Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quy trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng

Hoạt động nghiệp vụ Phòng chống tham nhũng  
Quy trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng

 I. Về căn cứ việc kiểm tra thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Căn cứ Điều 41 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 06 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng đã chỉ rõ việc kiểm tra được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau:

1. Kế hoạch kiểm tra hằng năm đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt;

2. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

II. Trình tự, thủ tục tiến hành kiểm tra

Căn cứ Điều 42 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 06 năm 2013 của Chính phủ này đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng như sau:

1. Khi có một trong những căn cứ kiểm tra tại Điều 41 nêu trên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải ra quyết định kiểm tra và gửi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được kiểm tra.

2. Quyết định kiểm tra phải có các nội dung sau:

a) Căn cứ kiểm tra;

b) Họ, tên, chức vụ, nơi công tác của trưởng đoàn và thành viên đoàn kiểm tra hoặc người kiểm tra;

c) Nội dung kiểm tra;

d) Thời hạn tiến hành kiểm tra.

3. Quyết định kiểm tra phải được công bố chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ra quyết định kiểm tra. Việc công bố quyết định kiểm tra phải được tiến hành tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nơi làm việc của cá nhân được kiểm tra và được lập thành văn bản.

4. Thời hạn tiến hành cuộc kiểm tra là 10 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp cuộc kiểm tra liên quan đến nhiều đối tượng, địa bàn kiểm tra rộng, tính chất việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn kiểm tra có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.

5. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc kiểm tra, sau khi xem xét báo cáo kết quả kiểm tra của trưởng đoàn kiểm tra hoặc người kiểm tra và giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được kiểm tra, người ra quyết định kiểm tra phải ban hành kết luận kiểm tra.

6. Kết luận kiểm tra phải có các nội dung sau:

a) Kết luận về việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác có liên quan của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được kiểm tra;

b) Kết luận về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được kiểm tra, trong đó phải có kết luận về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra hoặc cá nhân được kiểm tra;

c) Yêu cầu đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được kiểm tra về các biện pháp phải thi hành nhằm bảo đảm việc thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng và các quy định khác có liên quan của pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

d) Biện pháp xử lý cụ thể đối với hành vi vi phạm (nếu có).

7. Kết luận kiểm tra phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được kiểm tra và được công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành kiểm tra và trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nơi làm việc của cá nhân được kiểm tra.

III. Nội dung kiểm tra

1. Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng

- Xem xét, đánh giá việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm, quy trình xây dựng kế hoạch, thời điểm, thời gian, căn cứ để xây dựng kế hoạch, nội dung kế hoạch, việc hướng dẫn chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch đối với cơ quan tổ chức, đơn vị;

- Xem xét, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, bao gồm: hình thức, cách thức phổ biến, triển khai kế hoạch; chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch.

 2.  Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị và trong quần chúng, nhân dân;

- Xem xét, đánh giá việc xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; xem xét các tổ chức, đơn vị, cá nhân đã triển khai thực hiện so với quy định; xem xét việc phối hợp với các cơ quan liên quan, xây dựng mạng lưới báo cáo viên của đơn vị nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng và kết quả các giải pháp đã thực hiện.

- Xem xét về nội dung, hình thức, địa điểm, thời gian, đối tượng được tuyên truyền và đánh giá hiệu quả, mức độ phù hợp đặc thù tổ chức, hoạt động của từng đơn vị; chất lượng, kết quả đạt được qua việc tuyên truyền.

3. Công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính, ngân sách nhà nước; mua sắm công, xây dựng cơ bản và quản lý dự án đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất; công tác tổ chức, cán bộ.

3.1 Hình thức công khai, minh bạch được áp dụng đối với từng nội dung so với quy định.

3.2. Thời điểm công khai được thực hiện đối với từng nội dung so với quy định.

3.3 Nội dung công khai, minh bạch cần được xem xét:

3.3.1 Công khai, minh bạch hoạt động tài chính, ngân sách nhà nước;

a) Đối với các đơn vị dự toán ngân sách: Công khai các căn cứ, nguyên tắc phân bổ; công khai số liệu dự toán và quyết toán;

b) Đối với đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng kinh phí: Công khai các nguồn thu đóng góp của các tổ chức, cá nhân được huy động và hiệu quả sử dụng; công khai số liệu dự toán chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; công khai chi sửa chữa lớn tài sản cố định, chi hội nghị và các nội dung chi khác;

c) Đối với tổ chức được Nhà nước hỗ trợ ngân sách: Công khai số liệu dự toán, quyết toán; công khai khoản đóng góp và sử dụng của tổ chức, cá nhân (nếu có); công khai cơ sở xác định mức hỗ trợ và số tiền Nhà nước hỗ trợ;

d) Đối với quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước: Công khai quy chế hoạt động và cơ chế tài chính của quỹ; công khai kế hoạch tài chính hằng năm, trong đó chi tiết các khoản thu, chi có quan hệ với ngân sách nhà nước theo quy định của cấp có thẩm quyền; công khai kết quả hoạt động của quỹ; công khai quyết toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Công khai việc phân bổ, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước cho các dự án, chương trình mục tiêu.

3.3.2 Công khai, minh bạch trong mua sắm công, xây dựng cơ bản và quản lý dự án đầu tư xây dựng

a) Trong mua sắm công: Công khai kinh phí, kế hoạch đầu tư mua sắm, trang bị tài sản nhà nước; công khai kế hoạch đấu thầu, mời sơ tuyển và kết quả sơ tuyển, mời thầu; công khai danh mục nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, công khai danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, kết quả lựa chọn nhà thầu; công khai việc tiếp nhận viện trợ, được tặng và điều chuyển, thanh lý, bán, chuyển nhượng, trang bị tài sản nhà nước;

b) Trong xây dựng cơ bản: Công khai việc phân bổ vốn đầu tư trong dự toán ngân sách nhà nước được giao hằng năm cho các dự án; công khai mức vốn đầu tư của dự án được giao trong dự toán ngân sách năm; công khai kế hoạch đấu thầu, mời sơ tuyển và kết quả sơ tuyển, mời thầu; công khai danh mục nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, công khai danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, kết quả lựa chọn nhà thầu; công khai quyết toán vốn đầu tư của dự án hằng năm; công khai phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành;

c) Trong quản lý dự án đầu tư xây dựng: Việc lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi quy hoạch về dự án quy hoạch đầu tư xây dựng; việc hội đồng nhân dân xem xét, quyết định đối với dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương; công khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định, phê duyệt để nhân dân giám sát.

3.3.3 Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất

a) Công khai, minh bạch các quy định của pháp luật;

b) Công khai, minh bạch các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án; đấu thầu dự án, đấu giá đất để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đất đai và các quy định khác của Nhà nước;

c) Công khai, minh bạch trong trình tự thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và tái định cư; công khai trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

d) Công khai, minh bạch trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về: thẩm quyền, trình tự, thủ tục và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công khai quy hoạch chi tiết và việc phân lô đất ở, đối tượng được giao đất làm nhà ở;

đ) Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Xem xét, đánh giá công tác quản lý, sử dụng đất trên cơ sở so sánh đối chiếu với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; công khai kết quả thực hiện công tác quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất;

e) Công khai, minh bạch trong thủ tục hành chính khác liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai.

3.3.4 Công khai, minh bạch trong công tác tổ chức, cán bộ

a) Công khai việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai về số lượng, tiêu chuẩn, hình thức tuyển dụng và kết quả tuyển dụng;

b) Công khai việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, chuyển ngạch, luân chuyển, điều động, khen thưởng, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật, hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác.

  4. Việc xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; việc xử lý trách nhiệm, thu hồi và yêu cầu bồi thường trong các vụ việc vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn;

- Xem xét việc xây dựng, ban hành và công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xem xét căn cứ xây dựng và thời gian áp dụng so với quy định; xem xét nội dung các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn của cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện so với quy định của Nhà nước.

- Xem xét việc hướng dẫn, triển khai thực hiện quy định về chế độ định mức, tiêu chuẩn; xem xét việc kiểm tra, chấp hành, khắc phục các quy định không phù hợp với thực tế trong việc thực hiện quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn (nếu có); xem xét việc xử lý vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn (nếu có).

  5. Việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng;

5.1 Việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức

a Việc xây dựng, quán triệt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong cơ quan, tổ chức đơn vị so với quy định.

b. Việc công khai quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức để nhân dân giám sát việc chấp hành so với quy định.

c. Việc chấp hành quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

d. Việc kiểm tra, xử lý đối với người vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

5.2 Việc  thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng;

a. Xem xét việc quán triệt, hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức so với quy định tại Quyết định 64/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

b. Xem xét việc thực hiện quy định tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức so với quy định của Nhà nước.

c. Xem xét việc nhận, sử dụng quà do cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và sử dụng công quỹ để tặng quà so với quy định của Nhà nước.

d. Xem xét việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm về tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng (nếu có).

6. Việc kê khai, công khai bản kê khai, xác minh, công khai kết quả xác minh tài sản thu nhập theo quy định tại Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, Thông tư 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập và các văn bản hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ;

Nội dung thanh tra việc thực hiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tập trung vào các vấn đề sau:

6.1 Tổ chức, thực hiện quy định kê khai tài sản, thu nhập: Việc quán triệt mục đích việc kê khai tài sản, thu nhập; lập danh sách và thông báo danh sách người có nghĩa vụ kê khai; phổ biến các loại tài sản, thu nhập phải kê khai; thực hiện trình tự, thủ tục kê khai tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; quản lý khai thác sử dụng bản kê khai tài sản, thu nhập.

6.2. Xác minh tài sản, thu nhập (nếu có): Căn cứ yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập; thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập, kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; quản lý, sử dụng hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập.

6.3. Việc xử lý vi phạm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập (nếu có) cần phải xem xét:

a) Việc xử lý kỷ luật hành chính đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;

b) Việc xử lý trách nhiệm đối với người vi phạm các quy định về tổ chức, thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; xác minh tài sản, thu nhập; kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; quản lý, sử dụng hồ sơ về minh bạch tài sản, thu nhập; thực hiện chế độ báo cáo kết quả thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định.

 7. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ;

Nội dung thanh tra việc thực hiện quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức tập trung vào các vấn đề sau:

7.1 Xem xét việc xây dựng kế hoạch, công khai kế hoạch, thực hiện nguyên tắc và những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; xem xét nội dung, hình thức thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; xem xét đối tượng được thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; xem xét thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; xem xét thời điểm ban hành quyết định điều động, công khai quyết định điều động.

Xem xét các trường hợp vi phạm quy định chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức (nếu có): Xem xét trường hợp không thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; xem xét trường hợp chuyển đổi không đúng danh mục các vị trí công tác trong các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi; xem xét lý do chưa thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

7.2 Xem xét việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

 8. Việc thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung vào việc xử lý thu hồi đất đai, tài sản, kinh phí, việc xử lý các vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự;

8.1  Xem xét việc thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý liên quan đến tham nhũng và thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị được các cơ quan chức năng của Nhà nước xử lý, cần phải xem xét: Việc tổ chức, thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý; kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý.

8.2. Xem xét việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chấp hành chế độ thông tin báo cáo trong quá trình tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

  9. Việc xử lý tin báo, giải quyết tố cáo về dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ, theo chức năng quản lý nhà nước;

Xem xét việc thiết lập, công khai các hình thức tiếp nhận tin báo dấu hiệu tham nhũng, tố cáo hành vi tham nhũng; xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận và thẩm quyền thụ lý tố cáo hành vi tham nhũng; xem xét trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng; xem xét trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận xử lý tin báo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng.

 10. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN

10.1. Xem xét việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất về công tác phòng, chống tham nhũng thông qua các tiêu chí thông tin về hình thức, số lượng, thời gian, nội dung, chất lượng thông tin báo cáo.

10.2. Xem xét những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong thực hiện chế độ thông tin, báo cáo.

Trên đây là quy trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng.​​