Đền Lảnh Giang ở thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên thờ Tam vị Đại Vương thời Hùng Duệ Vương có công đánh Thục và thờ Tiên Dung. Một năm ở đây có hai kỳ lễ hội vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Kỳ hội tháng 6 diễn ra từ ngày 18 đến 25 dành, kỳ hội tháng 8 diễn ra vào ngày 20.
Ngày 18 tháng 6 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức chồng kiệu, kéo cờ than trước cửa đền, ngày 21 bắt đầu làm lễ cáo kỵ. Các ngày từ 22 đến 24 tháng 6 là ngày chính tế và rước kiệu Thánh xung quanh đền. Ngày 25 tháng 6 tổ chức lễ tạ và hạ cờ, đóng cửa đền. Ngày 25 tháng 8 âm lịch, đền Yên Từ (xã Mộc Bắc, Duy Tiên) thờ Ngọc Hoa công chúa rước kiệu về bái vọng. Ngoài các nghi lễ như tế lễ, rước thánh còn có phần hội hết sức phong phú như múa rồng, múa lân, chiếu chèo sân đền, hát chầu văn, võ vật, đấu cờ người, tổ tôm điếm, múa sư tử, thổi cơm trên quang gánh, chọi gà, đuổi vị dưới nước, đi cầu khỉ…
Lễ hội vào tháng 6 còn có trò bơi chải trên sông Hồng và lễ rước nước. Nước được lấy từ giữa sông Hồng đem về làm nước cúng và làm lễ tắm tượng của các đền trong khu di tích. Nghi thức lấy nước giữa dòng sông Hồng để thờ cúng và tắm tượng vừa biểu thị nguyện vọng cầu xin mưa thuận gió hòa, vừa thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của nhân dân ta. Căn cứ vào tục thờ, căn cứ vào vị trí của đền bên bờ sông, có thể nhận thấy rằng, các vị thần mà đền Lảnh Giang thờ tuy có tên tuổi sự tích nhưng kỳ thực là những vị thủy thần. Và cũng như các nơi thờ cúng thủy thần khác, tục thờ cúng thủy thần ở đền Lảnh Giang thể hiện hai mặt của đời sống tâm linh: khát khao được thần thiên nhiên chở che và ước muốn chế ngự được sức mạnh của thiên nhiên hung hãn đó.
Ngày nay, rất đông khách thập phương đến lễ và tham quan đền Lảnh cùng khu di tích ở đây. Có nhiều năm nước ngập, khách thập phương cùng nhân dân địa phương bơi thuyền ra đền dâng lễ và thực hiện các nghi thức đầy đủ để tỏ lòng tôn kính tam vị danh thần và Tiên Dung. Ngoài 2 kỳ hội chính, du khách gần xa vẫn tìm về đây cầu tài, cầu lộc. Phương ngôn có câu Trăm cảnh, nghìn cảnh không bằng bến Lảnh đền Mây là để nói đến sức hấp dẫn của một di tích mà vị trí, cảnh quan, sự tích và lễ hội đều đáp ứng nhu cầu tâm linh của người về hành lễ.