Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đình Ngọc Lũ - Nét đẹp kiến trúc được bảo tồn và phát huy

Lịch sử - Văn hóa Di tích lịch sử - văn hóa  
Đình Ngọc Lũ - Nét đẹp kiến trúc được bảo tồn và phát huy
Xã Ngọc Lũ (Bình Lục) là một vùng địa linh với hệ thống đình, chùa, miếu, phủ có giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Trong đó, tiêu biểu nhất là ngôi đình cổ có quy mô, kiến trúc bề thế. Ngôi đình cũng gắn liền với bảo vật quốc gia, biểu trưng của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ một thời - Trống đồng Ngọc Lũ.

Xã Ngọc Lũ xưa thuộc vùng Kim Lũ - Chạ Chủ. Đến thời vua Gia Long được đổi tên thành Ngọc Lũ. Trải qua hàng nghìn năm, Ngọc Lũ dần phát triển trở thành vùng đất có dân cư sinh sống đông đúc và là vùng chăn nuôi trọng điểm. 

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, người dân nơi đây còn chăm lo bồi đắp đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh. Hệ thống đình, chùa, miếu, phủ ở xã vì thế luôn được bảo tồn, tôn tạo, là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kết nối các thế hệ người dân Ngọc Lũ. 

Trong quần thể di tích đó, đình Ngọc Lũ xưa vốn là một công trình khá bề thế, quy mô lớn nhất nhì vùng. Thời kỳ kháng chiến, người dân trong xã đã phải tháo dỡ hai tòa đình để giặc Pháp không có chỗ đóng đồn bốt. Đến năm 1999 và năm 2014, nhân dân đã tự huy động lần lượt phục dựng nguyên mẫu ngôi đình. 

Theo đó, đình nằm ngay trung tâm xã, tọa lạc trên khuôn viên rộng 2,5ha, có thiết kế hình chữ đinh gồm 17 gian, chia thành 3 tòa chính là: đại đình, trung đình và hậu cung. Toàn bộ mái 3 tòa đình đều lợp ngói nam với các đầu đao cong vút, được chạm trổ các bộ long, nghê, rường chầu về mặt nguyệt. Đình Ngọc Lũ thờ 3 vị thành hoàng gồm: Câu Mang Đại vương, Độc Cước Đại vương, Thiên Quan Đại vương, trong đó, Câu Mang Đại vương vốn là hoàng tử thứ 6 của vua Hùng Nghị Vương thứ 17. 

dinh_ngoc_lu-07_51_32_047.jpg

Đình Ngọc Lũ là nơi diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương.

Tương truyền, cả 3 vị đều là người nhà trời được phái xuống để cứu độ chúng sinh, giúp muôn dân tiêu trừ dịch bệnh, dẹp tan phiến quân Đô Thần. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, các vị liền hóa về trời. Nhân dân đã lập đền để thờ phụng và tưởng nhớ công lao của các vị. Vì thế, trong lịch sử ghi chép lại, đình Ngọc Lũ trước kia vốn chỉ là ngôi thờ tự nhỏ. Đến năm 1888, cụ Chỉ Cơ (tức tiên chỉ của làng) đã đầu tư công, của để xây dựng ngôi đình trở nên quy mô, bề thế như ngày nay. Kiến trúc đình được sắp đặt theo lối đăng đối, âm dương giao hòa. Xen kẽ giữa 3 tòa đình có khoảng sân nhỏ, hay còn gọi là giếng trời giúp không gian trong cả ngôi đình hoàn toàn mở, thông thoáng, giao hòa, gần gũi với thiên nhiên. 

Tuy nhiên, dấu tích của ngôi đình cũ chỉ còn lại duy nhất ở gian hậu cung. Gian trung đình được xây dựng lại vào năm 1999 nhưng chất liệu và kiến trúc vẫn giữ nguyên mẫu theo gian trung đình trước. Riêng tòa đại đình được khởi công xây dựng năm 2014, có tổng kinh phí xây dựng lên tới 10 tỉ đồng. Mặc dù có sử dụng nhiều chất liệu mới là bê tông cốt thép nhưng thiết kế công trình vẫn giữ gần như nguyên vẹn phong cách đình cổ, tạo sự gần gũi, thân quen với các thế hệ người dân.

Giá trị của ngôi đình Ngọc Lũ còn nằm ở các đồ thờ tự quý như: ngai, khán, án hương và 12 đạo sắc phong của nhiều triều đại. Đặc biệt, ngôi đình chính là nơi lưu giữ Trống đồng Ngọc Lũ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt I năm 2012. 

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, chiếc trống đồng được tìm thấy vào cuối thế kỷ 19 trong một lần người dân địa phương đi đắp đê hộ thủy. Chiếc trống được lưu giữ tại đình. Hằng năm, vào các ngày tế lễ, hội làng, người làng lại mang trống ra đánh nhằm cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân no đủ. 

Đến đầu thế kỷ 20, một họa sĩ người Pháp đã phát hiện ra chiếc trống đồng và ngay lập tức chiếc trống được đưa lưu giữ tại Hà Nội. Vẻ đẹp của chiếc trống được thể hiện rõ nhất ở các hoa văn trang trí trên mặt trống và thân trống. Giới khoa học đánh giá, Trống đồng Ngọc Lũ là một trong số ít chiếc trống đẹp trên thế giới mang biểu trưng văn hóa đặc sắc…

Với lối kiến trúc tinh xảo, đậm nét văn hóa Việt và với sự góp mặt của nhiều cổ vật văn hóa có giá trị, năm 2006, cùng với ngôi chùa trăm năm tuổi, đình Ngọc Lũ được công nhận Di tích cấp quốc gia. Đó chính là sự động viên lớn lao để người dân Ngọc Lũ tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích. Mỗi năm, vào các ngày sinh, ngày hóa của Thành hoàng làng, nhân dân Ngọc Lũ lại tổ chức các lễ, tiết sóc vọng tưởng nhớ ân đức các bậc tiền nhân. 

Đây cũng là dịp để người dân cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử quê hương, thắt chặt tình đoàn kết. Trong không gian mang đậm giá trị truyền thống, mái đình không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh mà còn là điểm hẹn văn hóa của người dân trong xóm, ngoài làng. Từ đây, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các quy ước, hương ước xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh được hình thành và những ước vọng chung tay xây dựng quê hương, giữ gìn giá trị di tích như được tiếp lửa…/.

Theo Báo Hà Nam điện tử