Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tên làng Hà Nam

Lịch sử - Văn hóa  
Tên làng Hà Nam
Tìm hiểu tên đất, tên làng là một việc lý thú, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Mỗi nơi một vẻ, những phong cảnh núi sông, sản vật, tình người là văn hóa bản địa độc đáo cho ta thêm yêu quê hương, đất nước.
Đọc từng trang sử viết về Hà Nam, thường bắt gặp những địa danh, tên làng, tên xã, tổng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những người xa quê mang theo ký ức: "Quê nhà còn đĩa dầu hao/Dập dềnh hoa súng ướt sao cuối trời" (Trường ca Đồng chiêm). Có những cựu chiến binh tìm được người thân của đồng đội, dù ở sông Châu, sông Mã, qua lời dặn chỉ nhớ tên làng, bến đò sẽ tìm ra…
Hiện các địa phương, các ngành… đều viết sử của tổ chức mình. Ngoài những tên truyền từ xưa, còn có những tên gọi khác thời kháng chiến chống Pháp. Xã Đức Mộ, tổng Phù Lưu, đặt tên xã là Nguyễn Úy. Xã Cao Mật, tổng Phương Đàn đặt là Lê Hồ, hai nhà cách mạng quê Kim Bảng. Lam Hạ, núi Chanh Chè, núi Chùa, cây đa bốt Đệp…  là tự hào của người Hà Nam.

Làng xã là cộng đồng gắn xóm giềng và dòng họ, đặt tên theo chữ Hán - Việt, thường dùng trong văn bản nhà nước, các sách địa lí, lịch sử, sắc phong, sách đồng của các triều đại phong kiến và tên Nôm được dùng thông dụng.

Hà Nam trong dư địa chí cận kim thuộc tỉnh Hà Nội. Học giả Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), người tu bổ đền Ngọc Sơn, dựng đài nghiên tháp bút, cổ súy học phong, chấn hưng văn hóa, khảo cứu châu Lợi Nhân (đã khắc vào bia chùa Giầu xã Đinh Xá, Bình Lục cuối thời Trần). Sơn Nam Thừa Tuyên trong bản đồ Hồng Đức họa Lý Nhân phủ, gồm 5 huyện: Thanh Liêm, Bình Lục, Kim Bảng, Nam Xương, Duy Tiên là đất tỉnh Hà Nam ngày nay.
ha_nam_1-11_13_29_345.jpg
Núi Đọi, sông Châu. Ảnh tư liệu

Năm Minh Mạng thứ ba (1822), hoàng triều chọn phủ Lý Nhân cùng các phủ Ứng Hòa, Hoài Đức, Thường Tín lập tỉnh Hà Nội. 68 năm sau, ngày 20 tháng 10 năm Thành Thái thứ hai (1890), lại tách phủ Lý Nhân thành lập tỉnh Hà Nam. Ý nghĩa tên gọi Hà Nam, có sông đại hà ( sông Hồng), cùng Nam Định phía Nam Hà Nội, còn Phủ Lý được gọi từ phủ Lý Nhân. Năm Mậu Thân (1908), châu Lạc Thủy nhập vào Hà Nam, đến  năm Quý Tỵ (1953) trả lại đất Hòa Bình. Tỉnh nhỏ đặt chức quan Tuần phủ coi về chính trị, giữ gìn phong tục. Cử nhân Trần Xuân Sơn, Án sát Thái Nguyên người xã Vũ Bản, quan Đốc học đầu tiên của tỉnh Hà Nam.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, chính quyền cách mạng bỏ 42 tổng, dồn 365 xã trong tỉnh để lập xã mới. Ba huyện Lý Nhân, Duy Tiên, Thanh Liêm, chia định địa giới lấy chữ đầu, chữ cuối tên huyện đặt cho các xã. Duy Hải, Duy Minh, Tiên Nội, Tiên Ngoại (Duy Tiên). Nhân Chính, Nhân Khang, Công Lý, Hợp Lý (Lý Nhân). Thanh Thủy, Thanh Hải, Liêm Phong, Liêm Sơn (Thanh Liêm). Có làng nghĩa chữ tươi đẹp như Xuân Khê, dòng nước mùa Xuân nên vẫn giữ danh cũ, sau thay đổi do điều chỉnh địa giới hành chính như: Hòa Hậu (Nhân Hòa, Nhân Hậu), Phú Phúc (Nhân Phú, Nhân Phúc), Tiến Thắng (Nhân Tiến, Nhân Thắng…).

Địa danh dựa theo hình thái địa lý núi sông, các danh thần:

Núi Đọi (đọi đèn, đọi cơm), tên chữ Long Đọi Sơn, vua Lý Nhân Tông (1072-1128) đặt năm dựng chùa cất bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh (1121).

Cổ lai Điệp Sơn qua bài minh chuông (văn đúc vào chuông) do cử nhân Vũ Minh Phủ, Tri huyện Duy Tiên, ông tổ họ Vũ làng Thọ Cầu, tổng Đọi Sơn đúc mùa Xuân niên hiệu Minh Mạng thứ 4, Quý Mùi ( 1822) cho hay:  Núi Điệp ( Kim ngưu - Trâu vàng) dân quanh vùng quen gọi núi Đệp, đỉnh núi có danh tích Kim Ngưu sơn tự, chân núi đặt phủ huyện xưa, nay là chợ Đệp sầm uất, họp đổi phiên với chợ Phúc.

Núi An Lão, tên chữ Nguyệt Hằng, chúa Trịnh phong là tiểu thắng quan, nhà thơ Tam nguyên Yên Đổ đặt tên Quế Sơn (núi Quế) cho tập thơ "Quế Sơn thi tập", cũng là bút danh của ông.

Ba Sao đặt theo phong thủy. "Hai bên thì núi giữa thì sông", thắng cảnh Kẽm Trống lên ngôi trong thơ Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đọi  Lĩnh (lĩnh cũng là núi), Bút phong (Phong cũng là núi)…

Đất hội đủ 3 cấp sông: đại hà (Hồng hà), giang (Châu giang, Đáy giang), xuyên (Long xuyên). Nội thông, ngoại thủy, là cung đường chiến lược, lộ trình dời đô nhà Lý.

Sông Châu (Châu giang) có trai ngọc quý làm đồ trang sức, tương truyền cổ thủy sông Hồng, mang phù sa trẻ góp nên đồng bằng…, lại có làng Cổ Châu (Cầu Giẽ) khơi gợi tên sông. Châu giang một nhánh rẽ sông Sắt, Tri huyện Bình Lục - Ngô Vi Liễn soạn "Địa dư huyện Bình Lục" xuất bản năm 1935 gọi là sông Phủ Lý. Nguồn sông xanh, 60 năm trước, Bác Hồ về đập Cát Tường cùng dân chống hạn cứu lúa.

Tiến sỹ khoa Mậu Tuất (1898) Bùi Thức (1819-1915), nối dòng họ Bùi khoa bảng bút danh Châu Thần (người sông Châu), tri ân đất mẹ dưỡng dục thành tài. Sông Đáy (Đáy giang), tên chữ là Thủy Để (Để là đáy). Thơ cổ: "Bán trầm thủy để, bán phù không", tả cảnh trăng thu, nửa soi đáy nước nửa lồng chân mây, nghệ thuật cờ tướng có nước thủy để. Thị trấn Hòa Mạc trên nền dòng lịch sử Thiên Mạc, nhớ chiến tích của quân dân Đại Việt.

Các làng chài bên sông gọi là Thủy cơ, thủy là nước, cơ là nền (Tiên Phong, Duy Tiên). Vạn Nghệ, vạn chài của những người gốc xứ Nghệ (Văn Lý, Lý Nhân). Sông chia ba ngả, uốn cong lưỡi móng, giang bạ triều Nguyễn do tiến sĩ dân gian Dương Văn Căn lập cho vạn chài gọi ngã ba sông Móng, nơi phát tích các làn điệu dân ca Hà Nam.

Hà Nam trong dư địa chí cận kim thuộc tỉnh Hà Nội. Học giả Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), người tu bổ đền Ngọc Sơn, dựng đài nghiên tháp bút, cổ súy học phong, chấn hưng văn hóa, khảo cứu châu Lợi Nhân (đã khắc vào bia chùa Giầu xã Đinh Xá, Bình Lục cuối thời Trần). Sơn Nam Thừa Tuyên trong bản đồ Hồng Đức họa Lý Nhân phủ, gồm 5 huyện: Thanh Liêm, Bình Lục, Kim Bảng, Nam Xương, Duy Tiên là đất tỉnh Hà Nam ngày nay.

Từ những biến cố thiên nhiên:

Sau trận vỡ đê đại hà, ngày 25 tháng 7 năm Canh Tuất (1910), ngập toàn tỉnh Hà Nam, hình thành Tắc giang gọng vó. "Quai Mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi", chưa hết nỗi lo, khi nhắc làng Đầm, quai Mễ trong thơ ca.

Sông lở cát bồi: Diên Hà xã Phú Phúc, gốc tả ngạn Thái Bình quê nhà bác học Lê Quý Đôn. Làng Chi Long từ Phủ Phượng, Tiên Lữ, Hưng Yên sang hữu ngạn Lý Nhân. Dân làng Lệ Thủy, xã Trác Văn qua sông lập làng Phúc Thủy, tạ ơn đôi quê cùng chung dòng nước.

Theo sự tích các vị thần, các sự kiện lịch sử:

Trần Thương, tên Nôm là làng Miễu, dấu tích kho lương nhà Trần. Vũ Điện, dựa theo tích "Người con gái Nam Xương". Đền Trúc, Cấm Sơn thờ danh thần Lý Thường Kiệt, rừng trúc mãi âm vang khúc hát Dậm hội mừng thắng trận… Làng Câu Tử, còn truyền mãi chuyện con ngựa của một chiến tướng thuở nào.

Dưới chân núi Cõi, nơi phát tích nhà Tiền Lê, non xanh nước biếc, trúc mọc chim ca tạo cảnh đẹp Trúc Khê (trúc bên bờ nước). Động Xá, hàm nghĩa nơi ở thoáng đãng có làng Ngũ Giáp (xã Liêm Cần, Thanh Liêm). Đình làng thờ thiên thần Không Hoàng Đô Tể. Không Hoàng tên một loại trúc, còn Đô Tể chức quan nhà Hậu Lê sắc phong cho làng phụng thờ coi một xã, (Đô chủng quan coi một vùng rộng). Vĩnh Trụ nghĩa là trụ cột lâu dài mãi mãi…

Đất cổ Sơn Nam người tài, kho của "các triều phí dụng nuôi quân đều nhờ vùng này" (Nguyễn Trãi), đậm dấu văn hóa Trần, Lê Trung Hưng. Nơi xét xử, nhà Trần gọi là Quán Nha, nay còn tên thôn xã Tiên Hải, thành phố Phủ Lý, trước Tiền Nha, sau Hậu Nha; còn Quan Nha, nơi đóng quân vòng ngoài Ty Hiến sát xứ Sơn Nam thời Lê - Trịnh, nay còn làng Quan Nha, xã Yên Bắc.

Đình Ngọ nơi vua Trần nghỉ trưa. Tướng Trần Khắc Chung (gốc họ Đỗ được ban quốc tính), người vào trại Thoát Hoan giữa rừng tên mũi giáo, xây đình, cấp đất cho dân, làng mang tên Đỗ Xá. Hậu duệ Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải dựng từ đường trên đất Đỗ Nội. Tấm bia hậu đặt nhà tổ chùa Đỗ Nội, ghi ơn người góp ruộng xây chùa để người  nay công đức noi theo.

Lũng Xuyên, xã Yên Bắc (Duy Tiên), quê người vẽ cờ Tổ quốc Nguyễn Hữu Tiến (1901-1941). Lũng là ruộng, xuyên là sông. Lũng còn là tên loại gạo tẻ đá xứ đồng chiêm.

Lúa Lũng nước no xanh trải lá

Trúc đồi khoe đượm biếc phô cành

(Lê Quý Đôn)

Làng Lũng Xuyên vì thế có tên Nôm là làng Gạo. Đồng chiêm Bình Lục mọc nhiều cây và nước nên làng Vị Thượng gọi là làng Và, quê thần thơ Nguyễn Khuyến, thiên hạ cũng tôn ông là Hoàng Và (Hoàng giáp làng Và).

Đặt theo tính chất các làng nghề:

Làng sừng, tên chữ Đô Hai. Danh gọi Thụy Lôi, nối đời truyền lửa lò gốm, trồng được cà tiến vua gọi là làng gốm, cà gốm.

ha_nam_2-11_13_29_455.jpg

Bánh đa làng Chều, xã Nguyên Lý (Lý Nhân). Ảnh: Thế Tuân

Làng bánh đa Chều, văn tự ghi là Đống Ngoại, xã Mão Cầu, tổng Ngu Nhuế, nay là xã Nguyên Lý, Lý Nhân. Chiều chiều chợ quê họp bên sông Long Xuyên, tấp nập thuyền bè thương lái người Hoa từ phố Hiến qua lại "Cầu Không, Cầu Tế, Cầu Chều/Có ba nén bạc để đầu cầu kia"…, cốc mễ (lúa gạo) từ trúc chu (thuyền nan) lên bờ, bánh đa xuống thuyền... Chợ chiều họ gọi chệch thành chều. Mão (từ 5-7h sáng) mặt trời lên, Cầu là vùng đất. Tên gọi Mão Cầu là mong ước của người thợ làm bánh. Thế mới hay thiên thời, địa lợi, nhân hòa, âm dương đối đãi, khéo vận dụng để thành công.
Trịnh Thượng, Trịnh Hạ, thôn Trần Xá do hai mỹ nhân làng thành vương cô phủ chúa Trịnh. Gần đấy lại có làng Ruốm, nguyên có ngôi đền giữa vườn duối cổ thụ thờ Liễu Hạnh công chúa, vị thần chủ đạo Mẫu  người Việt, kiêng kỵ mới gọi chệch duối thành Ruốm.

Làng Sái (sái: bệnh), tên chữ làng An Thái, Bình Lục có y thuật chữa hiếm muộn. Làng Ngọc Lũ tên nôm là làng Chủ, có phiên chợ cùng tên. Đọi Tam cổ nhân quen gọi làng trống, Giáp Ba. Bãi ven sông san lấp làm nơi giao thương thành chợ Sông…, Cảo Môn đất đẹp, đất Trần triều ban cho các quý tộc, nhiều sản vật quý. Người thức khuya dạy sớm gọi là Tảo Môn. "Gái Nha Xá má đào soi mặt lụa", Trần Khánh Dư về Nha Xá dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, mở nghề dệt lụa.

Hàm ý ẩn ước:

Thư Lâu ( lầu sách), Hàn Mặc (bút mực)  mong ước học hành đỗ đạt. Làng Lam Cầu, có tổng Lam Cầu,  nơi trai thanh gái lịch gặp nhau, thi hào Nguyễn Du (1765-1820) mượn điển tích đưa vào truyện Kiều.

Giải mã từ Hán - Việt, bạch là thứ lụa dệt từ tơ nõn, sam là áo. Dân làng Bạch Sam, Bạch Thượng, Duy Tiên đang thực hiện mong ước người xưa làm giàu, ăn ngon mặc đẹp. Thọ Cầu, mong muốn sống thọ để phúc cháu con … Những người sành ẩm thực không thể quên men rượu Vọc, Thành Thị, xã Vũ Bản; rượu Bèo, xã Tiên Ngoại; rượu Phúc, làng Phúc Châu, Hợp Lý… Nhiều phẩm vật, gen quý được truyền tụng trong phong dao ngạn ngữ: "Cầu Không thì lắm vịt con/Đại Hoàng chuối ngự ai buôn cũng lời", "Nụ chè Bài Lễ, măng bương núi Vồng"… nhắc là nhớ đến làng.
Theo Báo Hà Nam điện tử