Thấm nhuần lời dạy “Thi đua là yêu nước, công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua" trong các thời kỳ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp để vượt qua khó khăn, giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước góp phần đưa quê hương Hà Nam vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
Chùa
Tam Chúc (trong Quy hoạch Khu du lịch Tam Chúc) đang được gấp rút xây dựng
Bước vào công cuộc đổi mới, nhất là sau hơn 20 năm tái lập, tỉnh Hà Nam với xuất phát điểm thấp trên một nền kinh tế thuần nông đã chuyển mình mạnh mẽ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã có nhiều sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực.
Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP tăng 11,03%. Thu ngân sách nhà nước liên tục tăng so với các năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng 60,4%, dịch vụ 28%, nông, lâm thủy sản 11,6%. GRDP bình quân đầu người đạt 47,24 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,4%. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến: Chất lượng giáo dục đào tạo, công tác khám, chữa bệnh được nâng cao; an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm ngày càng tốt hơn; chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể có nhiều đổi mới, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức của cán bộ đảng viên góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh.
Các phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" và phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới" đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ bức tranh nông nghiệp Hà Nam. Thực hiện chủ trương “Chung tay xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu kinh tế" nông nghiệp Hà Nam đã được đầu tư phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 7 nghìn 600 tỷ đồng. Năng suất lúa luôn duy trì ở mức 11 - 12 tấn/ha/năm. Nhiều vùng nông nghiệp chất lượng cao được quy hoạch. Trong đó có những vùng đã thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước như VinGroup, Dabaco, Vinamilk... và các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Isarel.
Bằng kinh nghiệm, sự cần cù chịu khó và khả năng áp dụng công nghệ vào chăn nuôi, Đề án chăn nuôi bò sữa quy mô lớn đang là hướng phát triển nông nghiệp bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 11 khu chăn nuôi tập trung với sản lượng sữa bình quân đạt 6,5 tấn/ngày. Từ đó, góp phần hình thành chuỗi sản xuất, chế biến sữa liên hoàn đồng bộ của 4 nhà là: Nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Dạy
nghề cho lao động mới tại Công ty TNHH Hà Anh, xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm)
Phong trào xây dựng nông thôn mới có tính lan tỏa mạnh mẽ. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nông dân được cải thiện. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 78/114 xã phường đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện đạt huyện nông thôn mới.
Các phong trào thi đua “Lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm", “Sáng kiến - cải tiến kỹ thuật" nhất là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo" có sức lan tỏa mạnh mẽ đã góp phần làm nên diện mạo Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Nam theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.
Thực hiện nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016 - 2025, cùng với tăng cường, thu hút đầu tư trong nước, Hà Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, giúp ngành công nghiệp Hà Nam không ngừng phát triển. Trong đó, tập trung xúc tiến đầu tư song phương, chủ động thu hút doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và doanh nghiệp lớn trong nước, tạo động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Cùng với đó, sản xuất trong các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Các đề án phát triển nghề, làng nghề được triển khai. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề ở Hà Nam đã có mặt trên thị trường trong nước và thế giới từng bước khẳng định tâm huyết và tay nghề của thợ thủ công truyền thống Hà Nam trên đường hội nhập.
Lực
lượng vũ trang tỉnh diễu binh tại lễ ra quân huấn luyện
Các phong trào thi đua trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch được đẩy mạnh. Qua đó, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế góp phần tạo tiền đề đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch. Các hoạt động vận tải, bưu chính viễn thông, điện, cấp nước sạch có mức tăng trưởng khá, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Nhiều trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn, khu lưu trú lữ hành đã được đầu tư xây dựng. Kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh được tập trung đầu tư với khối lượng lớn, tốc độ nhanh. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương và sự đồng thuận của toàn dân, Hà Nam đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng nhiều tuyến quốc lộ, đường cao tốc đồng thời triển khai xây dựng tuyến đường vành đai, đường nối hai cao tốc Hải Phòng-Cầu Giẽ-Ninh Bình, sự hình thành các tuyến đường tránh, đường tỉnh lộ đã tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, hiện đại.
Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị được chú trọng theo hướng tổ chức không gian kinh tế đô thị, phát triển chuỗi và chùm đô thị hiện đại. Tiến trình đô thị hóa còn làm cho diện mạo các thị trấn, thị tứ trở nên sôi động và hiện đại hơn.
Sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh Hà Nam đã đạt được kết quả toàn diện cả về quy mô, chất lượng và cơ sở vật chất trường học. Đến nay, đã có trên 310 trường đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ trường học được kiên cố hóa đạt hơn 90%. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%. Việc đổi mới phương pháp dạy học được thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; rèn luyện phương pháp tự học; chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Các cuộc thi Quốc gia và Olympic quốc tế, Hà Nam đều có học sinh đạt giải và đạt huy chương. Điểm trung bình thi THPT Quốc gia xếp trong tốp đầu toàn quốc.
Bên cạnh công tác giáo dục, hoạt động đào tạo nghề, lao động chất lượng cao được quan tâm. Các trường nghề được đầu tư về cơ sở, trang thiết bị dạy, học và thực hành đáp ứng với yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Mỗi năm tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55%. Do đó, về cơ bản, nguồn nhân lực đã qua đào tạo đều đáp ứng với yêu cầu công việc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hoạt động y tế đáp ứng việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Cơ sở vật chất ngành y tế liên tục được nâng cấp hiện đại, trình độ thầy thuốc được nâng lên đáng kể. Tỉnh được quy hoạch Khu trung tâm Y tế chất lượng cao cấp vùng tại thành phố Phủ Lý với quy mô 940ha và hơn 7000 giường bệnh. Thu hút nhiều bệnh viện lớn tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện Lão khoa về đầu tư xây dựng cơ sở II tại tỉnh.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và phong trào, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được lồng ghép với phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 88% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 85% thôn làng, khu dân cư văn hóa; 29,9% dân số tập thể dục thể thao thường xuyên.
Rau
công nghệ cao tại Công ty VINECO
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng. Các lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, lễ phát lương đền Trần Thương, Lễ hội Đền Lảnh Giang được phục dựng và tổ chức thành công. Các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống đã được khẳng định như: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Lảnh Giang, Lễ hội vật võ Liễu Đôi, Lễ hội Tịch điền. Các di tích quốc gia đặc biệt như Đền Trần Thương, Chùa Đọi Sơn, Bảo vật Quốc gia Bia Sùng Thiện Diên Linh cùng hàng trăm Di tích cấp quốc gia được công nhận. Tỉnh cũng đã đăng cai tổ chức các giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế đã góp phần tạo nền tảng tinh thần, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tâm linh của nhân dân đặc biệt là quảng bá về mảnh đất, con người Hà Nam tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Các khu du lịch được đầu tư xây dựng, trong đó điểm nhấn là Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao điều chỉnh mở rộng Quy hoạch lên gần 6.000 ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục các khu du lịch trọng điểm Quốc gia đã góp phần hình thành nhiều trục, tuyến du lịch Hà Nam, từng bước khẳng định vị trí của Du lịch Hà Nam trên bản đồ du lịch đất nước.
Công tác đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn" đã huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội giúp đỡ gia đình liệt sỹ, thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với nước, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Công tác giảm nghèo được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở tạo tiền đề cơ bản để hộ nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo từ 5,81% năm 2015 xuống còn 3,44% năm 2017.
“Phát huy truyền thống cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ", lực lượng vũ trang tỉnh Hà Nam đã tổ chức tốt phong trào Thi đua Quyết thắng, góp phần tích cực xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Lực lượng vũ trang Hà Nam ngày một chính quy, toàn diện, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh được triển khai đi vào chiều sâu. Tiềm lực, thế trận quân sự khu vực phòng thủ tỉnh được tăng cường, nền quốc phòng toàn dân được củng cố vững chắc. Thông qua các phong trào lực lượng vũ trang Hà Nam ngày càng trưởng thành, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ" tiếp tục được phát huy trong thời kỳ mới.
Đường
giao thông nông thôn tại làng dệt Nha Xá, xã Mộc Nam (huyện Duy Tiên)
Các phong trào trong lực lượng công an nhân dân như “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được gắn kết, lồng ghép với phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc", phong trào “Vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân" và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ" đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, chính trị cơ sở ổn định
Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam ngày một vững mạnh. Để thực hiện tốt các chủ đề thi đua nhất là giai đoạn 2016 - 2020 là “Ðoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" của Ban Bí thư, Hà Nam đã xác định và quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác xây dựng Đảng luôn được coi trọng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến", “Tự chuyển hóa" trong nội bộ", gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" được triển khai thực hiện nghiêm túc trong toàn Đảng bộ, các cấp ủy Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng được tiến hành công khai, quyết liệt, đúng nguyên tắc; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Điều này, đã góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ mới; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội. Bình quân hàng năm số tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt 85%.
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhưng lời dạy của Người vẫn có sức lan tỏa rộng lớn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam nhận thức sâu sắc tư tưởng của Người về thi đua yêu nước; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng xây dựng Hà Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển./.