Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mặc dù đã giành được chính quyền nhưng trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài cộng với trăm nghìn khó khăn của đất nước nên việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng cách mạng càng trở thành yêu cầu cấp bách. Để phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền, tỉnh Hà Nam lúc đó ngoài Báo Xung Phong còn có một số tờ báo khác như “Quyết Chiến”, “Bó Đuốc”.
Với chủ trương nhanh chóng tập hợp lực lượng thanh niên vào tổ chức, đứng ra gánh vác công việc của chính quyền cách mạng, tờ báo của Thanh niên cứu quốc tỉnh do Tỉnh đoàn phụ trách lấy tên là “Xung Phong” và Nam Cao được mời làm chủ bút. Khi mới thành lập, trụ sở toà soạn đóng tại một gian nhà bỏ không ở Phủ Lý. Chủ bút Nam Cao được bố trí một chiếc bàn để làm việc, tiếp khách và một chiếc phản gỗ để nằm nghỉ. Không khí cách mạng sau Tổng khởi nghĩa đang dâng cao nên từ chủ bút đến nhân viên, cộng tác viên của báo không ai tính toán đòi hỏi thiệt hơn khi đảm nhận công việc. Chuyện kể rằng có lần Chủ nhiệm báo hỏi về tình hình sinh hoạt ăn ở của Chủ bút, Nam Cao thủng thẳng thưa: “Việc đoàn thể cũng như việc nước. Hoàn cảnh đất nước như nước sôi lửa bỏng thế này, ai cũng cần phải nỗ lực cố gắng, hy sinh…”. Là Chủ bút tờ “Xung Phong”, Nam Cao còn tham gia viết tin bài và hợp tác in ấn, phát hành với các tờ báo khác như: “Giữ nước”, “Cờ chiến thắng” - những tờ báo cách mạng của tỉnh được lập ra trong thời gian này để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia vào tổ chức chính quyền Việt Minh.
Giành chính quyền chưa được bao lâu thì kháng chiến bùng nổ, trụ sở toà soạn Báo Xung Phong được chuyển về vùng bán sơn địa Phù Thụy (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng). Mặc dù trong thời điểm ấy, cả toà soạn chỉ có mấy người, công nghệ in ấn cũng hết sức thô sơ (báo in thạch rồi in ty-pô quay tay) nhưng tờ Xung Phong đã duy trì xuất bản đều kỳ, gây được tiếng nói tích cực trong giới trẻ lúc đó. Sau thời gian này, theo yêu cầu của tổ chức, Nam Cao chuyển sang làm chủ bút tờ “Cờ chiến thắng” rồi lên Việt Bắc.
Tại chiến khu, Nam Cao cùng với nhà văn Tô Hoài phụ trách tờ “Cứu quốc Việt Bắc” cho các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và phụ trách luôn lớp huấn luyện chính trị của địa phương. Ông đến nhiều bản làng, nhiều vùng dân tộc của chiến khu Việt Bắc để tìm hiểu kỹ phong tục tập quán của đồng bào rồi từ đó vận dụng cách viết tuyên truyền đường lối của Chính phủ. Để phù hợp với đặc thù của vùng miền núi phía Bắc, Báo Cứu quốc Việt Bắc phải in bằng cả tiếng Việt và tiếng Tày. Là chủ bút, Nam Cao viết đủ các thể loại tin, bài, chuyên mục. Để đảm bảo tính hiệu quả của từng bài báo, mỗi lần viết xong, ông lại đọc cho anh liên lạc người dân tộc Thổ nghe, chỗ nào nghe nói không hiểu, không rõ thì viết lại. Nam Cao làm cả ca dao, văn vần rồi nhờ nhà thơ Nông Quốc Chấn dịch sang tiếng Tày để số đông đồng bào chiến khu đọc được, nghe được và hiểu được. Năm 1948, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông dương.
Năm 1950, khi học trong Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (đóng tại Bắc Cạn), Nam Cao lại tiếp tục được Ban giám hiệu tin tưởng phân công là chủ bút tờ báo liếp của trường. Theo lời kể của Nhạc sỹ Phong Nhã (lúc đó cũng theo học tại trường), do là chủ bút nên Nam Cao thường xuyên phải chủ động giao tiếp với học sinh trong trường để đặt bài và gợi ý cho nhiều người tham gia viết. Trong thời gian học tại trường, Nam Cao và bạn bè cùng khoá được Hồ Chủ tịch và các cán bộ cao cấp của Đảng trực tiếp giảng dạy.
Sau khi khoá học kết thúc, ông được phân công về khu IV làm công tác thông tin tuyên truyền về thuế nông nghiệp. Ngày 30/11/1951, trên đường đi công tác, ông đã hy sinh tại cánh đồng Mưỡu Giáp (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Kể từ khi ông ngã xuống, những tác phẩm và những đóng góp của nhà văn, liệt sỹ Nam Cao trên cả hai lĩnh vực văn học và báo chí vẫn luôn được bạn bè và độc giả xa gần trừu mến đón nhận và ngưỡng mộ. Nhiều thế hệ các nhà báo quê hương Hà Nam rất mong muốn có một giải báo chí mang tên Giải báo chí Nam Cao để tiếp tục tôn vinh tên tuổi cũng như những đóng góp của ông cho nền báo chí cách mạng và cũng là để động viên các thế hệ nhà báo hôm nay vươn tới những thành công trong nghề báo./.