Đình Văn Xá thuộc thôn Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, một ngôi đình có niên đại sớm nhất ở Hà Nam còn lại đến nay và cũng được xếp hạng sớm nhất từ năm 1962. Đình quay hướng chính Nam đúng trục của trời đất (Bắc - Nam, Đông - Tây), toạ lạc trên một khu đất cao ở giữa làng, không gian thoáng đãng. Xưa kia đây là khu rừng rậm, cây cối um tùm. Trước đình là hồ nước có diện tích 9800m vuông, ao đình và đặc biệt hai bên đầu Đông, Tây đại đình có hai giếng nhỏ là hai mắt rồng, trong đó có giếng phía tây là “giếng thiêng” gắn liền với truyền thuyết về nhân vật thờ ở địa phương.
Miếu thiêng có giếng thông thư
Quả bòng cẩn kín tin đưa đi về…
Sông Hồng, sông Long Xuyên, sông Châu chảy qua đất Lý Nhân, nhìn trên bản đồ bao bốn mặt ngôi đình như là tứ giác nước mà đình Văn Xá là não thuỷ.
Đình Văn Xá thờ 4 vị thần: Thánh phụ hiệu: Cao Minh linh thuý huý là Cao Văn Phúc, Thánh mẫu huý là Từ Văn Lang, Cao Minh linh ứng huý là Câu Mang huynh và Cao Minh linh nghiệm huý là Câu Mang đệ.
Thánh phụ nguyên phát tích ở xã Văn Lâm (Thanh Liêm) vào thời vua Lý Thái Tổ (1010-1028), tính tình khoan dung, độ lượng song nhà nghèo khổ sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, mò cua, bắt cá. Thánh mẫu quê ở xã Văn Xá (Lý Nhân) đức hạnh thuần hoà, nhà nghèo quanh năm mò cua, bắt ốc sinh nhai. Hai người gặp nhau cùng chung cảnh ngộ nên duyên vợ chồng, một mối tình đẹp của bao đôi lứa người Việt. Khi trời đất giáng hoạ dịch bệnh hoành hành không người cứu giúp, Thánh phụ, Thánh mẫu đã hiển ứng gọi gió, mây mưa làm thuốc cứu dân. Thánh mẫu còn giúp triều đình vua Lê Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) dẹp loạn cướp bóc cho quốc thái dân an. Khi các vị hoá, triều đình ban sắc phong, dân xã lập đền miếu phụng thờ để ghi nhớ ơn đức với dân với nước.
Dọc hai bờ sông Châu và sông Long Xuyên (con sông cổ của huyện Lý Nhân) có nhiều di tích thờ Câu Mang thuỷ thần như Mạc Hạ (Công Lý), đình Tróc Nội (Nhân Đạo), Phú Khê (Bắc Lý), Vạn Thọ (Nhân Bình), Thượng Nông, Hạ Nông (Nhân Nghĩa). Song thuỷ thần Câu Mang ở những di tích đó đều sinh ở thời Hùng Vương do người mẹ đi tắm, giao long quấn vào người từ đó mang thai. Vua sai ngài đi trị thuỷ, đi đến đâu viết thư bắn xuống thuỷ cung tức thì nước rút hết. Ngài còn có công cùng Tản Viên Sơn Thánh đánh tan quân xâm lấn bằng hai đường thuỷ bộ, được phong là Cao Mang Đại Vương Thượng đẳng phúc thần. Truyền thuyết về hai vị Thuỷ Thần được thờ ở đình Văn Xá hoàn toàn khác, Thánh phụ, Thánh mẫu đi kiếm ăn trên sông Trung Hà thuộc đất An Bài (Bình Lục) vớt được hai quả trứng trắng nổi trên mặt nước giữa sông mang về nhà nấu không chín đập không vỡ. Một trăm ngày sau nở ra một đôi Bạch Xà trên đầu có chữ Vương, dưới bụng có chữ Câu Mang huynh và chữ Câu Mang đệ. Hình ảnh quả trứng này có ý nghĩa triết lý sâu sắc. Phải chăng là quả trứng tiên thiên thái cực vô sinh vô diệt, vô nguồn sinh ra muôn loài. Nó lại làm ta liên tưởng đến việc sinh trăm trứng của bà Âu Cơ. Khi nước sông dâng to, đê vỡ, các vị đã hiện về, đầu gối bên này, đuôi chạm bên kia nằm chặn ngang dòng nước chảy, Trấn quan coi đê cùng dân làng thừa kịp hộ đê. Đó là một hành động kỳ vỹ, biểu hiện ước mơ làm những việc phi thường của người dân lao động xưa.
Mặc dù hệ thống cột đồng trụ, hai cổng phụ, bình phong, tường bao mới được xây dựng những năm gần đây và hậu cung ba gian dài 11m, rộng 5m xây dựng bít đốc dập cấp, thức kiến trúc chồng rường, bẩy tiền, kẻ hậu…được dựng thêm vào thời Nguyễn về sau tạo thành bố cục mặt bằng hình chữ Nhị, song những công trình đó vẫn hài hoà với kiến trúc cổ của toà đại đình. Ban đầu đình Văn Xá chỉ có một toà Đại đình cò được thờ bằng sàn gỗ? Dấu tích còn lại là những lỗ mộng ở hai cột cái phía trong gian giữa.
Toà đại đình đình Văn Xá là một công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô lớn, bảo tồn được những yếu tố nguyên gốc về kiến trúc, điêu khắc, đồ thờ cổ thư đậm đà phong cách đầu thế kỷ XVII.
Đại đình có chiều dài 21m, lòng rộng 8,8m, ba gian hai chái bốn mái cong, lợp ngói nam. Trải qua nhiều đợt trùng tu với nhiều loại ngói khác nhau song toàn bộ mái trước đình vẫn giữ được loại ngói mũi hài độc đáo, mỗi viên có chiều dài 40cm, rộng 29cm, có viên nặng từ 9 đến 11kg. Mũi ngói trang trí hoa cúc cách điệu cùng văn xoắn, đao mác. Có lẽ duy nhất đình Văn Xá có loại ngói này.
Hãy hình dung mấy trăm năm trước đồng nước mênh mông thì đình Văn Xá lật ngược lại giống như một con thuyền to lớn vững chãi uy nghi và rất đẹp bồng bềnh vừa thách thức lại vừa bay bổng. Tỷ lệ vàng giữa thân và mái: thân 1/3, mái 2/3 là tỷ lệ của người Việt cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Hiện nay trên cả nước rất ít những ngôi đình cùng niên đại còn giữ được tỷ lệ này như đình Văn Xá. Tiếp giáp giữa sân, qua hiên vào gian giữa (gian của thần) tới gian thờ được lát bằng đá tấm, đình Văn Xá còn lưu giữ được. Để thông ân dương nền của đình, đền, chùa ngày xưa phổ biến là nền đất đầm kỹ. Song hình Văn Xá xử lý theo cách riêng như đã nêu. Đá - sản phẩm của tự nhiên người xưa cho là sản phẩm của vũ trụ, trường tồn qua thời gian, dù rằng có câu: “nước chảy đá mòn” mang ý nghĩa khác hẳn. Đây cũng là một nét độc đáo nữa của đình Văn Xá. Bộ khung chịu lực của toà đại đình bằng gỗ lim già có 6 vì, mỗi vì có 4 hàng chân cột đều được kê trên chân tảng đá xanh vuông 1,2m, mặt nổi gương tròn, xung quanh tạo thành cánh xen cách điệu. Cột cái có chu vi 2,5m, cao 4,m. Cột chân có chu vi 1,25 cao 2,7m. Bốn cột góc cao 3,3m. Bộ khung ấy thấp khoẻ, cột đúng nghĩa “to như cột đình” bám chặt vào đất tảng nền của cư dân nông nghiệp luôn khao khát mở rộng đất đai. Không chỉ có thế, đất đình Văn Xá tuy không còn rộng như xưa nhưng nay vẫn còn bao quanh hai bên phía sau đình. Với người Việt xưa quá trình mở đất là ở phương nào có thể và chỉ dừng lại trước biển cả. Đình Văn Xá ánh xạ lịch sử là ở chỗ đó.
Thức kiến trúc cả bốn vì (gian giữa và hai gian bên) theo kiểu “giả” giá chiêng, chồng rường, mê cốn, kẻ, đầu kẻ “giả bẩy”. Hai vì trái kết cấu hài hoà giữa các hạng mục: trụ cái (cột trốn) câu đầu, kẻ góc, xà đùi, xà nách cùng 4 hàng con rường đỡ hành mái.
Vì nóc đình Văn Xá thể hiện lối giả giá chiêng, hai bên chồng rường. Đặc biệt, đội thượng lương là chiếc đấu hình thuyền cong ngồi trên lưng con rường bụng lợn. Đứng trên đấu thắt đáy có những hàng trụ trống cột, hai bên là hai ván bưng nhỏ. Từ thân cột sang hai bên là hai con rường cụt, một đầu ăn mộng cột trốn, một đầu ăn mộng vào mái đỡ hoành. Câu đầu khá lớn, to mập, hai bên bào soi vỏ măng, nằm ngay trên một đỉnh đấu vuông thắt đáy trên đầu cột trái. Đuôi kẻ ăn mộng én vuông vào đầu cột cái nối qua đầu cột quân nhô ra ngoài (giả bẩy) đỡ mái hiên. Trên lưng kẻ là ván dong đỡ hoành. Đặc biệt ở 4 vì góc hai gian chái, mỗi gian có hai kẻ góc (kèo cổ ngỗng, kèo moi). Thường những năm về sau người ta cắt đi ở phần cột trốn, không đẩy lên thượng lương.
Chạm khắc trên kiến trúc được thể hiện ở hầu hết các cấu kiện (cả mặt trong lẫn mặt ngoài) với kỹ thuật trạm nổi kênh bong với nhiều đề tài khác nhau thể hiện bàn tay điêu luyện của các hiệp thợ, các nghệ nhân dân gian xưa. Mặt ngoài vì nóc gian giữa chạm nổi các hình văn xoắn lớn như ước vọng cho sấm chớp mây mưa để cầy cấy, mùa màng bội thu. Kế thừa và gìn giữ thức kiến trúc giữa thời Trần với thời Mạc, cột trốn mang hình thức đấu còn rất nhỏ, lá đề ở trung tâm. Trên mặt lá đề là hình tượng trang trí thống nhất một đề tài. Cột trốn như bị ẩn đi, bằng nghệ thuật chạm khắc từ thân cột trên sang hai bên là hai con rường cụt. Đường diềm kết hợp ở nhiều thân gỗ con rường.
Trên các bộ vì nóc, đề tài rồng chầu khá phổ biến, nhưng dưới nhiều hình thức khác nhau: rồng chầu lá đề, hoa cúc cách điệu, chầu thú. Kẻ ở các vì hơi cong có đường kính lớn tới 47cm được trạm hình rồng dữ tợn. Thân rồng được nhấn tỉa những đao nhọn. Đầu rồng vuốt ngược về phía sau như đang chuyển động. Phía sau là hình con ly đang nhảy múa. Thân kẻ trạm lá hoả, đường soi ống tơ mềm mại. Các cốn ở chái trạm khắc nền rồng đa dạng, điểm xuyết các bông cúc mãn khai cách điệu, lá lật, lá hoả, vân xoắn cầu kỳ tinh xảo.
Câu đầu ở các vì khá lớn, cân xứng hài hoà với cột cái. Lòng câu đầu trạm nổi hai hình dạng lá sòi kết hợp vân xoắn, hoa cúc cách điệu. Giữa câu đầu gắn ô vuông chém góc hình cánh sen. Ô vuông chém góc là sản phẩm của thế kỷ XVII, không phải là tư duy nông nghiệp mà là tư duy của kinh tế thương mại. Hiện tượng này gợi ý ở vùng này có dòng họ gắn với kinh tế thương thuyền. Ở các di tích dưới câu đầu gian giữa là đầu dư tạo hình đầu rồng, ở đình Văn Xá đầu dư được thay thế bằng ghé tạo hình ghê lấy vai gánh đỡ câu đầu, đây là điểm độc đáo ít gặp. Ở con rường thứ 3, mặt trong hai vì gian giữa chạm mỗi bên một con lân ở phía trên nhang án, mặt ngoảnh ra ngoài vẻ xét nét hàm ý kiểm tra tư cách và nội tâm của người vào lễ thánh. Ở mặt trong xà đùi hai gian chái và mặt ngoài đầu kẻ hiên ngang bên phải có bức trạm trúc hoá long điều này cũng khá quen thuộc, nhưng bất ngờ ở đây là trúc lại có hoa một điều chưa bao giờ có, vô lý nhưng lại có lý ở lối nhìn siêu thực với cảm quan và tâm lý người Việt xưa mong muốn điều khác thường tốt lành xảy ra, khao khát sinh sôi nảy nở những người tài giỏi ra giúp nước yên dân.
Hai gian trái đại đình, mỗi gian có hai kẻ góc. Một chiếc hình đầu rồng thân thu nhỏ về phía đuôi. Chiếc bên chạm hình đầu phượng, con thú nhỏ đang nô đùa. Hai chiếc kẻ chạy suốt từ thượng qua cột trốn xuống cột góc ra đầu góc đao lớn. Gánh đỡ góc đao trước và sau đầu hồi phía tây đình là hai con hổ với tư thế khác nhau một con trong tư thế ngồi chầu. Một con trong tư thế hai chân trước nắm bắt một con thú. Đây cũng là một nét độc đáo của đình Văn Xá. Có ý kiến cho rằng đó là do hai hiệp thợ, vì góc đao hồi phía tây chỉ để con guột nở xoè trực tiếp gối lên trụ tường. Lại có ý kiến: Theo truyền thuyết sau đại đình ngày xưa có một khu vườn rậm rạp cây cối um tùm như rừng. Một hôm có hai con hổ về ngồi chầu hai bên từ đó dân làng gọi là :“vườn Chầu”. Vì vậy các hiệp thợ chạm khắc hình hai con hổ gánh đỡ đầu đao để ghi lại điển tích. Dân làng còn làm hình tượng hai con hổ nằm phủ phục trong cũi gỗ để thờ hai bên chầu vào hậu cung và rước trong kỳ lễ hội “Đồng Văn” với xã Văn Lâm (Thanh Liêm).
Đình Văn xá là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu độc đáo còn lưu giữ nhiều đồ thờ cổ thư quý hiếm mang phong các thời Mạc, hậu Lê hương án, long ngai, kiệu song loan, chúc văn, sập thờ…
Hiện vật sớm nhất là chiếc mâm gỗ đựng hoa quả hình bát giác sơn son thếp vàng được trạm khắc nhiều đề tài rồng chầu hoa cúc, rồng dáng, cánh sen dẹo mang giá trị trạm khắc thời Mạc (cuối thế kỷ 16). Mâm bày lễ vật dâng thần linh hàm chứa ý nghĩa dịch học (bát giác = bát quái).
Trong Hậu cung đình có một nhang án nhỏ dại 1,2m cao 0,6m được trạm hoa văn dày đặc trong các ô hộc. Các đường phân chia nổi khối thể hiện những khúc rồng. Trên xà đấu tại đôi rồng chầu hoa cúc, cuốn xung quanh xà, thân rồng rất dài đặc biệt rồng chạm nằm ngang nhìn thẳng chính trung tâm. Hiện tượng này xuất hiện từ trước, đặc biệt vào thời Lê sơ.
Sau ngày phổ biến trong trang trí kiến trúc và hiện vật ở kinh đô Phú Xuân thời Nguyễn ở Huế.
Cỗ kiệu song loan độc đáo, bành kiệu trạm nổi phù điêu đầu phượng. Thân kiệu trạm khúc hoá long, đuôi kiệu trạm hình đuôi Phượng, dáng đao bay về phía sau. Trên Long đình mặt trước và sau có hai bức trạm thông phong. Một mặt là hình Lưỡng Long chầu nguyệt, một mặt là hai con phượng chầu chữ thọ.
Đình Văn Xá ẩn chứa nhiều tín hiệu cần được đọc và giải mã từ Thành hoàng đến vị trí, không gian, kiến trúc, điêu khắc…Trên các góc độ lịch sử, xã hội, tín ngưỡng, mỹ thuật… Bài viết này chỉ giám nói đôi điều sơ khởi và thô thiển trên hành học hỏi, hiểu hành về một trường hợp cụ thể trong kho tàng văn hoa dân tộc.