ. 
Với tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, ngành Thanh tra của tỉnh đã nhanh chóng củng cố kiện toàn tổ chức, kịp thời hướng mọi hoạt động vào việc phục vụ nhiệm vụ đổi mới kinh tế xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, 16, 17, 18. Tích cực chủ động tham mưu để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc chương trình công tác thanh tra đã đề ra. Toàn ngành Thanh tra của tỉnh đã thực hiện trên 700 cuộc thanh tra và kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, các cuộc thanh tra đã triển khai trên diện rộng như: Thanh tra các chương trình dự án đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn; thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai; thanh tra việc thực hiện chính sách với người có công; thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; thanh tra việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; thanh tra việc quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHYT…..Các cuộc thanh tra đều đã hoàn thành tốt nội dung, kế hoạch đề ra, đã phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền thu hồi về ngân sách Nhà nước trên 24 tỷ đồng, thu hồi trên 40.000m2 đất. Hoạt động thanh tra kinh tế xã hội trong những năm qua, luôn hướng vào những lĩnh vực quản lý Nhà nước trọng yếu hoặc những vấn đề mà xã hội quan tâm, bức xúc, những nơi xuất hiện nhiều KNTC. Kết quả thanh tra đã trực tiếp ngăn ngừa sai phạm trên một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, kiến nghị xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chống các hành vi lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Trong lĩnh vực giải quyết KNTC cũng gặp nhiều khó khăn phức tạp, nội dung khiếu tố đa dạng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội ở các địa phương trong tỉnh. Trước tình hình đó, ngành Thanh tra luôn quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác giải quyết KNTC của công dân. Được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cơ quan Thanh tra các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực chủ động tham mưu thực hiện tốt Quy chế tiếp dân và giải quyết KNTC theo thẩm quyền.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành Thanh tra của tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp, các ngành tổ chức tiếp công dân và đã tiếp được trên 49 nghìn lượt người, tiếp nhận trên 5.200 đơn thư KNTC, hàng năm số đơn thư đã giải quyết đạt trên 90%. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, Thanh tra tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tham mưu tích cực với UBND tỉnh giải quyết dứt điểm, không để phát sinh thành điểm nóng.  
Thực hiện Kế hoạch 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009 của Thanh tra Chính Phủ, Thanh tra tỉnh đã tham mưu tích cực cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tiến hành rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, tập trung xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm.
Kết quả giải quyết đơn thư KNTC đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước; làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Ghi nhận thành tích và những đóng góp của ngành trong những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đạt thành tích xuất sắc được khen thưởng với các danh hiệu: 1 Huân chương lao động hạng nhì của Chủ tịch nước (tặng cho tập thể Thanh tra huyện Kim Bảng); 2 Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước (tặng cho 2 tập thể: Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện Bình Lục); 7 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 13 cờ thi đua xuất sắc và 71 bằng khen của Thanh tra Chính phủ; 20 bằng khen của các bộ ngành; 20 cờ thi đua xuất sắc và 199 bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân trong ngành Thanh tra của tỉnh. 50 đồng chí cán bộ thanh tra viên trong ngành có thành tích và thời gian công tác lâu năm đã được Thanh tra Chính phủ tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thanh tra. Nhiều tập thể được Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; nhiều đồng chí được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, bộ ngành.
65 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta có thể khẳng định:
Sự ra đời và phát triển của ngành Thanh tra là một đòi hỏi khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Từ kết quả thực tiễn cho thấy, thanh tra là một hoạt động không thể thiếu được của công tác lãnh đạo, quản lý; ngược lại, công tác lãnh đạo, quản lý phải coi kiểm tra, thanh tra là nhiệm vụ quan trọng. Công tác thanh tra có tác dụng trực tiếp đối với việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân và giữ vững kỷ cương phép nước.
Để góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới, hoạt động thanh tra phải tập trung vào các nội dung và yêu cầu: đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ, đúng pháp luật, phục vụ tốt sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh. Công tác thanh tra phải bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của từng địa phương, đơn vị, chủ động xây dựng chương trình và tổ chức các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm ngăn ngừa các vi phạm pháp luật. Thanh tra kết hợp với giải quyết KNTC để chống tiêu cực, tham nhũng. Công tác giải quyết KNTC luôn chủ động tham mưu giúp lãnh đạo các cấp, các ngành duy trì nề nếp tiếp công dân, giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật các KNTC phát sinh, chủ động tìm các giải pháp để từng bước đi đến giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài; hạn chế đơn thư khiếu tố vượt cấp, đông người, không để phát sinh thành điểm nóng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.    
Phát huy truyền thống 65 năm của Thanh tra Việt Nam, truyền thống xây dựng và trưởng thành của Thanh tra tỉnh Hà Nam, chúng ta tự hào nhìn lại những chặng đường lịch sử phát triển của ngành, đồng thời cần thấy rõ những mặt còn tồn tại để khắc phục, phấn đấu vươn lên làm tốt hơn, xứng đáng với chức danh người cán bộ Thanh tra, làm vẻ vang thêm truyền thống quý báu của ngành. Sự phát triển kinh tế xã hội đang diễn ra rất sôi động, có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều thách thức khó khăn; chúng ta phải xây dựng đội ngũ thanh tra trong sạch theo lời Bác dặn “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi, gương mờ thì không soi được”. Chúng ta phải vượt qua sự cám dỗ vật chất, trong sự khốc liệt của thời kỳ cơ chế thị trường, đòi hỏi cán bộ thanh tra phải ra sức học tập nắm vững đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lối sống trong sáng, lành mạnh, trung thực, liêm khiết và công minh. Trong công tác, bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, sâu sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ được giao, gắn thực hiện nhiệm vụ công tác với triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xứng đáng với lời dạy của Người “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”.