Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước tỉnh Hà Nam

Tin theo lĩnh vực Kỷ niệm 70 năm ngày chủ tịch HCM ra lời kêu gọi thi đua ái quốc  
Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước tỉnh Hà Nam
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc". Cùng với cả nước, Đảng bộ, quân và dân Hà Nam tích cực thực hiện huấn thị của Người.

Quan tâm, chỉ đạo phong trào thi đua toàn quốc, Bác Hồ đã kịp thời biểu dương, khen ngợi các điển hình tiên tiến, trong đó có tỉnh Hà Nam. Được tin họ Lại ở xã Phù Vân, Kim Bảng (nay thuộc TP. Phủ Lý) có 19 người hăng hái hưởng ứng phong trào tòng quân, mùa Xuân năm Canh Dần (1950), Bác đã gửi thư khen ngợi "tinh thần yêu nước rất cao của họ Lại xã Phù Vân". 

Bác viết: "Tôi mong rằng các họ trong cả nước Việt Nam, họ nào cũng như họ Lại Phù Vân thì ta không cần đánh mà giặc cũng phải lui". Lời khen ngợi, biểu dương họ Lại Phù Vân của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức cổ vũ, động viên rất lớn. Phong trào gia nhập dân quân, du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực có bước phát triển mới. Kết quả phong trào là tăng thêm lực lượng chiến đấu của tỉnh chặn đánh quyết liệt cuộc hành quân Đa-vít 3 của quân Pháp đánh chiếm Hà Nam bắt đầu từ ngày 21/5/1950 gây cho chúng nhiều thương vong.

Ngày 03/7/1954, tỉnh Hà Nam được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ tỉnh đã phát động phong trào thi đua hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nhất là đắp đê, phòng chống bão lụt. Đầu năm 1955, phong trào làm thủy lợi dấy lên sôi nổi trên các công trường gia cố đê sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, sông Đào với hơn 2 vạn người đào đắp hơn 390 nghìn m3 đất. Các hệ thống nông giang cũng được sửa chữa, khơi vét, tưới tiêu cho 5.222 mẫu ruộng. Với thành tích xuất sắc này, ngày 25/7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Cờ thi đua luân chuyển cho tỉnh Hà Nam, dẫn đầu miền Bắc về thành tích đắp đê, phòng chống bão lụt.

Vụ đông xuân năm 1958, Hà Nam bị hạn nặng. Tỉnh phát động phong trào thi đua chống hạn, tập trung nhân lực tại các công trình đầu mối, trong đó có việc đắp đập chắn ngang sông Sắt thuộc địa phận thôn Cát Tường, xã An Hòa, nay là xã An Mỹ (Bình Lục) để lấy nước tưới cho diện tích khô hạn của hai huyện Bình Lục, Thanh Liêm.

Ngày 14/01/1958, tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào thi đua chống hạn tại thị xã Phủ Lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự, trao lá cờ "chống hạn khá nhất" cho huyện Bình Lục. Bác lại trao cho các đơn vị khơi kênh Ben, vét mương Mạc Thượng, đắp đập Cát Tường, mỗi đơn vị 3 huy hiệu để làm phần thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Sau đó Bác về thăm công trường đắp đập ngăn sông Sắt. Người đi khắp công trường động viên nhân dân đang lao động. Trước đông đảo nhân dân, cán bộ, Bác khen ngợi và giao nhiệm vụ: "Tỉnh giao đắp đập trong 7 ngày, các cô, các chú phải cố gắng rút ngắn thời gian để sớm có nước cầy cấy".

Mọi người đồng thanh hứa với Bác quyết tâm đắp đập thật nhanh. Không khí thi đua dấy lên mạnh mẽ, con đập được đắp xong chưa đến 5 ngày.

Sau sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Hội nghị sơ kết phong trào thi đua chống hạn của tỉnh và thăm cán bộ, nhân dân đắp đập Cát Tường, phong trào làm thủy lợi trong toàn tỉnh được phát động sôi nổi rộng khắp: huy động được 434.721 ngày công, đào 486 con ngòi, đắp 57 con đường dài 414.982 m... bảo đảm diện tích cấy chiêm năm 1958 đạt 97,53% kế hoạch. Phát huy thành tích, phong trào thi đua làm thủy lợi của tỉnh Hà Nam tiếp tục đạt nhiều kết quả to lớn, vì thế năm 1961, Hà Nam một lần nữa vinh dự được nhận Cờ thưởng luân lưu "Làm thủy lợi khá nhất" của Hồ Chủ tịch.

Hà Nam - quê hương phong trào thi đua "Hai tốt" khởi lên từ Trường phổ thông cấp II xã Bắc Lý (Lý Nhân). Năm học 1960 - 1961, trường đạt nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong việc dạy và học. Vì vậy, tháng 9/1961, Bộ Giáo dục đã công nhận trường cấp II Bắc Lý là đơn vị Lá cờ đầu của toàn ngành giáo dục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm đến phong trào thi đua dạy và học của nhà trường. Ngày 7/7/1961, Bác viết bài báo "Một thành tích vẻ vang" lấy bút danh Trần Lực, đăng trên Báo Nhân Dân, biểu dương Trường cấp II Bắc Lý và chỉ đạo phát động mạnh mẽ, rộng khắp phong trào thi đua dạy thật tốt, học thật tốt như Trường Bắc Lý. Thực hiện chỉ đạo của Bác, ngày 18/10/1961, tại thị xã Phủ Lý (Hà Nam) Bộ Giáo dục tổ chức hội nghị toàn miền Bắc phát động phong trào thi đua "Hai tốt" với khẩu hiệu hành động: "Tích cực thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý". Cũng từ đây biểu tượng thi đua trong ngành giáo dục "Trống Bắc Lý" cùng với các biểu tượng "Cờ Ba nhất" (quân đội), "Sóng Duyên Hải" (công nghiệp), "gió Đại Phong" (nông nghiệp)... đã in dấu son trong lịch sử hiện đại Việt Nam.

Sau Hội nghị phát động phong trào thi đua "Hai tốt" của Bộ Giáo dục, phong trào dấy lên sôi nổi ở Hà Nam và toàn miền Bắc. Trường Bắc Lý không chủ quan, thỏa mãn mà tiếp tục vươn lên, do đó tại Đại hội liên hoan Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, từ ngày 4-6/5/1962, tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội), Trường cấp II Bắc Lý tiếp tục giữ vững Lá cờ đầu trong ngành giáo dục phổ thông, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất.

Tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến Trường Bắc Lý, trong phát biểu tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm, tháng 8/1963, Bác nhấn mạnh: "Những kết quả đó là do có Đảng lãnh đạo, được đông đảo nhân dân nhiệt tình ủng hộ và do tinh thần cố gắng rất nhiều của các chiến sĩ ngành giáo dục mà tiêu biểu là Trường Bắc Lý... Cần phát triển kiểu dạy, kiểu học của Trường Bắc Lý và Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình". 

Tình cảm của Bác dành cho điển hình giáo dục Bắc Lý còn được thể hiện một lần nữa vào dịp hội nghị chính trị đặc biệt tại Hội trường Ba Đình (ngày 27-28/3/1964). Trong số các điển hình tiên tiến được Bác mời về Hà Nội báo cáo có đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Trường cấp II Bắc Lý gồm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Phan Hưng, Hiệu trưởng Nguyễn Gia Quý và thầy giáo Nguyễn Lê Hòa. 

Trong cuộc gặp tại phòng khách của Hội trường Ba Đình, Bác ân cần hỏi thăm tình hình học tập, lao động của thầy và trò Trường cấp II Bắc Lý, nhắc nhở, động viên nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua "Hai tốt". Bác căn dặn tỉnh Hà Nam cần phải phấn đấu có nhiều trường tốt như Bắc Lý.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt và trực tiếp đối với Trường cấp II Bắc Lý - Lá cờ đầu của phong trào thi đua "Hai tốt" trong ngành giáo dục.

Hà Nam cũng là tỉnh vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX có phong trào thi đua phát triển giao thông vận tải ở địa bàn nông thôn. Năm 1963 toàn tỉnh đã đắp và tu sửa 1.610km đường nông thôn, đóng 2.229 xe thô sơ, trên 2.000 thuyền các loại. Nơi có phong trào khá nhất là xã Khả Phong (Kim Bảng), các xã Nhân Hậu, Nhân Lý (Lý Nhân). Với thành tích xuất sắc đó, Hà Nam được nhận Cờ thi đua luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" (11/6/1948 - 11/6/2018), Đảng bộ, quân và dân Hà Nam lại càng ghi nhớ công ơn của Bác dành cho phong trào, điển hình thi đua tỉnh Hà Nam, càng quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay, gắn với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Theo baohanam.com.vn