Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bánh đa quạt Phúc Hạ

Lịch sử - Văn hóa Làng nghề truyền thống  
Bánh đa quạt Phúc Hạ
Làng Phúc Hạ, xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân từ lâu nổi tiếng với nghề bánh đa quạt truyền thống. Bánh đa quạt nơi đây thơm ngon, có vị bùi ngậy riêng biệt, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa thích.
      Hơn 50 năm qua, hằng ngày bà Nguyễn Thị Khái, xóm 16, Phúc Hạ, đều đặn dậy từ 3-4 giờ sáng để tráng bánh đa. Bà Khái chia sẻ: Làm bánh đa quạt vất vả lắm, phải thức khuya, dậy sớm và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Nếu thời tiết nắng, khô ráo thì việc phơi bánh thuận lợi. Nếu thời tiết ẩm thấp, gặp mưa, bánh rất dễ bị mốc, hỏng bánh. Ngoài yếu tố thời tiết, để có bánh đa ngon, người làm bánh còn phải biết chọn gạo, có kỹ thuật xay bột, tráng bánh, phơi bánh...

Làm bánh đa quạt phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là công đoạn chọn gạo để ngâm làm bánh. Bánh đa quạt ở Phúc Hạ được người dân làm từ gạo Khang Dân, sau khi ngâm vài giờ, gạo được vớt ra cho vào cối đá để xay. Đây là công đoạn khó, tốn rất nhiều công sức, đòi hỏi người làm nghề phải có kinh nghiệm bởi độ đặc, loãng của bột rất quan trọng. Nếu bột đặc quá sẽ khó tráng bánh, bột loãng bánh sẽ mỏng. 

banh_da_quat-08_22_41_637.jpg

Sản phẩm bánh đa Phúc Hạ, xã Hợp Lý, Lý Nhân

Sau công đoạn xay bột là công đoạn tráng bánh. Tráng bánh đa quạt không khác bánh cuốn, có điều bánh đa quạt phải tráng dày hơn, độ chín kỹ hơn. Khi bánh chín, rắc vừng rồi khéo léo lấy bánh ra đặt lên những chiếc phên để bánh không bị rách hoặc méo. 

Công đoạn phơi bánh phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Từ lâu, người dân Phúc Hạ phải lựa chọn những ngày nắng để tráng bánh. Chẳng may bánh tráng xong gặp mưa, thời tiết ẩm phải đưa hơ qua lửa, sấy để bánh không bị mốc. Bánh phơi se mặt thì gỡ bánh, lật bánh phơi tiếp cho đến khi bánh khô. Cuối cùng là công đoạn nướng bánh.

Bà Nguyễn Thị Sáu, xóm 17, Phúc Hạ có trên 40 năm gắn bó với nghề tráng bánh đa quạt. Bà Sáu cho biết: Một tháng, gia đình tôi tráng từ 15-17 ngày, mỗi ngày trung bình làm từ 30-35 kg gạo. Ngày nào thời tiết đẹp hoặc có người đặt hàng, gia đình làm tới 40-45kg gạo. Những ngày không tráng bánh thì phơi bánh, bóc bánh. Làm bánh vất vả, phức tạp lắm, nhất là công đoạn nướng bánh đòi hỏi sự tinh tế và kinh nghiệm của người làm nghề. Nướng bánh phải quạt đều tay, đôi lúc phải dừng lại để uốn bánh cho khỏi bị vênh. Bánh nướng phải bảo đảm độ giòn, bùi mà không bị cháy...

Hiện nay, trên thị trường đã có máy tráng bánh, làm vừa nhanh, đẹp, lại tiết kiệm được sức lao động nhưng người dân Phúc Hạ vẫn giữ nguyên lối làm bánh cổ truyền, xay gạo và tráng bánh bằng tay. Cách làm này đã tạo nên sự khác biệt của bánh đa quạt nơi đây. 

Bánh đa quạt Phúc Hạ có mùi thơm, bùi và ngậy rất riêng. Món quà quê này được người dân bán nhiều ở chợ Phúc, dọc 2 bên đường vào xã Hợp Lý, theo những đơn hàng đi khắp các huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh. Bánh đa quạt ở Hợp Lý có 2 loại: bánh đa gấc và bánh đa thường, giá khoảng 5.000 đồng/chiếc.

Trải qua hàng trăm năm, nghề làm bánh đa thôn Phúc Hạ được nhiều thế hệ trong làng gìn giữ. Nghề làm bánh vất vả, khó nhọc, nhưng với nhiều gia đình, làm bánh đa quạt vẫn là nghề chính, đem lại thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đến Phúc Hạ chúng ta sẽ có cơ hội được tận hưởng hương vị bùi, ngọt, giòn và thơm lừng của những chiếc bánh đa quạt. Ăn từng miếng bánh đa Phúc Hạ giòn tan càng thêm yêu mến hương vị mộc mạc của món quà quê, càng thêm trân trọng công sức của biết bao thế hệ người dân Phúc Hạ trong việc gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống của quê hương.


Theo Báo Hà Nam điện tử