Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những mô hình giảm nghèo ở Lý Nhân

Tin theo lĩnh vực Giảm nghèo bền vững  
Những mô hình giảm nghèo ở Lý Nhân
Theo ông Nguyễn Chín Hiệp, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Lý Nhân, nuôi bò là một mô hình sinh kế giảm nghèo đối với các hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Ở xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, gia đình ông Trần Văn Việt trước đây là hộ cận nghèo, được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội nuôi bò sinh sản, mang lại thu nhập ổn định, từ đó vươn lên thoát nghèo. Cách làm ăn của người nghèo thực tế không dễ, vì nền tảng kinh tế gia đình thiếu thốn, cùng nhiều nguyên nhân chủ quan khác để những ai có năng lực, có ý chí và giàu quyết tâm mới có thể tận dụng cơ hội để thoát nghèo. Nuôi bò là thí dụ, chỉ một vài con không thể giàu lên nhanh chóng, nhưng vốn liếng của người nghèo chỉ có vậy, do đó việc chắt chiu có thể giúp nhiều hộ có của ăn của để sau vài năm. Hiệu quả từ việc chăn nuôi bò đối với hộ nghèo đã mở rộng, trở thành các mô hình sinh kế được nhiều tổ chức hội chọn để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Từ năm 2017 đến nay, Hội Nông dân huyện đã tổ chức thực hiện chương trình trao tặng bò vàng cho nông dân nghèo, giúp  hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn nâng cao thu nhập từ việc chăn nuôi bò sinh sản, từng bước thoát nghèo. Ông Trần Xuân Kỷ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Vĩnh Trụ cho biết, thực hiện chương trình này, Hội Nông dân thị trấn đã triển khai mô hình “Cán bộ, hội viên, nông dân thực hành tiết kiệm tặng bò vàng cho hội viên nông dân nghèo giai đoạn 2017-2020". Để thực hiện tốt mô hình, hội đã vận động ủng hộ tiền từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó cán bộ, hội viên tiết kiệm ủng hộ để mua bò giống sinh sản tặng cho gia đình hội viên nghèo với số tiền 96 triệu đồng. 6 hộ nghèo được tặng 6 con bò để bắt đầu sinh kế.

Ông Kỷ nói: "Chúng tôi đánh giá hiệu quả mô hình này rất phù hợp với người nghèo trong phát triển kinh tế gia đình. Hộ nghèo giai đoạn này chủ yếu là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, thành viên trong gia đình hộ nghèo có người sức khỏe yếu, mắc bệnh nan y, hoặc khuyết tật… Nuôi bò là công việc phù hợp với khả năng và điều kiện của họ lúc này. Bởi vì, nếu trong hộ nghèo có người ở độ tuổi lao động, có sức khỏe họ có việc làm tại các công ty, có thu nhập ổn định rồi, không thể nghèo được".

Theo ông Nguyễn Chín Hiệp, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Lý Nhân, nuôi bò là một mô hình sinh kế giảm nghèo đối với các hộ nghèo trên địa bàn huyện. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã triển khai thực hiện mô hình sinh kế giảm nghèo tại xã Nhân Thịnh và Hợp Lý cho 41 hộ nghèo với tổng kinh phí được Trung ương hỗ trợ  600 triệu đồng. Ông Hiệp cho biết, sau khi được hỗ trợ theo quy định, UBND huyện Lý Nhân đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các hộ gia đình kỹ thuật chăm sóc bò để phát triển đàn thuận lợi.

Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người nghèo ở Lý Nhân đã giúp họ có cơ hội tham gia phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, thu nhập cao, ổn định đời sống. Ông Nguyễn Chín Hiệp đánh giá: Dự án nhân rộng mô hình sinh kế giảm nghèo, hỗ trợ tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập cho hộ nghèo, người nghèo đã hỗ trợ kỹ thuật để kết nối người nghèo với các chính sách hỗ trợ nhằm đa dạng hóa sinh kế, nhất là chính sách tín dụng, dạy nghề, khuyến nông, khuyến công… Hộ nghèo được đào tạo nghề miễn phí, được tạo việc làm để tăng thu nhập. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cùng với được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Các mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa được nhân rộng để người nghèo có cơ hội tiếp cận và tham gia… 

Trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn huyện có trên 1.500 lượt hộ nghèo được vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với doanh số cho vay trên 71,5 tỷ đồng, hơn 6.200 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với doanh số cho vay trên 300 tỷ đồng; hơn 1.500 lao động thuộc hộ nghèo được dạy nghề miễn phí với các lớp đào tạo nghề của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Với các chính sách hỗ trợ về y tế, toàn huyện có gần 45.000 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế với tổng kinh phí trên 29,9  tỷ đồng… Với các chính sách hỗ trợ này, người nghèo đã và đang bảo đảm các điều kiện để phát triển kinh tế, xây dựng nhiều mô hình trồng cây ăn quả kinh tế cao,  nuôi cá lồng trên sông Hồng, chăn nuôi gia cầm… Ông Nguyễn Chín Hiệp khẳng định: "Kết quả giảm nghèo chỉ có thể bền vững khi sinh kế của người dân được ổn định và bảo đảm bền vững".

Cho đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo ở Lý Nhân chỉ còn 2,06%, trung bình mỗi năm giảm 1,3%. Điều đáng nói, số người thuộc diện bảo trợ xã hội là hộ nghèo chiếm 70% trong số này. Vì thế, việc thực hiện mô hình giảm nghèo trong giai đoạn tới cần bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hộ nghèo. Chăn nuôi bò có lẽ vẫn là một trong những mô hình sinh kế phù hợp để người nghèo có thể tiếp cận và ổn định đời sống. Bên cạnh đó, Lý Nhân tiếp tục mở rộng một số mô hình trồng trọt, sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo không còn điều kiện tham gia thị trường lao động khác có thể tiếp cận để phát triển kinh tế gia đình.

 

Lê Hà