Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận tại Tổ Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Chương trình kế hoạch hoạt động của Thanh tra tỉnh  
Quốc hội thảo luận tại Tổ Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Chiều ngày 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) cho ý kiến là về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý.
​Liên quan đến vấn đề này, dự thảo luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g Khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc theo quy định của Luật PCTN. Chính phủ lựa chọn phương án này.
Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

Cho ý kiến, ĐB Đào Tú Hoa (Đoàn Hà Nội) nêu, pháp luật hiện hành chưa có quy định xử lý vấn đề này. Do đó, cần cân nhắc hết sức thận trọng. “Dự thảo đưa ra 2 phương án, qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, tôi cơ bản tán thánh với phương án 2, mặc dù tôi còn băn khoăn”, bà Hoa nói.

Trong khi, ĐB Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đánh thuế 45% tài sản chưa rõ nguồn gốc là cách tiếp cận hơi dễ cho Nhà nước mà chưa thể hiện sự tôn trọng hợp lý đối với quyền sở hữu tài sản của công dân - một quyền được Hiến định.

Ông cũng lưu ý, nếu chúng ta tiếp cận theo cách thức này thì vô tình chung, nếu tài sản đó đúng là tài sản do tham nhũng hoặc phạm tội mà có thì chúng ta chỉ thu được 45%, 55% còn lại sẽ lại được hợp pháp hóa thông qua hình thức thu thuế. Rồi thế nào là tài sản không giải trình được một cách hợp lý, cơ quan nào là trọng tài xem xét hợp lý hay không hợp lý…

Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thanh Hoá Mai Sỹ Diến, có những tài sản vì vấn đề tế nhị nên không kê khai. Nếu Nhà nước không chứng minh được đó là tài sản bất hợp pháp thì tài sản đó thuộc quyền của công dân. Thuế cũng không đánh được, thu hồi cũng không thu hồi được.

Giải thích rõ, theo Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái, trong điều kiện thực tế của Việt Nam, chúng ta chưa kiểm soát được hết tài sản, thu nhập của toàn xã hội, có những trường hợp như cho, biếu, tặng tài sản hay cán bộ công chức đi làm thêm… nhưng không kê khai hoặc kê khai mà chứng minh nguồn gốc không hợp lý.

“Loại tài sản này không khẳng định là bất hợp pháp. Nếu xác định được đó là tài sản bất hợp pháp, tài sản bất minh được hình thành từ hành vi vi phạm pháp luật thì căn cứ vào các luật hiện hành để tịch thu, chứ không phải thu thuế”, Tổng Thanh tra nói.

Tổng Thanh tra nhấn mạnh, tài sản là quyền Hiến định. Muốn xử hình sự thì cơ quan Nhà nước phải chứng minh được là bất hợp pháp hay muốn kiện ra tòa theo trình tự tố tụng dân sự thì cũng phải chứng minh được tài sản đó là của Nhà nước. Giữa hai phương án, theo Tổng Thanh tra, nếu xử vi phạm hành chính rất khó. Chính phủ đã bàn thảo, cân nhắc và đề xuất chọn phương án thu thuế.

Cũng theo Tổng Thanh tra, nếu không đồng ý, thì người phải nộp thuế có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện Kết luận xác minh tài sản, thu nhập ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Còn vì sao chọn mức thuế suất 45%, Tổng Thanh tra lý giải, theo tính toán có tham khảo của Bộ Tài chính, mức thuế suất này cũng tương đương với mức thuế suất trung bình là 15% (trong biểu thuế lũy tiến từng phần, dao động từ 5% đến 35%) và tiền phạt từ 1 đến 3 lần (được lấy trung bình là 2 lần) số tiền thuế trốn theo quy định.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án 1, theo ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) “phân tích của cơ quan soạn thảo có cơ sở thuyết phục hơn”.ĐB Cường phân tích, ở đây có 2 vế. Thứ nhất, là kê khai không trung thực, dù cán bộ có giải trình một cách hợp lý nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thì vẫn bị xử lý về cán bộ hoặc hành chính. Về thứ 2, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy, chỉ tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc mới xử lý. Trong điều kiện hiện nay, do cơ chế chưa đồng bộ, chưa kiểm soát được toàn bộ thu nhập, năng lực quản trị còn hạn chế nên thu thuế hay phạt tiền cũng là phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, chỉ khi nào quản trị tốt, truy xuất được nguồn gốc tài sản thì mới xử lý triệt để. Cho nên, phải thực hiện từng bước chứ không thể làm dứt điểm ngay một lúc được./.