Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mong ngành Thanh tra không có những “con sâu làm rầu nồi canh”

Diễn đàn thanh tra  
Mong ngành Thanh tra không có những “con sâu làm rầu nồi canh”

(Thanh tra)- “Là cán bộ thanh tra mà có hành vi tham nhũng, dè xén dù chỉ một chút xíu thôi cũng khiến dư luận rất bức xúc”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

 
 

 

 
Mong ngành Thanh tra không có những “con sâu làm rầu nồi canh”
Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà. Ảnh: Hương Giang

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà chia sẻ, ông rất ấn tượng với những kết quả đã đạt được của ngành Thanh tra, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Thanh tra tiếp tục đi vào lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng

Năm 2019, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ, dư luận về tham nhũng, tiêu cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong đó, qua công tác thanh tra đã kiến nghị xử lý hình sự 102 vụ/181 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chuyển cơ quan điều tra 20 vụ, 26 đối tượng.

“Nhất là, việc Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, công khai kết quả thanh tra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng; việc quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh… nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận. Tôi rất cũng hoan nghênh”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Theo đánh giá của ông Hòa, đây là những vụ rất phức tạp. Việc Thanh tra Chính phủ vào cuộc, kết luận rõ đúng, sai, từ đó kiến nghị xử lý nhiều vi phạm pháp luật, “bất kể người vi phạm là ai” cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước rất quyết liệt, “không có vùng cấm”.

Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra cũng có chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.123 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã xử lý, thu hồi 8.163 tỷ đồng (đạt 51%), 340ha đất (đạt 38%); xử lý hành chính 1.445 tổ chức, 3.800 cá nhân; đôn đốc khởi tố 146 vụ, 28 đối tượng.

Làm tốt kiểm soát tài sản, cán bộ sẽ “không ham tham nhũng”

Dù đã đạt được nhiều kết quả, song vị ĐBQH đoàn Đồng Tháp kỳ vọng ngành Thanh tra sẽ làm được nhiều hơn thế. “Vụ Thủ Thiêm, người dân vẫn rất bức xúc vì họ cho rằng, ở đó có sân sau, tiêu cực. Tôi rất mong Thanh tra Chính phủ tiếp tục làm rõ, làm đến nơi, đến chốn để trả lời cho dư luận biết còn có vi phạm gì nữa không”, ông Hoà bày tỏ.

Một vấn đề nữa được ông Phạm Văn Hoà đề cập đến là công tác minh bạch tàn sản, thu nhập. Theo vị ĐBQH này, năm 2019, với hơn 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập mà chỉ xác minh 46 trường hợp là “quá ít”.

“Để công tác phòng, chống tham nhũng đi vào nền nếp; tham nhũng được ngăn chặn và đầy lùi thì việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức hết sức quan trọng. Làm tốt biện pháp này thì cán bộ sẽ không dám, không muốn, không thể tham nhũng. Mặt khác, tài sản được biếu, tặng cũng sẽ được cán bộ, công chức, viên chức nộp lại theo quy định vì sợ không giải trình được”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhận định và nhấn mạnh, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có hiệu lực thi hành.

Ông nhắc lại, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã trao cho ngành Thanh tra thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, trong đó, Thanh tra Chính phủ được giao kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại các bộ, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp Nhà nước. “Tôi rất kỳ vọng ngành Thanh tra sẽ làm tốt điều này”, ông Hoà bày tỏ.

Cán bộ Thanh tra phải nêu gương, có tâm, có tầm

Cũng theo đánh giá của ĐBQH, trong năm 2019, các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã rất tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khác, cơ quan bổ trợ tư pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản  trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế…

Song vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng, chống tham nhũng lại có hành vi tham nhũng.

“Điều này không nhiều, không phổ biến nhưng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của người dân với cơ quan bảo vệ pháp luật”, ông Hoà nói và dẫn chứng vụ Nguyễn Thị Kim Anh, Phó phòng Phòng, chống tham nhũng Thanh tra Bộ Xây dựng và đồng phạm nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại một số đơn vị của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” vẫn khiến dư luận “xầm xì cán bộ thanh tra thế này, thế khác”.

Theo ông Hoà, “là cán bộ thanh tra mà có hành vi tham nhũng, dè xén dù chỉ một chút xíu thôi cũng khiến dư luận rất bức xúc”.

“Muốn công tác thanh tra đạt hiệu quả hơn nữa, thực chất hơn nữa, trước tiên phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính cơ quan thanh tra. Muốn vậy, mỗi cán bộ thanh tra phải nêu gương, trung thực, gương mẫu, có chuyên môn, có tâm, có tầm, có phẩm chất đạo đức trong sáng khi thực thi công vụ”, ĐBQH đoàn Đồng Tháp nêu rõ.

Từ nghị trường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, trước phản ánh của cử tri về tham nhũng, tiêu cực của các đoàn thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, Tổng Thanh tra Chính phủ và bộ trưởng các bộ có chức năng thanh tra chuyên ngành cần đánh giá thực trạng tình hình và đề ra giải pháp phòng, chống trong thời gian tới.

Hơn nữa, một số trường hợp, qua hoạt động thanh tra chuyên ngành đã phát hiện sai phạm nhưng do xử lý thiếu triệt để dẫn đến “nhờn luật”, sai phạm sau của doanh nghiệp còn trầm trọng hơn sai phạm trước, biểu hiện rõ nhất là các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng trái phép.

“Cử tri cho rằng, để xảy ra sai phạm trong trật tự xây dựng tại các đô thị lớn là có sự tiếp tay của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước, nhất là tiêu cực của cán bộ có chức năng thanh tra xây dựng”, bà Lê Thị Nga cho hay, quan điểm của Uỷ ban Tư pháp là phải kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng và cán bộ, công chức có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm để chấn chỉnh lại công tác này trong thời gian tới.

Bài học gì sau loạt vụ tham nhũng lớn

Qua các vụ việc sai phạm, vụ án kinh tế, tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian qua như vụ Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG; vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Tổng Công ty gang thép Thái Nguyên; sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn Đà Nẵng…, Uỷ ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, phòng, chống tham nhũng để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới.


Theo Báo Thanh tra​