Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chuyện về “Giáo Hoài” - Nguyễn Hữu Tiến

Lịch sử - Văn hóa Danh nhân Hà Nam  
Chuyện về “Giáo Hoài” - Nguyễn Hữu Tiến
Trong số những chiến sĩ cộng sản tiền bối tiêu biểu quê hương Hà Nam, rất nhiều người đã từng là thầy giáo - những nhà giáo, chiến sĩ cách mạng ấy có thể kể đến: Nhà giáo Hồ Xanh (Nguyễn Thượng Cát, quê Phủ Lý), nhà giáo Nam Cao (Trần Hữu Tri, quê Lý Nhân), đặc biệt là nhà giáo quê hương Lũng Xuyên, Yên Bắc, Duy Tiên mang tên “Giáo Hoài” - Nguyễn Hữu Tiến.

Có tiếng học giỏi từ nhỏ, khi lớn lên mở trường dạy học ở quê nhà Lũng Xuyên và cái tên “Giáo Hoài" cũng bắt đầu có từ đó. Trong những buổi lên lớp, thầy giáo làng Nguyễn Hữu Tiến luôn có những bài giáo huấn học trò về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc. 

Vốn từ lâu ngưỡng vọng những trí thức yêu nước tiêu biểu đương thời (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…), “Giáo Hoài"- Nguyễn Hữu Tiến đã khích lệ học trò ra thành phố dệt Nam Định dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Năm 1927, tham gia cách mạng, được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, năm 1929 gia nhập Đông Dương  Cộng sản Đảng và tham gia thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Duy Tiên, thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến đã hướng dẫn những học sinh có chí hướng, có tư tưởng tiến bộ tham gia rải truyền đơn, treo cờ búa liềm ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga và tổ chức học tập, nghiên cứu về Đảng, về sự nghiệp cách mạng. 

truong_nguyen_huu_tien-16_26_02_720.jpg

Cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Tiến kể chuyện truyền thống về người thầy giáo, chiến sĩ cách mạng quê hương Lũng Xuyên. Ảnh: Đan Vũ

Năm 1931, thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến được Tỉnh ủy Hà Nam giao phụ trách tờ báo “Đỏ - Búa liềm công nhân", bị chính quyền thực dân bắt, kết án tử hình nhưng nhờ phản ứng mạnh mẽ từ giới trí thức và học sinh nên hạ xuống mức khổ sai chung thân. Bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến tham gia viết “Tạp chí Lao tù", sau đó bị đày đến nhà tù Sơn La, nhà tù Côn Đảo. 

Tháng 4/1935, tổ chức vượt ngục, thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến về Bạc Liêu tiếp tục hoạt động ở Liên Tỉnh ủy Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên, sau đó về trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Chợ Mới (Long Xuyên). Cải trang là người làm công cho một gia đình khá giả tại thị trấn Chợ Mới, hằng ngày chăn bò, ngựa, cắt cỏ, người thầy giáo quê hương Hà Nam thường hay quan tâm, giúp đỡ mọi người. Ban ngày lao động vất vả nhưng đêm đêm thầy lại chong đèn đọc, viết tài liệu đến khuya. 

Cuối năm 1939, phong trào Dân chủ bên chính quốc thoái trào, thực dân Pháp quay lại thẳng tay khủng bố phong trào cách mạng, “Giáo Hoài"- Nguyễn Hữu Tiến được điều về Sài Gòn - Gia Định.

Năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ chuẩn bị khởi nghĩa, “Giáo Hoài"- Nguyễn Hữu Tiến được đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Tần tin tưởng giao phó trọng trách vẽ lá cờ làm biểu trưng cho cuộc khởi nghĩa. Chính trong thời gian này, “Giáo Hoài" - Nguyễn Hữu Tiến đã được đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nói về lá cờ búa liềm của Liên Xô và được truyền đạt lại ý kiến của Tổng Bí thư Trần Phú khi bị bắt giam cầm ở Khám Lớn Sài Gòn là: ở hoàn cảnh một nước thuộc địa như nước ta, nếu đánh đổ được đế quốc, phong kiến thì thành lập một Chính phủ Cộng hòa và Quốc kỳ nên là một lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. 

Nắm bắt được ý tưởng đó, sau nhiều đêm thức trắng bên ngọn đèn dầu, “Giáo Hoài" - Nguyễn Hữu Tiến miệt mài hoàn chỉnh những nét vẽ lá Quốc kỳ Việt Nam trên phiến đá in. Tác phẩm thiêng liêng ấy lần đầu tiên được in trang trọng trên trang nhất tờ báo Tiến Lên của Xứ ủy Nam Kỳ. Những ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện tại đình Long Hưng (Mỹ Tho) và sau đó hàng nghìn, hàng vạn cờ đỏ sao vàng đồng loạt tung bay khắp vùng nông thôn Nam Bộ. 

Theo nhà văn Sơn Tùng trong cuốn sách “Nguyễn Hữu Tiến" (Nhà xuất bản Thanh niên năm 2001), thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến đã từng có một bài thơ giải thích về ý nghĩa sâu xa của hình tượng lá quốc kỳ: “Nền đỏ thắm - Máu đào vì nước/ Sao vàng tươi - Da của giống nòi/ Đứng lên mau, hồn nước gọi ta rồi/ Hỡi sỹ, nông, công, thương, binh/ Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh".

Ngày 30/7/1940, “Giáo Hoài"- Nguyễn Hữu Tiến bị bắt cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (Xứ ủy viên, Bí thư Sài Gòn- Gia Định) và hai đồng chí khác tại Chợ Lớn. Ngày 26/8/1941, cả bốn chiến sĩ trung kiên của Đảng bị tòa án của chính quyền thực dân xử bắn tại Hóc Môn. Trước lúc hy sinh, người thầy giáo, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Tiến đã gửi lại anh em đồng chí những câu thơ tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng: “Anh em đi trọn con đường nhé/ Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai".

Tháng 8/1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định lấy cờ Việt Minh: cờ đỏ sao vàng 5 cánh là cờ khởi nghĩa trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1/1946) đã ghi vào Hiến pháp: “Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, nền đỏ, ở giữa có sao vàng năm cánh".

Trên mảnh đất Hóc Môn - Bà Điểm kiên cường, bất khuất, nơi pháp trường bọn thực dân hành hình các nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần… giờ đã trở thành Khu di tích lịch sử, hằng năm luôn có hàng trăm đoàn khách thăm viếng. Nơi ấy có hàng cọc bắn pháp trường tượng trưng được phục dựng lại, một tượng đài uy nghiêm giữa trời cùng những thông tin về tiểu sử từng nhà cách mạng đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất này. Nơi ấy có những con đường, mái trường mang tên nhà giáo, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Tiến và nhiều đồng chí của ông.

Cuối năm 2012, sau hơn bảy chục năm anh dũng hy sinh, di hài người chiến sĩ cách mạng “Giáo Hoài" - Nguyễn Hữu Tiến cùng chiếc cùm sắt xiềng chân của nhà tù thực dân mới được tìm thấy ở đúng nơi ông ngã xuống: Ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhiều đồng chí, bà con vùng Hóc Môn, di hài người chiến sĩ cách mạng “Giáo Hoài"- Nguyễn Hữu Tiến được đưa về quê hương trong vòng tay đón đợi của đất mẹ yêu thương Lũng Xuyên, Yên Bắc, mảnh đất đã từng nuôi ông khôn lớn, trưởng thành, đi theo cách mạng và cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trên quê hương Yên Bắc, Duy Tiên, cách ngôi đình Lũng Xuyên - Di tích lịch sử cách mạng không xa, trong ngôi nhà ấm cúng mang tên "Nhà Lưu niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến", trên khoảng tường đầu hồi nhiều năm nay luôn treo trang trọng bức tranh do chính tay nhạc sĩ Văn Cao (tác giả Quốc ca) phác họa về người vẽ Quốc kỳ. Cùng với đó là bài thơ mà “Giáo Hoài"- Nguyễn Hữu Tiến bí mật gửi lại những bạn tù trong nhà lao Khám Lớn trước khi ra pháp trường: "Vĩnh biệt hôm nay có mấy lời/Nhắn cùng đồng chí khắp nơi nơi/Tinh thần để lại cho non nước/Thù hận ghi sâu giữa đất trời/Án chém Hà Nam đà rũ sạch/Khổ sai Côn Đảo đã qua rồi/Anh em đi trọn con đường nhé/Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai". 

Cũng trên quê hương Lũng Xuyên, Yên Bắc, ngôi trường mang tên nhà giáo, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Hữu Tiến đã trở thành niềm tự hào của bao thế hệ thầy trò, người dân địa phương. Nơi ấy, giữa khoảng sân trường quanh năm rợp mát bóng cây, ngày ngày vang tiếng trẻ học bài, nô đùa nhiều năm nay hiện hữu khiêm nhường bức chân dung người chiến sĩ cách mạng vẽ cờ Tổ quốc do một thầy giáo họa sĩ thành tâm sáng tác và dựng lên. Càng vui hơn khi biết rằng, phát huy truyền thống cách mạng, mấy chục năm qua Đảng bộ, nhân dân Yên Bắc không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương trở thành điểm sáng trong các phong trào thi đua, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới./.

Thế Vĩnh