Hiện nay, hệ thống pháp luật và chính sách phát triển các lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên; nguồn lực đầu tư ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác.
Để thực hiện tốt công tác nhân quyền trong việc đảm bảo an sinh xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội trong tỉnh năm 2023 và đạt được kết quả tích cực. Thể hiện trên một số kết quả nổi:
Một là: Thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công được thụ hưởng kịp thời chính sách của Đảng và Nhà nước. Năm 2023, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức thăm và tặng quà của Chủ tịch nước, quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ nhân dịp tết Nguyên đán năm 2023, dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 và nhân kỷ niệm 78 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9. Thực hiện xét duyệt trên 7.500 hồ sơ đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi NCC; giải quyết các chế độ liên quan đến đối tượng người có công. Hiện nay tỉnh đang quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi Người có công với trên 135 nghìn người, trong đó chi trả trợ cấp hàng tháng cho 20.355 người với tổng kinh phí gần 47.701 triệu đồng/tháng. Thực hiện xét duyệt trên 7.500 hồ sơ đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi NCC và giải quyết các chế độ liên quan đến đối tượng người có công.
Hai là: Giải quyết việc làm mới cho 28.494 người (đạt 114% kế hoạch năm 2023) trong đó có 1.301 người đi xuất khẩu lao động (đạt 130% KH năm), giải quyết việc làm thêm cho khoảng 25.040 người. Tuyển sinh đào tạo nghề cho 20.800 người (cao đẳng: 472 người, trung cấp 3.574 người, sơ cấp 2.826, dạy nghề dưới 3 tháng 13.928 người) tổ chức thi tốt nghiệp cho 18.500 người. Kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2023 góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%, trong đó tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp đạt 58%, qua đó góp phần vào kết quả chung về phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
Ba là: Triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội: Toàn tỉnh hiện đang thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng. Toàn tỉnh hiện đang thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 45.575 người với số tiền chi trả trên 24 tỷ đồng mỗi tháng; chăm sóc nuôi dưỡng tập trung 301 đối tượng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập.
Bốn là: Đã thực hiện tốt Luật Bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được quan tâm thực hiện; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp cho trẻ em, thực hiện tốt các quyền của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã được chú trọng, đầu tư nhất là công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai; tệ nạn mại dâm cơ bản được kiểm soát không để hình thành và phát sinh các tụ điểm mại dâm gây bức xúc trong nhân dân.
Năm là: Thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo tới các huyện, thành phố, thị xã; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững hạn chế các hộ tái nghèo. Tổng số hộ nghèo năm 2023 còn 5.915 hộ (giảm 1.656 hộ so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,11% (giảm 0,58% so với năm 2022, vượt kế hoạch). Tổng số hộ cận nghèo giảm còn 6.200 hộ (giảm 1.328 hộ so với năm 2022); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2,21% (giảm 0,46% so với năm 2022).
Để đạt được những kết quả trên thì trong thời gian qua công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân. Đó là tiền đề vững chắc góp phần đảm bảo nhân quyền, đảm bảo ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tạo đà cho sự phát triển vững bền của tỉnh.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn thách thức như: Chuẩn nghèo còn thấp, có nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Đa số hộ nghèo hiện nay thuộc đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội, không còn khả năng lao động, không có thu nhập hoặc thu nhập ở mức thấp nên khó có khả năng thoát nghèo; mức hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội còn thấp; nhận thức và trách nhiệm của các bậc phụ huynh, gia đình và người chăm sóc trẻ về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em còn hạn chế.
Để triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời công tác nhân quyền trong việc đảm bảo an sinh xã hội thuộc lĩnh vực của Ngành quản lý. Đồng thời để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện trong năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND lãnh đạo, chỉ đạo triển khai một số giải pháp trọng tâm trong năm 2024.
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực thuộc ngành quản lý đặc biệt là chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Thứ hai: Bám sát vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, các chương trình, đề án của Trung ương, của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao trong năm 2024 trên các lĩnh vực: Lao động, việc làm, giảm nghèo, đào tạo nghề cho người lao động, chính sách cho người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội để tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở, các trường Trung cấp, Cao đẳng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện chủ động tìm các giải pháp thực hiện có hiệu quả.
Thứ ba: Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng tham mưu, chủ động đề xuất, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phát huy tối đa các mặt tích cực đã đạt được, kịp thời khắc phục các tồn tại hạn chế; tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, thiết thực và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp theo chương trình, kế hoạch đề ra trên tất cả các lĩnh vực của ngành.
Thứ tư: Thông tin đầy đủ, kịp thời về các vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội gắn liền với cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Chú trọng tuyên dương, cổ vũ những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, vượt khó vươn lên, có tác động lan tỏa tích cực trong cộng đồng trong việc thực hiện công tác an sinh xã hội.
Thứ năm: Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện và hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam.