Rất
nhiều thông điệp quan trọng đã được đưa ra tại Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày hôm qua (26/7) tại Hà Nội
dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong đó,
thông điệp quan trọng nhất là: công tác phòng, chống tham nhũng không được
chùng xuống, không được ngơi nghỉ mà cần được đẩy mạnh hơn nữa, quyết tâm hơn
nữa nhằm làm trong sạch bộ máy, góp phần chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ các
cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn
khẳng định quyết tâm trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Ảnh: KT
Tại
phiên họp này, bức tranh phòng, chống tham nhũng từ Trung ương tới địa phương
trong nửa đầu năm 2019 đã được khái quát trong những con số ấn tượng, trong
những cái tên mà chỉ nghe qua cũng thấy xót xa về sự thất thoát tiền bạc của
Nhà nước với hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng như vụ án tại Vinashin, ngân hàng
thương mại cổ phần Đông Á, sai phạm về đất đai tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh,
thành... Những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm đã được đưa
ra xét xử. Những cán bộ thoái hóa, biến chất đã được điểm mặt, chỉ tên, dù nghỉ
hưu hay đương chức ...
Nhưng,
điều đáng mừng nhất như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đó là
đã bớt đi tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tình trạng tham nhũng vặt, đã khắc
phục được những yếu kém trong khâu thu hồi tài sản hay tình trạng án treo... Rõ
đến đâu làm đến đấy. Làm có căn cứ, bằng chứng, thận trọng để không bỏ lọt cũng
như quy oan cho người không có tội. Hàng loạt quy định của Đảng, pháp luật của
Nhà nước, Nghị định của Chính phủ đã được ban hành nhằm ngăn chặn từ gốc những
biểu hiện tham nhũng…
Nhân
dân phấn khởi, tin tưởng khi lại thấy không khí “đốt lò” tiếp tục lan tỏa trong
xã hội mà có những thời điểm, họ từng lo lắng, trăn trở rằng, công cuộc phòng
chống tham nhũng có thể chậm lại, có thể trùng xuống. Nhưng, nhân dân đã thật
sự yên tâm hay chưa? Câu chả lời chắc chắn là chưa thể yên tâm, chưa thể bằng
lòng.
Sự
tăng trưởng nào cũng đáng được ghi nhận nhưng sự “tăng trưởng” về số lượng vụ
án, số lượng bị can, số cán bộ bị kỷ luật về hành vi tham nhũng… là sự “tăng
trưởng” đáng buồn nhất. Tổng kết của các cơ quan chức năng cho thấy, 6 tháng
qua, số vụ tham nhũng tăng 13,5% , số bị can tăng gần 33%. 123 tổ chức Đảng,
hơn 7.900 đảng viên vi phạm, trong đó 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi
tham nhũng, cố ý làm trái, tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018.
Nghiêm
trọng hơn, trong nửa đầu năm 2019, 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ
Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức, cả nghỉ hưu đã bị Bộ Chính trị,
Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật. Con số này đã nối dài danh sách
số cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật suốt từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay.
Bởi
vậy, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, dứt khoát không có
chuyện dừng lại hay ngập ngừng, phải kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ
hư hỏng, tham nhũng. Toàn Đảng, toàn dân phải quyết tâm hơn nữa, đạt được nhiều
kết quả hơn nữa, góp phần chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới
Đại hội XIII của Đảng. Đây là yêu cầu của cách mạng, là nhu cầu, tình cảm,
nguyện vọng, mong muốn của Đảng, của nhân dân.
Đại
hội đảng bộ các cấp sẽ được tổ chức trong năm 2020, là đợt sinh hoạt chính trị
sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Trong một bài viết
hồi tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn
mạnh: Đại hội Đảng bộ các cấp là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật,
kỷ cương. Còn tại phiên họp lần này, Nhà lãnh đạo cao nhất đất nước một lần nữa
khẳng định: “Dứt khoát không để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham
nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức vào cấp ủy sắp tới. Nơi nào để
xảy ra thì nơi đó sẽ bị kỷ luật”.
Thông
điệp mạnh mẽ ấy sẽ được hiện thực hóa trong những giải pháp về phòng chống tham
nhũng cho những tháng còn lại của năm 2019 cũng như những năm tiếp
theo./.