Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Dạy nghề phù hợp cho người nghèo ở thành phố Phủ Lý

Tin theo lĩnh vực Giảm nghèo bền vững  
Dạy nghề phù hợp cho người nghèo ở thành phố Phủ Lý
Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), hàng nghìn lao động thuộc diện người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất, người khuyết tật, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo… của thành phố Phủ Lý đã được đào tạo nghề, có việc làm, ổn định cuộc sống. Riêng đối với người nghèo, đề án đã mở ra những cơ hội, điều kiện cho những ai được học nghề vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, không phải ai nghèo cũng có thể học nghề bởi còn đó những trở ngại không dễ vượt qua.

Đối tượng đặc thù

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án 1956 từ năm 2011 đến năm 2020 cho thấy, toàn thành phố Phủ Lý đã thực hiện đào tạo nghề cho trên 2.700 người, trong đó giai đoạn 2011-2015 đào tạo được 1.549 người, giai đoạn 2016-2020 đào tạo được trên 1.200 người. 

Theo ông Trần Văn Hồng, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, có khá nhiều người nghèo được hưởng thụ chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ Quyết định 1956/QĐ-TTg. Ngay từ khi triển khai thực hiện đề án, thành phố đã xác định, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải được lồng ghép thực hiện có hiệu quả với phong trào xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều. Trong số những đối tượng được thụ hưởng chính sách của đề án, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được quan tâm hơn cả, nhưng đây là đối tượng đặc thù.

Trong giai đoạn 1, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, số người nghèo được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ 15-30% số học viên tham gia các lớp đào tạo nghề. Nhưng đến giai đoạn 2, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của thành phố giảm hẳn, do vậy số người nghèo được đào tạo nghề chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Họ đặc thù vì hầu hết những người nghèo, cận nghèo đều ở độ tuổi hết sức lao động, già cả, cô đơn, ốm đau, bệnh tật. Vì thế, việc mở lớp đào tạo nghề cho lao động nghèo là một bài toán cần phải có đầu ra ổn định.

Ông Trần Văn Hồng nói: “Trong số các nghề thuộc danh mục đào tạo nghề được tỉnh phê duyệt, rất ít nghề phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của đối tượng người nghèo. Chỉ một số nghề như trồng rau, chăn nuôi gia cầm, may mặc là phù hợp với đối tượng này".

Thực tế tại xã Tiên Tân, trong 5 năm qua, số người nghèo, cận nghèo của xã đủ điều kiện và có nhu cầu tham gia học nghề tại các lớp đào tạo nghề theo đề án chỉ hơn chục người mỗi năm. Bà Nguyễn Thị Hồng, cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã Tiên Tân cho biết: Mỗi năm xã mở được hai lớp đào tạo nghề chăn nuôi, may, trồng rau an toàn cho lao động nông thôn mỗi lớp khoảng 30 học viên, nhưng số lao động nghèo chỉ gần 10 người/lớp và đều là những người đã quá tuổi lao động, nhưng vẫn còn sức khỏe có thể lao động, hoặc là những đối tượng không may gặp phải bất trắc, tai nạn trong cuộc sống, không đủ khả năng xin vào làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chỉ có thể học một số nghề đơn giản để duy trì cuộc sống ổn định… Thí dụ như gia đình bà Lê Thị Thanh Thủy, thôn Đại Cầu, sau khi học nghề trồng rau an toàn, bà tự khoanh đất, cải tạo vườn, trồng rau sạch theo quy trình vừa bảo đảm có rau phục vụ bữa ăn thường ngày, vừa có rau bán ra thị trường, đủ để trang trải những khoản chi cần thiết trong gia đình. Dần dần, việc làm của gia đình bà Thủy đã tác động đến nhận thức của người dân xung quanh về vệ sinh an toàn thực phẩm, trồng rau an toàn, vì sức khỏe cộng đồng. 

Nghề để sống chứ không để làm giàu

Bà Lê Thị Thanh Thủy, thôn Đại Cầu, xã Tiên Tân đứng trước vườn rau xanh tốt của gia đình, đã từng cho thu hoạch nhiều vụ nói: Với những người nghèo như chúng tôi, chuyện đi kiếm việc làm để có lương cao như người khác là khó, vì quá tuổi, mắt kém, chân tay chậm chạp. Thế nhưng, với những việc đơn giản như trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn thì vẫn có thể làm được. Cách đây 5 - 7 năm về trước, số người nghèo được học nghề đông hơn vì lúc đó có nhiều người khỏe mạnh, sức khỏe bình thường. Họ đã học chăn nuôi rồi được vay vốn mở trang trại, làm ăn khấm khá, chẳng mấy chốc thoát nghèo, có của ăn của để. Có nhiều người học nghề may rồi xin vào các công ty làm công nhân. Nhưng bây giờ, những người nghèo chủ yếu mất sức lao động, bệnh tật, không đủ khả năng vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp hay đi làm lao động tự do. Chính sách của Nhà nước cho chúng tôi học nghề giờ đây cũng chỉ để duy trì cuộc sống bình thường chứ không ai nghĩ sẽ giàu vì nghề được.

Ở một số xã như Liêm Chung, Trịnh Xá, Kim Bình, Tiên Hải, người nghèo chủ yếu được học các nghề may, chăn nuôi, chế biến món ăn. Nói như ông Trần Văn Hồng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Phủ Lý, đây là những nghề phù hợp với điều kiện của người dân nghèo, vì học xong nghề, họ xin làm tại các cơ sở may tại địa phương, có thể vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi nhỏ lẻ… Có việc làm thì có thu nhập, cho dù với khả năng làm việc của đối tượng người nghèo hiện nay rất hạn chế, nên nghề được học chỉ để kiếm thu nhập đủ sống. 

Trong điều kiện, những ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp được quy định trong đề án chưa thực sự phù hợp với tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thị trường lao động, việc chọn nghề để học đối với các đối tượng nghèo càng trở nên khó khăn hơn. Đó còn chưa kể đến chất lượng đào tạo tại các trung tâm còn thấp, chưa hấp dẫn người học. Theo thống kê, toàn thành phố đến tháng 8 năm 2020 còn gần 900 người nghèo, 2.646 người cận nghèo, gần 4.300 đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, đối tượng người nghèo được đào tạo nghề theo Đề án 1956 đối với thành phố không nhiều.

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện đề án, nhưng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghèo vẫn là bài toán lâu dài nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Phủ Lý văn minh, giàu đẹp. Vì thế, trong những năm tiếp theo, công tác đào tạo nghề cho lao động nghèo của thành phố cần có những chuyển biến mới, phù hợp với thực tiễn đời sống. Những nghề được đào tạo phải tạo việc làm tại chỗ, giản đơn, có thu nhập bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người dân thành phố.

Lê Hà