Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam năm 2021

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam năm 2021
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, là năm tổ chức Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen, trên quan điểm nhất quán trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tình hình phát triển  kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh Hà Nam đã đạt được những kết quả nổi bật, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch đề ra.

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tái bùng phát và lây lan trong cộng đồng, nhưng dưới sự lãnh đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã thực hiện tốt “mục tiêu kép", tình hình KT - XH tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại các địa phương trong tỉnh, tạo được sự tin tưởng trong công tác phòng, chống dịch đối với Nhân dân.

 8.jpg
​Thành phố Phủ Lý, Hà Nam ngày nay

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - giá SS 2010) năm 2021 ước đạt 41.430 tỷ đồng, tăng 8,85% so với cùng kỳ, là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 6 toàn quốc. Giá trị sản xuất nông nghiệp (giá SS2010) ước đạt 8.288,6 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ, đạt 99,66% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá SS2010) ước đạt 152.795 tỷ đồng tăng 14% so với năm 2020, bằng 101,3%, kế hoạch năm. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng. Tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì nghiệm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư; xây dựng và triển khai Chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ các khu, cụm công nghiệp. Trong năm thu hút được 42 dự án (bằng 58,3% so với cùng kỳ 2020) và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 34 dự án (bằng 55,7% so với cùng kỳ 2020) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh FDI là 285,1 triệu USD (bằng 36% so với cùng kỳ 2020) và 8.563,5 tỷ đồng (bằng 38,1% so với cùng kỳ 2020).

Thu cân đối ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt 12.957 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ, tăng 34,76% so với kế hoạch năm. Tổng mức hàng hoá bản lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 31.288 tỷ đồng, bằng 99,72% kế hoạch năm, tăng 9,9% so với năm 2020. Các hoạt động du lịch, xuất nhập khẩu đạt kết quả khá. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 4.001 triệu USD, tăng 30,0% so với năm 2020 và đạt 125,0% vượt kế hoạch năm.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai hiệu quả, tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện cả năm ước đạt 36.757 tỷ đồng, đạt 100,12% kế hoạch năm, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

9.jpg 

Quang cảnh Khu Du lịch Tam Chúc, Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam

Tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 -2025; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm và các dự án trọng điểm như: Dự án Đường nối từ chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính, dự án Hạ tầng khu du lịch Tam Chúc, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 68m, dự án phát triển đô thị Phủ Lý sử dụng vốn vay WB, các dự án giao thông trên địa bản tỉnh... Tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch xây dựng. Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, báo chí, thể dục thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân, hướng trọng tâm tuyên truyền chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường; công tác kiểm tra, kiểm soát bệnh tật, nhất là dịch bệnh Covid-19 được thực hiện tốt. Chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt tỉnh cũng chú trọng thành lập và vận động ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 tỉnh Hà Nam, tập trung triển khai Kế hoạch tổ chức tiêm phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến ngày 01/12/2021, vận động ủng hộ Quỹ Vắc-xin Covid -19 được 49,632 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trong cả nước phòng chống Covid-19 cả về nhân lực và vật lực. Cùng với đó, triển khai kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống Nhân dân được nâng lên. Các tiêu chí giáo dục được duy trì ổn định, có chiều hướng phát triển. Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 an toàn, đúng quy chế đạt kết quả tốt, là tỉnh đứng thứ 6 toàn quốc về điểm bình quân chung với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,18%. Văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông tiếp tục phát triển, nhiều hoạt động được tổ chức dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường; công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo khá toàn diện trên các nội dung, lĩnh vực. Hoạt động đối ngoại được triển khai bài bản, sâu rộng, hiệu quả; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Dự báo năm 2022, tình hình quốc gia và của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với tư duy, tầm chiến lược, tỉnh Hà Nam vẫn có tiềm năng, thế mạnh, cơ hội cho phát triển KT - XH năm 2022 với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, thúc đẩy phục hồi phát triển KT-XH, bảo đảm thực hiện tự chủ ngân sách. Quyết tâm phấn đấu tiêm vắc xin Covid -19 để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022; tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Để đạt được mục tiêu và 17 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội đề ra trong năm 2022, trong đó, phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (giá SS2010) đạt khoảng 45.493 tỷ đồng, tăng 9,8% so với ước thực hiện 2021; GRDP bình quân đầu người 86,1 triệu đồng, tăng 11,8% so với ước thực hiện 2021; thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 12.420,0 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,45%, giảm 1,15% so với năm 2021; tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,1% tăng 0,6% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ dân thành thị được dùng nước sạch đạt 97% tăng 0,5% so với năm 2021; lũy kế đến năm 2022, có 21 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu...

Tỉnh Hà Nam đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid 19 trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy phát triển KT - XH theo các mục tiêu đã đề ra; nỗ lực thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép". Tập trung triển khai các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Đại hội XIII của Đảng; kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2021-2025. Tập trung hoàn thiện, trình HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2022. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp có dự án mới hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Tổ chức thực hiện chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp. Phát triển mạnh thương mại - dịch vụ. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, hạn chế nợ đọng ngân sách. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, quy hoạch, trật tự đô thị.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và triển khai hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Những kết quả đạt được trong năm 2021 cùng với quyết tâm cao, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu nhiệm kỳ sẽ là tiền đề vững chắc để Hà Nam triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm (2021 - 2025) đã đề ra./.