1. Công nghiệp
Trong quá trình thực hiện các mục tiêu về phát triển khu công nghiệp (KCN) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVIII, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp thực hiện của các sở, ngành liên quan, các KCN của tỉnh Hà Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương.
Đến nay, Hà Nam có 08 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, với diện tích 1.773 ha, trong đó có 04 KCN đã đi vào khai thác và hoạt động như KCN Đồng Văn I, khu công nghiệp Đồng Văn II, KCN Hòa Mạc, KCN Châu Sơn; hạ tầng các KCN này đã cơ bản được đầu tư xây dựng đồng bộ, thu hút được 163 dự án (FDI là 74 dự án, trong nước là 89 dự án), vốn đầu tư đăng ký là 681 triệu USD và 8.709 tỷ đồng.
Trong những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các KCN tăng nhanh, góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số giá trị giá trị sản xuất toàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN tăng liên tục và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Hà Nam. Đến nay các doanh nghiệp trong KCN đã tạo việc làm mới cho gần 14.000 lao động, nâng tổng số lao động làm việc trong các KCN lên 30.000 lao động.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách để thu hút được các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng có năng lực và kinh nghiệm đối với 04 khu công nghiệp được Thủ tướng chấp thuận năm 2008, trọng tâm là thu hút chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Kim Bảng và KCN Đồng Văn III, phấn đấu đến năm 2015 có thể đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư.
2. Giao thông
Ngoài mạng lưới giao thông thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với bên ngoài, mạng lưới giao thông nội tỉnh và giao thông nông thôn cũng phát triển, đến nay đã hình thành mạng lưới khép kín. Trong số 167 km đường cấp tỉnh quản lý đã có 112 km (67,1%) được rải nhựa, chất lượng tốt, trong đó có 42 cầu đường với tổng chiều dài hơn 1.000 m. 72,1% số đường cấp huyện cũng đã được rải nhựa. Hàng nghìn km đường cấp xã quản lý và đường giao thông trong thôn xóm đã được bê tông hóa hoặc rải nền cứng. Nối hai bờ sông Đáy giữa khu vực thành phố Phủ Lý là 4 cây cầu bê tông vĩnh cửu. Các phương tiện giao thông cơ giới có thể đi lại thuận tiện dễ dàng đến hầu hết các xã, thôn trong tỉnh.
Năng lực vận chuyển hàng hóa của ngành giao thông vận tải tỉnh trong những năm gần đây đạt 1.333 nghìn tấn/năm, với khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt trên 55 triệu tấn/km. Hiện tại và trong giai đoạn tới, tỉnh đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch nâng cấp và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, đặc biệt là phát triển giao thông ở các xã miền núi để khai thác, phát triển kinh tế vùng Tây Đáy.
3. Hệ thống thủy lợi, thủy nông, cấp, thoát nước
Hệ thống thủy lợi, thủy nông đã căn bản đảm bảo chủ động tưới tiêu cho nông nghiệp và tiêu úng, thoát lũ, phòng tránh tác hại thiên tai cho nhân dân, các cơ sở kinh tế - xã hội trên địa bàn. Với sự đầu tư từ nguồn ngân sách của trung ương, của tỉnh, diện mạo và năng lực hệ thống công trình đê điều, thủy lợi của tỉnh đã đổi thay cơ bản. Trong năm 2013, toàn tỉnh đã tu bổ, nâng cấp công trình đê điều với khối lượng 25.161 m3 bê tông, 961.918 m3 đất đào đắp, 144.702 m3 đá hộc, đá răm, 74,7 tấn thép với tổng kinh phí thực hiện là 270 tỷ 140 triệu đồng. Công tác triển khai xây mới, cải tạo nâng cấp các công trình thủy lợi được thực hiện với tổng kinh phí 487 tỷ 238 triệu đồng. Vật tư dự trữ chống lụt, bão trên các tuyến đê chính của các huyện, thành phố đã đáp ứng được yêu cầu phòng, chống lụt bão.
Hệ thống cấp, thoát nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cũng đã và đang được quy hoạch phát triển, đảm bảo cấp, thoát nước cho các nhà máy xí nghiệp công nghiệp, các cơ sở thương mại, dịch vụ và các khu dân cư trên địa bàn. Hệ thống cấp nước sạch với công suất 25.000 m3/ngày. 97% số hộ dân ở thành phố Phủ Lý và hàng trăm nghìn hộ ở khu vực nông thôn (54%) đã có nước sạch dùng cho sinh hoạt.
Hiện nay và trong giai đoạn tới, hệ thống thủy lợi, thủy nông, cấp, thoát nước tiếp tục được nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa.
4. Mạng lưới truyền tải, phân phối điện
Được xây dựng, mở rộng đến hầu hết các thôn xã. Các hộ dân cư và cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan hành chính sự nghiệp ở thành phố Phủ Lý và các huyện đã được cung cấp và sử dụng điện lưới quốc gia. Công suất điện đủ tải, giờ cao điểm ít khi bị sụt áp. Giá điện sinh hoạt nông thôn ổn định. Năm 2013, sản lượng điện thương phẩm Công ty Điện lực Hà Nam thực hiện là 886,836 triệu kWh; giá bán bình quân đạt 1.369,1 đ/kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng là 8,93%. Công ty đã thực hiện việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn được 105 xã với 230.147 khách hàng, trong đó 223.258 công tơ 1 pha, 6.889 công tơ 3 pha.
Trong những năm tới, Hà Nam đang tiếp tục cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện đạt tiêu chuẩn quốc gia và xây dựng một số hệ thống, công trình mới đáp ứng nhu cầu điện cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh.
5. Chỉ tiêu kinh tế - xã hội viễn thông và thông tin liên lạc
Hiện tại, hạ tầng mạng lưới thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hiện đại, đồng bộ. Hệ thống cáp viễn thông đã được các doanh nghiệp triển khai đồng bộ với hạ tầng giao thông đô thị tại hầu hết các khu công nghiệp, khu dân cư. 100% các xã, phường, thị trấn, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông. 100% các xã trên địa bàn hoàn thành tiêu chí nông thôn mới về thông tin truyền thông.
Năm 2014, tổng số thuê bao điện thoại là 750.000; số máy điện thoại bình quân/100 dân 91,82; tổng số thuê bao ADSL là 41.000; số thuê bao ADSL/100 dân là 5,16; 880 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) 2G và 3G. 116 xã, phường, thị trấn, hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có đường truyền dẫn cáp đồng, cáp quang phục vụ phát triển thuê bao điện thoại cố định, di động, thuê bao Internet. Doanh thu dịch vụ ngành thông tin và truyền thông tăng trưởng bình quân 13%/năm. Hệ thống các quy hoạch ngành đã được hoàn thiện đang triển khai thực hiện. 95% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh và huyện ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành. Cổng Thông tin điện tử của tỉnh ngày càng được khai thác hiệu quả với 25 cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Cổng Thông tin điện tử của tỉnh cung cấp 1.462 thủ tục hành chính công với 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được liên kết, tích hợp trên môi trường mạng đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân./.
6. Cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực dịch vụ thương mại, tài chính, tín dụng, ngân hàng
Ngày càng mở rộng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao dịch và sử dụng các dịch vụ này của dân cư, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh. Tại các huyện, thành phố đã có mạng lưới chi nhánh của Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp… Một số nơi có các chi nhánh của các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng phục vụ người nghèo và các quỹ tín dụng nhân dân.
7. Mạng lưới giáo dục, y tế
Hà Nam là một trong những tỉnh có mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa và phúc lợi xã hội phát triển. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ ngành Y tế được bổ sung, đào tạo nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra; tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng theo cân nặng giảm còn 15,4%. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã duy trì được mức sinh thay thế, từng bước khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Chất lượng dân số được nâng lên, tỷ lệ các bà mẹ có thai được khám thai định kỳ và tiêm chủng là 100%. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ người sinh con thứ ba trở lên giảm 0,4%. Năm 2014 tỉnh đã khởi công xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai. Cơ sở 2 của 02 bệnh viện sẽ được xây dựng trên diện tích gần 21 ha/bệnh viện với khu điều trị mỗi bệnh viện là 1.000 giường bệnh. Kinh phí đầu tư gần 5.000 tỷ đồng/bệnh viện từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Dự kiến khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 2 năm 2016, khánh thành toàn bộ vào tháng 12 năm 2017.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 09 bệnh viện, 15 phòng khám khu vực và 116 trạm y tế xã/phường và hàng trăm cơ sở khám chữa bệnh đông y, khám chữa bệnh tư nhân, cơ sở, đại lý bán thuốc phục vụ chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tổng số y, bác sĩ hiện có gần 700 người. Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, không để dịch bệnh và vụ ngộ độc lớn xảy ra. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Công tác khám, chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư, nâng cấp đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Mạng lưới y tế cơ sở được tăng cường đầu tư, tạo điều kiện tốt hơn để người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế. Tình trạng sức khỏe của nhân dân được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ năm 2010 đến nay, chất lượng giáo dục phổ thông nói chung và giáo dục trung học nói riêng của tỉnh tiếp tục có những bước tiến vững chắc, nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng giáo dục cao của cả nước. Toàn tỉnh đã duy trì được 120 trường mầm non công lập và 74 nhóm trẻ tư thục; 271 trường phổ thông các cấp, với 4.468 lớp học. Phần lớn các trường tiểu học, trung học cơ sở và 100% số trường trung học phổ thông đã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố.
Các chỉ tiêu giáo dục toàn diện đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt trên 99%. Kết quả thi vào đại học, cao đẳng luôn xếp từ thứ 7 - 10 toàn quốc. Hà Nam là một trong 20 đơn vị có số lượng và chất lượng giải cao nhất trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, năm nào cũng có học sinh được triệu tập chọn đội tuyển dự thi quốc tế. Trong năm học 2013 - 2014, Hà Nam đạt 02 giải nhất, 09 giải nhì, 23 giải ba và 18 giải khuyến khích, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông; đạt 02 huy chương vàng, 05 huy chương bạc, 11 huy chương đồng và 23 giải khuyến khích trong cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia. Đặc biệt, năm học 2011 - 2012, lần đầu tiên kể từ khi tái lập tỉnh, Hà Nam đã có 01 học sinh đoạt huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương và huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế.
Cấp học mầm non cũng đã hoàn thành Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Toàn tỉnh tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS đạt được từ năm 2002. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được duy trì vững chắc và có bước phát triển. Năm 2013 tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 2. Hà Nam là một trong ít đơn vị của toàn quốc mạnh dạn triển khai dạy đại trà tiếng Anh theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) từ năm học 2011 - 2012. Để thực hiện chủ trương này, tỉnh đã rất quyết tâm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ. Tổng kinh phí mua trang thiết bị dạy ngoại ngữ từ năm 2011- 2013 là 48,7 tỷ đồng, năm 2014 ước đầu tư gần 10 tỷ đồng. Quy hoạch phát triển GD&ĐT Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã và đang được thực hiện, tạo nên động lực mới để sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh phát triển. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch hợp lý, hiệu quả hơn. Cấp tiểu học tiến hành sáp nhập, bảo đảm mỗi phường, xã, thị trấn chỉ còn một trường tiểu học. Cấp THCS thời gian tới sẽ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, hình thành hệ thống trường THCS chất lượng cao. Một bước tiến rất đáng chú ý nữa là Đề án Phát triển Trường THPT Chuyên Biên Hòa đang tích cực được triển khai đồng bộ. Nhà trường cũng chuẩn bị thí điểm dạy học song ngữ Việt - Anh đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên.
Hà Nam có Trường Đại học Hà Hoa Tiên; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam; Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình Trung ương I và một số trường trung học, cao đẳng chuyên nghiệp và dạy nghề: Y tế, Công nhân Bưu điện, Chế biến gỗ, Dạy nghề Nông công nghiệp vận tải, Kỹ thuật thực hành nông nghiệp, trường vừa học vừa làm nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chuyên môn kỹ thuật trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.