Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Hội Nông dân (HND) các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng các hộ nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương HND Việt Nam nêu rõ: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HND Việt Nam đáp ứng với yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới và Đại hội Đại biểu toàn quốc HND Việt Nam (nhiệm kỳ 2023- 2028) thành công tốt đẹp. Vì thế, Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là sự động viên, khuyến khích to lớn đối với cán bộ, hội viên nông dân cả nước.
Qua 4 lần tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia.
Đó là nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ nông dân, nhất là nông dân trẻ khởi nghiệp; chính sách an sinh xã hội, quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Qua chuẩn bị Hội nghị đối thoại, Trung ương HND Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, hội viên nông dân cả nước; đã có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, bà con nông dân mong muốn Chính phủ có các chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023; tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị; giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long; một số biện pháp hỗ trợ cụ thể thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp như trang bị thiết bị, hạ tầng mạng, viễn thông; đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền; các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là việc thực hiện các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững.
Nông dân cũng kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học; quy hoạch, phát triển công nghiệp, làng nghề chưa khoa học, thiếu tính khả thi… để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống.
Bên cạnh đó, quan tâm tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho nông dân như: việc làm tại chỗ sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở khu công nghiệp...
Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã xem xét, quyết định các giải pháp, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sự sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.
Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xác định "nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới"; là nền tảng thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng đề nghị cán bộ, hội viên nông dân toàn quốc nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng làm giàu, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Các cấp HND cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn...
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, HTX... tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Hải Yến
Theo baohanam.com.vn
https://baohanam.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-doi-thoai-voi-nong-dan-111342.html