I. Điều kiện tự nhiên
Vị trí địa lý: Bình Lục nằm ở phía đông của tỉnh Hà Nam, giáp với tỉnh Nam Định, cách thành phố Nam Định 15 km theo trục quốc lộ 21A.
Đặc điểm địa hình: Nhìn chung địa hình huyện không bằng phẳng, có thể chia thành 3 vùng chính: vùng đất bãi ven sông Châu Giang có cốt đất từ +3m đến +3,2m; vùng đồng lúa có cốt đất từ +1m đến +1,9m; vùng trũng có cốt đất từ +0,7m đến +0,8 m.
Khí hậu: Nhiệt đới, gió mùa phân chia thành 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông.
II. Tài nguyên thiên nhiên
|
Đất nông nghiệp ở Bình Lục |
Tài nguyên đất: Bình Lục có tổng diện tích tự nhiên 15.552,31 ha, trong đó đất nông nghiệp 11.818,06 ha, chiếm 75,9%; đất chuyên dùng 2.162,2 ha, chiếm 13,92%; đất ở 881 ha, chiếm 5,66%; đất chưa sử dụng 690,98 ha, chiếm 4,4%...
Nguồn nước: Đây là vùng nước ngọt, có 2 nguồn nước là nước mặt và nước ngầm phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt.
III. Kết cấu hạ tầng
Cấp điện: Bình Lục có 114 trạm biến áp với tổng công suất 22.600 KVA; 92,71 km đường dây cao thế, 285,8 km đường dây hạ thế. Đến nay, 100% xã có điện và 100% hộ dân được sử dụng điện.
Câp nước: Huyện đã đáp ứng được nhu cầu nước phục vụ sản xuất ở cả 21 xã, thị trấn trên địa bàn. Toàn bộ thị trấn Bình Mỹ được cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt. Một số xã có nhà máy nước sạch như Tiêu Đồng, An Mỹ. Huyện có 157 trạm bơm với 287 máy, công suất 331.000 m3/h, có 75 cống tiệu lớn và nhiều cống nhỏ, hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất và phòng chống úng, bão, lụt.
Giao thông: Huyện có mạng lưới giao thông thuận lợi: phía nam có đường quốc lộ 21 nối Phủ Lý với Nam Định, phía bắc có tỉnh lộ 62, đường ĐT 976, phía đông có đường 56, đường tỉnh lộ ĐT 974 nối liền phía bắc, phía nam huyện và các huyện khác. Có đường sắt Bắc Nam chạy qua. Có hệ thống giao thông đường thủy trên sông Châu Giang, sông Sắt. Hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường trục xã, đường thôn, xóm chất lượng tốt, được rải nhựa và bê tông. Trên địa bàn huyện có đủ các loại phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Thông tin liên lạc: Hệ thống thông tin liên lạc của Bình Lục phát triển mạnh. Toàn huyện có 3.266 máy điện thoại, bình quân 2 máy/100 dân. Huyện có 21 bưu điện văn hóa xã, bắt đầu phát triển dịch vụ truy cập lnternet.
IV. Tiềm năng du lịch
Huyện có đền thở Nguyễn Khuyến, là một công trình văn hóa lớn đã được Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt dự án tôn tạo, nâng cấp. Đây là di tích lịch sử có thể thu hút được nhiều khách tham quan du lịch.
V. Nguồn nhân lực
Dân số của huyện tính đến tháng 6-2003 là 157.000 người, trong đó lao động nông nghiệp là 61.969 người, chiếm 69,1%; lao động trong ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 6.799 người, chiếm 7,5%; lao động trong ngành xây dựng 2.755 người, chiếm 3%; lao động trong ngành thương nghiệp, dịch vụ 3.761 người, chiếm 4,1%; lao động trong lĩnh vực quản lý nhà nước và hành chính sự nghiệp là 2.942 người, chiếm 3,28%...