Dự lễ dâng hương có các đồng chí: Lê Thị Thủy - Uỷ viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện thân nhân gia đình đồng chí Lương Khánh Thiện…
Đoàn đại biểu lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Hà Nam trang nghiêm, thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hương hồn các Anh hùng Liệt sỹ
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy dâng hương tại Đền thờ các anh hùng Liệt sỹ tỉnh
Tại Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ tỉnh, Đền thờ 10 cô gái Lam Hạ, đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh và thành phố Phủ Lý đã kính cẩn dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam và hương hồn các Anh hùng Liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự trường tồn của dân tộc.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy đọc diễn văn tại buổi lễ
Tại Nhà tưởng niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy đã đọc diễn văn thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Hà Nam đối với đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hà Nam.
Diễn văn nêu rõ: Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903, trong một gia đình nhà nho nghèo tại thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc tổ dân phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Năm 1923, đồng chí rời quê ra thành phố Hải Phòng, xin vào học ở Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Tại đây đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh. Hoạt động nổi bật là cuối năm 1925, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lưu Bá Kỳ dẫn đầu đoàn học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành xuống đường chặn xe Toàn quyền Va-ren từ Đồ Sơn về Cầu Rào, đưa đơn đòi chính quyền thực dân Pháp phải trả tự do cho nhà chí sĩ Phan Bội Châu, gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội.
Năm 1926, đồng chí Lương Khánh Thiện về Nam Định làm thợ nguội tại Nhà máy Sợi. Năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tỉnh Nam Định. Năm 1928, đồng chí Lương Khánh Thiện trở lại Hải Phòng, thực hiện “vô sản hóa" trong phong trào công nhân Nhà máy Chai. Tháng 4/1929, đồng chí được kết nạp Đảng, trở thành một trong bốn đảng viên đầu tiên của Chi bộ cộng sản đầu tiên của thành phố Hải Phòng, trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Nhà máy Chai.
Tháng 3/1937, tại Hội nghị thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tháng 9/1939, đồng chí được phân công chỉ đạo xây dựng căn cứ bí mật của Đảng tại tỉnh Phú Thọ. Đồng chí đã tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng trên địa bàn rộng lớn, thuộc các huyện: Cẩm Khê, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Ba, Yên Lập đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy; thành lập ba trong bốn chi bộ đầu tiên và Ban cán sự lâm thời tỉnh Phú Thọ.
Tháng 10/1940, đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B và trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng. Nhận nhiệm vụ mới, trong thời điểm phong trào cách mạng Hải Phòng và Liên tỉnh B đang gặp nhiều khó khăn do địch tăng cường khủng bố, vây bắt cán bộ, nhiều cơ sở bị vỡ, đồng chí vẫn khôn khéo, linh hoạt trong vai thầy lang, người bán vôi, thợ sửa điện... qua mặt kẻ thù. Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng khu vực Hải Dương làm căn cứ vững chắc cho liên tỉnh, đồng thời, bám sát cơ quan Thành ủy Hải Phòng để chỉ đạo phong trào. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí phong trào cách mạng ở Hải Phòng và Liên tỉnh B có chuyển biến tích cực, các cơ sở cách mạng được củng cố và mở rộng. Ngày 01/9/1941, đồng chí Lương Khánh Thiện bị xử bắn tại Kiến An. Cho đến phút cuối của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn lòng thủy chung, sắt son với Đảng, với dân tộc, vẫn vững một niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng.
Cuộc đời hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, trong các cao trào cách mạng từ năm 1930 đến năm 1941, thể hiện rõ vai trò tiên phong của một nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam. Ở cương vị nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước Đảng và Nhân dân. Phát huy truyền thống yêu nước của quê hương. Tiếp bước đồng chí Lương Khánh Thiện, hàng vạn người con quê hương Hà Nam anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy nhấn mạnh: Noi gương và ghi nhớ công lao đồng chí Lương Khánh Thiện, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực; phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, phấn đấu sớm trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng Bắc bộ. Nửa nhiệm kỳ qua, đã thực hiện đạt và vượt mức 7/18 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, bảo đảm tự chủ ngân sách từ năm 2022… Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Hà Nam là tỉnh thứ 4 trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh có trên 30% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Văn hóa - xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 87 triệu đồng/người. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Kính cẩn tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam nguyện đoàn kết, chung sức, đồng lòng kế thừa và phát huy sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Lương Khánh Thiện và các bậc tiền bối tiêu biểu của Đảng đã gây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, mở rộng liên kết; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đảm bảo môi trường, an sinh xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững quốc phòng - an ninh; phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, xây dựng Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chụp ảnh kỷ niệm cùng thân nhân đồng chí Lương Khánh Thiện
Các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Lương Khánh Thiện thăm quan Nhà tưởng niệm đồng chí Lương Khánh Thiện
Tại lễ dâng hương, đại diện thân nhân đồng chí Lương Khánh Thiện cũng phát biểu bày tỏ lòng biết ơn đến Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nam đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc và tưởng nhớ công lao của đồng chí Lương Khánh Thiện. Thế hệ con cháu trong gia đình hứa tiếp tục phát huy truyền thống cố gắng học tập, lao động góp phần xây dựng quê hương, đất nước mạnh giầu./.
Thúy Anh