I. THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH
1. Những thành tựu của ngành Xây dựng trong các năm qua
Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, ngày 01/01/1997 tỉnh Hà Nam đã được tái lập sau 32 năm hợp nhất. Bắt tay vào xây dựng tỉnh nhà mới tái lập, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn chung cơ bản nhất là: Cơ sở vật chất kỹ thuật của tỉnh còn nghèo nàn, thị xã Phủ Lý (trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của tỉnh) trong một thời gian dài từ sau ngày đất nước thống nhất chưa được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, điều kiện và phương tiện làm việc rất thiếu thốn, bên cạnh đó là đội ngũ cán bộ bị thiếu hụt và trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ.
Trước những nhiệm vụ vừa to lớn vừa cấp bách được Tỉnh uỷ và UBND tỉnh giao cho, Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nam đã sớm đề ra những chủ trương, định hướng lớn của ngành và các giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Vừa nhanh chóng hình thành bộ máy quản lý ngành, vừa tích cực tham mưu giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh với tư cách là thành viên Ban chỉ đạo bố trí địa điểm làm việc, chỉ trong một thời gian ngắn, Sở Xây dựng đã cùng các ngành liên quan và UBND thị xã Phủ Lý tham mưu giúp UBND tỉnh bố trí xong địa điểm làm việc và xây dựng trụ sở tạm cho các cơ quan của tỉnh chuyển về.
Một trong những nhiệm vụ nặng nề và cấp bách ở những ngày đầu tách tỉnh là lập đồ án quy hoạch chung thị xã Phủ Lý để làm căn cứ cho việc chỉ đạo và quản lý đầu tư xây dựng thị xã Phủ Lý xứng đáng là trung tâm chính trị văn hoá - xã hội của tỉnh. Được sự chỉ đạo sâu sát của Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Bộ Xây dựng, chỉ trong vòng 6 tháng đồ án quy hoạch chung xây dựng thị xã Phủ Lý đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt.
Trong suốt những năm qua hoà chung với khí thế thi đua xây dựng tỉnh mới của quân và dân tỉnh nhà, quán triệt và thực hiện kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của các cấp lãnh đạo tỉnh và Bộ Xây dựng, ngành Xây dựng Hà Nam đã không ngừng đổi mới, phát huy truyền thống tự chủ sáng tạo, cần cù trong lao động đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn thử thách và không ngừng phát triển, trưởng thành đó là:
a) Về xây dựng
Lực lượng tư vấn, thiết kế xây dựng từ những ngày đầu mới thành lập còn nhỏ bé đến nay đã có sự phát triển liên tục, đã thiết kế được nhiều công trình có ý nghĩa lớn về văn hoá, kiến trúc và giá trị kinh tế.
Các doanh nghiệp xây lắp đã phát huy được truyền thống vốn có, tiếp tục trụ vững và phát triển cùng với nhiều loại hình doanh nghiệp xây lắp thuộc các thành phần kinh tế khác ra đời đã tạo lập được các tiền đề vật chất quan trọng trong cạnh tranh thi công xây lắp trong cơ chế thị trường. Lực lượng xây lắp của tỉnh nhà đã có đủ năng lực để thi công những công trình có quy mô lớn, có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng cao.
b) Về vật liệu xây dựng
Ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh, ngày 02/01/1997 Tỉnh uỷ lâm thời Hà Nam đã ra Nghị quyết số 01/NQ-TU nhằm đưa công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Quán triệt và thực hiện tinh thần Nghị quyết trên, năm 1998 Sở Xây dựng đã tổ chức lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch Phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam đến năm 2000 và định hướng đến năm 2010, đã tích cực và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dây chuyền 1 Công ty xi măng Bút Sơn sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động, nhanh chóng đạt và vượt công suất thiết kế. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.
Nhiều đơn vị đã tập trung đầu tư dây chuyền mới công nghệ tiên tiến thay thế công nghệ cũ lạc hậu như: Công ty Đá vôi Kiện Khê (nay là Công ty Cổ phần đá vôi Hà Nam), Công ty Xi măng X77, Công ty Xi măng Nội Thương, Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Khả Phong, Kim Bảng, Công ty Xi măng Kiện Khê…
Năm 2005, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được điều chỉnh theo hướng mở, trong đó coi phát triển công nghiệp xi măng giữ vai trò chủ lực.
Năm 2006, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVII và Chương trình hành động của UBND tỉnh, Sở đã tổ chức xây dựng và triển khai làm đầu mối thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp xi măng tỉnh Hà Nam đến năm 2010” với mục tiêu thu hút đầu tư các dự án sản xuất xi măng vào địa bàn tỉnh đến năm 2010 đạt tổng công suất thiết kế từ 8 đến 10 triệu tấn Xi măng/năm (tăng gấp 5 lần so với năm 2006). Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, đến nay đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của Đề án: đã có thêm 6 dự án xi măng được Bộ Xây dựng chấp thuận và đang triển khai đầu tư gồm: Xi măng Hoà Phát (1 triệu tấn XM/năm), Xi măng VINASHIN (1 triệu tấn XM/năm), Xi măng CAVICO-PHI (2 triệu tấn XM/năm), Xi măng Tràng An Hà Nam (0,7 triệu tấn XM/năm, Xi măng Xuân Thành (1 triệu tấn XM/năm) và xi măng Tân Tạo (1 triệu tấn XM/năm). Ngành vật liệu xây dựng Hà Nam hiện nay đã có những tiền đề để phát triển, các cơ sở sản xuất đã được đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại nên đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp và đa dạng có khả năng chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh.
c) Về công tác quy hoạch và phát triển đô thị
Thị xã Phủ Lý đã được tập trung phát triển xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của tỉnh. Tháng 6 năm 1997, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chung thị xã Phủ Lý đến năm 2020 với quy mô đất đai là 1.585 ha. Năm 2003, quy hoạch chung xây dựng thị xã Phủ Lý đã được điều chỉnh với quy mô đất đai là 3.424 ha. Năm 2006 thị xã Phủ Lý được công nhận là đô thị loại III và hiện nay đang triển khai lập Điều chỉnh quy hoạch chung, mở rộng địa giới hành chính với quy mô đất đai là: 4.413,5 ha, thành lập thêm 7 phường và 1 xã mới, mở rộng khu vực nội thành từ 723, 8 ha lên 1.960, 7 ha và đã được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.
Hoàn thành quy hoạch hệ thống mạng lưới các khu đô thị; điều chỉnh quy hoạch chung của 6 thị trấn trên địa bàn tỉnh gồm: Đồng Văn, Hoà Mạc, Vĩnh Trụ, Quế, Bình Mỹ và Kiện Khê. Lập quy hoạch chung xây dựng chuỗi đô thị Đồng Văn - Hoà Mạc - Yên Lệnh dọc theo Quốc lộ 38 với tính chất công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Đã có 8 nhà đầu tư kinh doanh các khu đô thị mới (1 khu tại thị trấn Đồng Văn và 7 khu tại thị xã Phủ Lý).
Hoàn thành lập quy hoạch 8 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.680 ha, bao gồm: khu công nghiệp Đồng Văn I: 137,84 ha, khu công nghiệp Đồng Văn II: 362,16 ha, khu công nghiệp dịch vụ Đồng Văn III: 600 ha, khu công nghiệp Hoà Mạc: 200 ha, khu công nghiệp Tiên Ngoại – Châu Giang: 480 ha, Khu công nghiệp Liêm Cần: 200 ha, khu công ngiệp - đô thị – dịch vụ Thanh Liêm: 1.300 ha, khu công nghiệp Châu Sơn: 400 ha. Quy hoạch 16 cụm CN – TTCN với quy mô 297 ha và quy hoạch 5 cụm TTCN làng nghề với quy mô 30 ha.
Hiện nay đã lập xong Đề án quy hoạch định hướng sử dụng đất khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ tỉnh Hà Nam giai đoạn 2008-2015, tầm nhìn đến năm 2020, trong đó sẽ hình thành 16 khu công nghiệp với quy mô 8.600 ha (trong đó đất công nghiệp chiếm 4520 ha, đất đô thị, dịch vụ chiếm 4080 ha), hình thành 8 khu đô thị, dịch vụ với quy mô sử dụng đất là 4295 ha.
Chỉ đạo thiết kế điểm quy hoạch cho 8 xã của 5 huyện: Đồng Hoá (Kim Bảng), Bình Nghĩa, Mỹ Thọ (Bình Lục), Nhân Mỹ (Lý Nhân), Yên Nam, Tiên Tân (Duy Tiên), Thanh Hương, Thanh Nghị (Thanh Liêm). Đồng thời đã phối hợp với các huyện, thị chỉ đạo công tác lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch các điểm dân cư nông thôn của các xã, phấn đấu trong năm 2008 hoàn thành lập quy hoạch cho toàn bộ các xã trên địa bàn tỉnh.
Công tác lập và quản lý xây dựng theo quy hoạch trong những năm qua đã có bước tiến bộ rõ rệt ở địa bàn thị xã Phủ Lý và các trung tâm huyện. Bộ mặt kiến trúc đô thị được cải thiện, nhiều đường phố đẹp đã xuất hiện trong các đô thị, đặc biệt trên địa bàn thị xã Phủ Lý.
d) Lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
- Về giao thông:
Đã hoàn thành cải tạo cầu Phù Vân, xây dựng mới cầu Phủ Lý và cầu Ba Đa đưa vào sử dụng.
Nhiều tuyến đường mới khang trang của thị xã Phủ Lý đã được xây dựng và tu bổ như các tuyến đường: Biên Hoà, Đinh Công Tráng, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, Nguyễn Viết Xuân, Lê Công Thanh, Trần Hưng Đạo…
- Cấp nước:
Đã hoàn thành dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Nhà máy nước số 1 đưa công suất lên 10.000m3/ngày đêm, dự án Nhà máy nước số 2 công suất 15.000 m3 /ngày đêm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nước của đô thị và các khu cụm công nghiệp.
- Thoát nước:
Đã lập dự án thoát nước thị xã Phủ Lý giai đoạn II trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trên cơ sở dự án thoát nước đã được phê duyệt, triển khai xây dựng hệ thống thoát nước khu nhà ở Tân Khai - Quy Lưu, khu Bảo Thôn, khu bắc Châu Sơn I, cải tạo hệ thống thoát nước đường Biên Hoà, Nguyễn Văn Trỗi, nâng cấp hồ trạm bơm Mễ, xây dựng tuyến cống thoát nước đường Lý Thái Tổ, Trường Chinh, Lê Công Thanh, đường bắc truyền hình, đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng thị xã trong mùa mưa bão.
- Cấp điện:
Đã xây dựng Đề án Quy hoạch, cải tạo phát triển mạng lưới điện thị xã. Tiến hành xây dựng trên 5 km đường điện chiếu sáng bằng đèn cao áp dọc quốc lộ 1A, 21A, đường Lý Thái Tổ, đường Trường Chinh và 1 số tuyến đường chính của thành phố Phủ Lý.
Đang từng bước cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện thành phố Phủ Lý, đảm bảo theo tiêu chuẩn.
e) Về lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng
- Tham mưu giúp UBND tỉnh soạn thảo và ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm tăng cường chỉ đạo công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.
- Tổ chức phổ biến, soạn thảo và ban hành các văn bản pháp quy, triển khai kịp thời các văn bản quản lý đầu tư và xây dựng của Nhà nước và của Bộ Xây dựng ban hành.
- Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn thường xuyên các địa phương, chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong quản lý đầu tư và xây dựng.
- Trong những năm qua Sở Xây dựng Hà Nam đã tổ chức thẩm định 1.733 hồ sơ thết kế kỹ thuật và dự toán công trình với tổng số vốn đầu tư theo dự toán lập là 1475, 3 tỷ đồng, cắt giảm các chi phí không hợp lý tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 64, 7 tỷ đồng.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tốt công tác đấu thầu theo đúng quy chế và quy định của tỉnh.
- Hàng tháng, quý phối hợp với Sở Tài chính xây dựng và ban hành kịp thời bảng giá vật liệu xây dựng phục vụ cho việc lập dự toán và thanh quyết toán công trình xây dựng.
f) Về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Sở đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn tới các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, doanh nghiệp thi công công tác đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo các Quyết định và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
- Thống nhất công tác nghiệm thu: trước khi tiến hành nghiệm thu giai đoạn, nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng, cơ quan quản lý chất lượng (theo phân cấp) tiến hành kiểm tra các thủ tục pháp lý có liên quan trước khi chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu.
- Tổ chức thực hiện tốt quy trình quản lý chất lượng công trình xây dựng, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo chất lượng, không có sự cố lớn như lún, sụt, sập, đổ.
- Thực hiện kiểm tra đột xuất, định kỳ, kết hợp với thanh tra ngành kiểm tra các hoạt động đầu tư và xây dựng các công trình có quy mô lớn, công trình trọng điểm.
g) Về công tác phát triển lực lượng
Trong quá trình hình thành bộ máy quản lý của ngành, Sở Xây dựng Hà Nam đã luôn luôn coi trọng công tác tuyển dụng đội ngũ cán bộ quản lý có đủ phẩm chất, đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ, thường xuyên chú trọng việc cử cán bộ đi học để nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức các đoàn đi tham quan, nghiên cứu học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước nhằm không ngừng nâng cao năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển ngành.
Đến nay nhiều cán bộ chủ chốt trong ngành đã có 2 bằng đại học, có trình độ cao học và cử nhân chính trị.
2. Thông tin, văn bản định hướng về phát triển và quy hoạch
Thực hiện Chương trình công tác toàn khoá của BCH Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động số 167/CTr - UBND ngày 27/02/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam; thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVII, Sở Xây dựng Hà Nam được giao nhiệm vụ tổ chức khảo sát, xây dựng và triển khai thực hiện 2 đề án gồm:
- Đề án Quy hoạch và quản lý các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
- Đề án Phát triển công nghiệp xi măng tỉnh Hà Nam đến năm 2010.
a) Về Đề án Quy hoạch và quản lý các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam:
- Ngày 28/02/2007, UBND tỉnh ra Quyết định số 281/QĐ - UBND phê duyệt Đề án trên.
- Sở đã xây dựng Kế hoạch số 131/KH - SXD ngày 20/3/2007 để tổ chức thực hiện Đề án.
- Tổ chức hội nghị tại 5 huyện phổ biến tài liệu tập huấn Quy hoạch xây dựng mạng lưới, điểm dân cư nông thôn, nội dung lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn cho cán bộ chủ chốt các huyện, xã trong toàn tỉnh để triển khai thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh giao.
- Đôn đốc các huyện triển khai công tác lập quy hoạch cho 45 xã theo kế hoạch năm 2007 và 40 xã còn lại theo kế hoạch năm 2008.
b) Về Đề án Phát triển công nghiệp xi măng tỉnh Hà Nam đến năm 2010
- Ngày 28/02/2007, UBND tỉnh ra Quyết định số 280/QĐ - UBND phê duyệt Đề án trên.
- Sở đã xây dựng Kế hoạch số 130/KH - SXD ngày 20/3/2007 để tổ chức thực hiện Đề án.
- Báo cáo và đề nghị Bộ Xây dựng chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 cho 6 dự án như đã nêu trên.
3. Tình hình thẩm định các dự án quy hoạch xây dựng
Trong 6 tháng đầu năm 2008 đã thẩm định 12 dự án, trong đó có một số dự án lớn như:
- Lập Quy hoạch định hướng sử dụng đất khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ tỉnh Hà Nam.
- Thẩm định Quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn cho 3 xã điểm ở 3 huyện Thanh Liêm, Duy Tiên, Bình Lục.
- Thẩm định Quy hoạch thị trấn Ba Sao.
- Thẩm định nhiệm vụ khu công nghiệp I và khu đô thị TAHAN Tân Tạo.
- Thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch cụm tiểu thủ công nghiệp Bình Mỹ.
Và thẩm định điều chỉnh quy hoạch cho một số dự án khác trên địa bàn tỉnh.
4. Về tình hình và kết quả các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng 6 tháng đầu năm 2008
a) Thẩm định thiết kế cơ sở
Đã thẩm định được 14 công trình, đảm bảo đúng thời gian quy định
Một số công trình tiêu biểu:
- Công trình dân dụng:
· Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Trần Thương.
· Dự án đầu tư xây dựng khu đa dịch vụ dân sinh - Thanh Liêm.
· Dự án đầu tư Dưỡng tâm viện và công viên sinh thái - thành phố Phủ Lý.
- Công trình công nghiệp
· Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Xuân Thành.
- Công trình hạ tầng kỹ thuật
· Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị sinh thái và dịch vụ thương mại xã Lam Hạ - thành phố Phủ Lý.
b) Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng: 41 chứng chỉ
- Chứng chỉ hành nghề kỹ sư xây dựng: 14 cái
- Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình: 27 cái.
c) Cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài: 01 giấy phép. d) Cấp phép xây dựng
Tổng số đã cấp 259 giấy phép với diện tích sàn 32.915 m2.
Trong đó (theo phân cấp):
- Sở Xây dựng cấp: 05 giấy phép.
- Huyện, thị xã cấp: 254 giấy phép.
Đã kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 08 trường hợp xây dựng sai giấy phép và 30 trường hợp không có giấy phép xây dựng.
II. DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG
Theo Quyết định số 581/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Quy định về việc công khai thủ tục hành chính trong các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Sở Xây dựng đến nay chưa thay đổi, bổ sung thủ tục nào.
Trong 6 tháng đầu năm 2008 việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại Bộ phận Một cửa cơ quan Sở Xây dựng như sau:
- Số hồ sơ tiếp nhận: 245 hồ sơ
- Đã giải quyết: 221 hồ sơ
- Còn phải trả đến tháng 7 năm 2007: 24 hồ sơ
Các thủ tục hồ sơ đều được giải quyết nhanh gọn đảm bảo đúng quy định./.