Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngôi chùa lưu nhiều dấu ấn lịch sử

Lịch sử - Văn hóa Di tích lịch sử - văn hóa  
Ngôi chùa lưu nhiều dấu ấn lịch sử
Đó là chùa Đùng dưới chân núi Tháp, thuộc địa phận xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm.
Hà Nam là vùng đất bán sơn địa, một phần rộng lớn là đồng bằng và một dải hẹp là đất đồi rừng. Đặc trưng riêng của Hà Nam là giữa đồng bằng lại đột khởi lên những ngọn núi đất. Và hầu như trên đỉnh hoặc dưới chân những ngọn núi này đều có những ngôi chùa rất linh thiêng: Chùa Đọi trên đỉnh núi Đọi, xã Đọi Sơn (Duy Tiên); chùa Tiên nằm trên đỉnh núi Đụn, xã Thanh Lưu (Thanh Liêm); chùa Trinh Tiết, tọa lạc lưng chừng núi Trinh Tiết xã Thanh Hải (Thanh Liêm); chùa Thi Sơn dưới chân núi Cuốn Sơn, xã Thi Sơn (Kim Bảng). Mới đây, lại phát hiện ra ngôi chùa Đùng dưới chân núi Tháp, xã Liêm Sơn (Thanh Liêm) ẩn chứa những ý nghĩa lịch sử có thể nói lên bề dày của vùng đất giáp ranh kinh đô này.
chua_dung-09_04_53_106.png
Nhà sử học Lê Văn Lan nghiên cứu các cổ vật tìm thấy tại chùa Đùng.

Chùa Đùng thờ vị Bồ tát Địa Tạng nên còn gọi là chùa Địa Tạng. Địa thế của ngôi chùa được ôm trọn bởi dãy núi hình vòng cung với thế đất tứ tượng: Tả thanh long, hữu bạch hổ, hậu huyền vũ, tiền chu tước. Với thế đất phong thủy hiếm có cùng tư tưởng đưa những triết lý Phật giáo tốt đẹp lan tỏa, ngôi chùa với sự công đức của nhân dân đang được Đại đức cho xây dựng lại và tạo cảnh quan thiên nhiên đậm chất thiền môn. 

Theo những câu chuyện lưu truyền của cư dân trong những ngôi làng xung quanh chùa Đùng thì trước kia đây là một ngôi chùa lớn được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XI. Ngôi chùa đã từng là nơi vua Tự Đức đến cầu tự và đổi tên cho chùa là Phi Lai. Đặc biệt, người dân làng Tháp còn cho biết, tương truyền trước đây trên đỉnh núi tháp có một toà bảo tháp rất lớn mang tên tháp Phổ Đồng. Bóng của tòa tháp đổ xuống cánh đồng phía dưới để lại một vạt cánh đồng sẫm màu, lúa trồng ở vạt đồng này cũng có màu xanh sẫm hơn những nơi không có bóng tháp. Người dân còn kể lại rằng, vạt đất này nếu người dân nào xây nhà dựng cửa đều gặp những điều không tốt đã tôn thêm tính thiêng cho ngôi tháp. 

Cùng với câu chuyện của dân làng, trong quá trình xây dựng chùa, sư trụ trì và những chú tiểu còn nhặt được rất nhiều cổ vật ở khu núi này đã dần hé lộ những dấu hiệu lịch sử ẩn chứa nơi đây. Muốn đánh giá chắc chắn, nhà chùa đã mời nhà sử học Lê Văn Lan về thăm chùa và thẩm định các cổ vật tìm niên đại. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, nhà sử học nhận xét: Các cổ vật tại chùa Đùng rất dễ phân dạng, nó thuộc chất liệu đất nung. Ở đây có cả đất nung có men (hay còn gọi là gốm sứ) và đất nung không có men (gọi là gốm mộc hoặc đất nung). Đây là các đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày và một số là các bộ phận kiến trúc. Các cổ vật ở đây có đầy đủ các loại hình, đó là văn hóa bình dân, văn hóa cung đình, triều đình, triều chính và văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng. Qua màu men, hoa văn trang trí phần lớn cổ vật này thuộc về niên đại thời Trần thế kỷ XIII, XIV nhưng không loại trừ vì có xuất hiện hiện vật tuy chưa thành hệ thống nhưng có niên đại thời Lý và một số nhỏ niên đại Hậu Lê. Từ đó có thể nói khung thời gian tồn tại của địa điểm này thịnh trị vào thời Trần nhưng có nền móng từ thời Lý và kéo dài sự tồn tại đến thời Hậu Lê.

he_thong_tuong_phat-09_04_53_452.png

Hệ thống tượng Phật tại chùa Đùng cũng là những cổ vật có giá trị về văn hóa tâm linh và lịch sử tôn giáo thời Lý Trần.

Cũng trong những câu chuyện của dân làng, trong quá trình xây nhà, phát canh sau này nhiều người dân còn tìm thấy những ngôi hầm mộ có vòm cuốn, sự việc này đều có sự xác nhận của chính quyền địa phương. Từ nguồn tư liệu này, nhà sử học Lê Văn Lan có thêm nhận định: Đấy là những hầm mộ của người Tàu, nếu chúng ta có được ở đây cái hầm mộ đó thì niên đại của ngôi chùa này không phải ở thế kỷ X thời Ngô Vương Quyền, cũng không phải thời Lý Trần thế kỷ XI – XIV mà từ thời Bắc thuộc. Có một quy luật, ở đâu có mộ thời Bắc thuộc thì ở đó đều là trung tâm, là nơi đặt trụ sở của Tàu, quan chức người Tàu sống ở đó. 

Điều đặc biệt là phía dưới nền móng trầm tích cũng đều là trung tâm thời Hùng Vương, An Dương Vương, thời văn hóa Đông Sơn. Cái niên đại ở đây còn có thể được đẩy lên như thế và tôi tin những điều đó có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta làm kỹ. Chúng ta mới dừng lại ở khảo cổ hiện vật nhưng đã có cơ sở khảo cổ nền móng phải làm thật cẩn thận. Nếu khai quật phải đúng trình tự, thủ tục pháp luật và phải có sự giám sát, bảo đảm tính khoa học và phải huy động chuyên gia của nhiều ngành nữa như văn bản học, văn hóa học dân gian, khảo cổ học... Ở đây khi chúng ta xem kỹ móng tháp rồi tìm ra được manh mối của những hầm mộ Tàu thì kết luận nơi này còn có những giá trị vô biên hơn những cái chúng ta đã biết.

Hà Nam nay, phủ Lỵ Nhân xưa là đất phên giậu của kinh thành Thăng Long, là mảnh đất của nhiều sự tích, sự kiện, nhân vật rất kỳ lạ trong lịch sử. Những con người trong lịch sử đã qua đây, đến đây tạo nên nhiều điều kỳ diệu, một mặt là anh hùng, là văn hiến, mặt nữa là dồn sức vào văn hóa tâm linh. Có Lê Đại Hành cày Tịch điền dưới chân núi Đọi mở đầu một phong tục đẹp; Lý Thường Kiệt qua vùng đất này đánh giặc Chiêm Thành đã để lại cho dân vùng Quyển Sơn điệu hát Dậm riêng có; Triệu Quang Phục dạy dân vùng Cầu Không điệu hát Lải Lèn độc đáo, những sự tích và nhân vật thờ ở làng Dâu (An Mỹ, Bình Lục), ở Thanh Thủy (Thanh Liêm) và nhiều vùng quê khác nhắc nhở đến các trận đánh giặc Tống, giặc Minh, giặc Nguyên Mông… đã diễn ra trên vùng đất này. Ngôi chùa Đọi với ngôi Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh từng tồn tại đã được các nhà sử học, khảo cổ học coi là phiên bản của di tích Hoàng Thành Thăng Long. Nhiều hiện vật được tìm thấy tại chùa Đùng giống với các hiện vật tìm thấy tại chùa Đọi.

Vùng đất Hà Nam là nơi hội tụ của những nhân vật anh hùng, sự kiện lịch sử đậm nét nhưng tư liệu ít, chưa thành hệ thống và việc nghiên cứu chưa thật thấu đáo nên việc cần làm hiện nay là phải tập trung cho công tác bảo quản, bảo tồn vì khi cổ vật rời khỏi gốc nó chỉ còn giá trị bản thân, mất giá trị lịch sử. Và tiến tới là huy động các nguồn xã hội hóa cùng với các nhà chùa có tâm công đức tiến hành nghiên cứu những di tích có dấu ấn văn hóa, lịch sử đặc biệt để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản và cao hơn nữa là thực hiện những đề án, chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch của tỉnh đã đề ra. Việc làm tại chùa Đùng đang là một minh chứng cho sự chung tay bảo tồn, tôn tạo di tích giữa nhân dân, nhà chùa và chính quyền địa phương. Một địa chỉ vừa mang đậm dấu ấn tâm linh vừa mang đậm dấu ấn lịch sử hứa hẹn tạo nên bản sắc riêng trong tương lai.

Theo Báo Hà Nam điện tử