Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo góp ý hoàn thiện kết quả nghiên cứu, khảo sát: “Hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp”

Diễn đàn thanh tra  
Hội thảo góp ý hoàn thiện kết quả nghiên cứu, khảo sát: “Hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp”

Ngày 05/12/2018, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu khảo sát về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Tham dự hội thảo có đại diện một số thanh tra bộ, ngành và toàn thể cán bộ Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra chủ trì hội thảo.

Hội thảo góp ý hoàn thiện kết quả nghiên cứu, khảo sát: “Hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp”

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sai phạm, điển hình là những sai phạm về quản lý và sử dụng vốn, tài sản cùa doanh nghiệp, về quản lý và sử dụng tài nguyên, khoáng sản, về bảo đảm an toàn xã hội... Điều đó đòi hỏi nhà nước phải thiết lập cơ chế quản lý nhà nước hiệu quả, bảo đảm quyền tự do kinh doanh cùa doanh nghiệp nhưng đồng thời phải thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm.


Trả lời câu hỏi sự cần thiết phải tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, Nhóm nghiên cứu, khảo sát cho biết, doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận nên sẽ tìm mọi cách để cắt giảm chi phí sản xuất và các chi phí khác để tối đa hoá lợi nhuận, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có kiến thức chuyên sâu về ngành lĩnh vực hoạt động, ít am hiểu về các quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan quản lý có cơ hội kiểm nghiệm tính đúng đắn của các chính sách. 


Nhóm nghiên cứu chia sẻ thêm về mục tiêu của nghiên cứu, khảo sát là làm rõ những vấn đề lý luận, pháp lý về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp: Khái niệm, thẩm quyền, nội dung, vai trò, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan, trình tự thủ tục thanh tra, kiểm tra, những yếu tố ảnh hưởng, những nguyên tắc và yêu cầu đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đánh giá thực trạng hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo Luật Thanh tra năm 2010 và việc thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTgngày 17 tháng 5 năm 2017của Thủ tướng Chính phủvề việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; thực trạng nhận thức của các chủ thể có liên quan và đề xuất phương hướng, giải pháp trên các phương diện nhận thức, quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong thời gian tới.


Trên thực tế hiện nay đang tồn tại quan điểm đánh đồng hoạt động "thanh tra chuyên ngành" với hoạt động "kiểm tra chuyên ngành". Bằng chứng rõ nhất là trong quy định của pháp luật hiện hành, thuật ngữ "thanh tra chuyên ngành" đang được sử dụng để đặt tên cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan quản lý nhà nước. Những quy định càng làm cho sự phân biệt giữa hai hoạt động vốn đã phức tạp lại càng trở nên vướng mắc hơn trên thực tế. Bản thân doanh nghiệp là đối tượng bị thanh tra, kiểm tra cũng không thể phân biệt được mình đang là đối tượng của hoạt động thanh tra chuyên ngành hay kiểm tra chuyên ngành. 

Giải pháp về nhận thức; giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải pháp tổ chức thực hiện là các giải pháp mà Nhóm nghiên cứu đưa ra để giải quyết tận gốc những chồng chéo, bất cập, tuỳ tiện trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hiện nay. Theo đó, cần nhận thức đúng về vai trò, chức năng của quản lý nhà nước và cần nhận thức đúng về bản chất, đặc điểm, mục đích, nguyên tắc, vai trò và ý nghĩa của hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm tra. Ngoài ra, hoạt động thanh tra doanh nghiệp chỉ nên thực hiện trên một quy mô quản lý nhất định, đáp ứng đủ các điều kiện về phạm vi đối tượng, phạm vi nội dung và đặc biệt phải nhằm mục đích đánh giá cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành. 


Có thể nói, để hoàn thiện được các quy định của pháp luật về hoạt động kiểm tra doanh nghiệp thì cần xây dựng văn bản điều chỉnh hoạt động kiểm tra ở tầm luật. Cần gộp chung vấn đề kiểm tra chuyên ngành với xử lý vi phạm hành chính thành một đạo luật, có thể gọi tên là Luật Kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính, quy định về mô hình tổ chức thực hiện quyền kiểm tra chuyên ngành; mục đích, nguyên tắc của hoạt động kiểm tra chuyên ngành; quy định rõ căn cứ, trình tự thủ tục tiến hành động kiểm tra chuyên ngành; quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chủ thể tiến hành hoạt động kiểm tra chuyên ngành.


Cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về các quy định của pháp luật, nội dung của các nghị quyết, chỉ thị về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhằm thống nhất nhận thức đúng đắn làm cơ sở cho hành động." đại diện Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. 


Không chỉ vậy, cần tăng cường trách nhiệm và đạo đức công vụ từ cấp lãnh đạo, chỉ đạo đến cấp thực thi trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và các nghị quyết, chỉ thị về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm; thực hiện tốt chia sẻ và kết nối thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. 


Để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo nhân rộng các mô hình phối hợp trong xây dựng kế hoạch, rà soát phát hiện chồng chéo tốt ở địa phương.


Kết quả của nghiên cứu, khảo sát sẽ góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu sửa Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian tới./.​