Chủ trì hội thảo có các đồng chí: GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 35 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thị Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.
Dự hội nghị có các đồng chí đại diện BTV Tỉnh ủy; thành viên BCĐ 35 tỉnh; đại diện: Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, BCĐ 35 các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; đông đảo nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Hà Nam.
Phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo, đồng chí Đinh Thị Lụa nhấn mạnh: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn của Ðảng. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nam luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đạt được kết quả quan trọng, toàn diện. Cùng đó, Tỉnh ủy luôn tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên (CBĐV), Nhân dân; chủ động phát hiện, nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Thường xuyên kiện toàn BCĐ 35 các cấp; chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên rộng khắp nhằm chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đến nay, lực lượng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trên địa bàn tỉnh có bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp vững vàng, tiên phong trên mặt trận tư tưởng lý luận; thường xuyên nắm chắc dư luận xã hội, tình hình tư tưởng CBĐV, các tầng lớp Nhân dân; tham mưu cấp ủy, chính quyền ứng phó kịp thời trước âm mưu của các thế lực thù địch, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp. Các kênh thông tin truyên truyền của BCĐ 35 các cấp được duy trì hoạt động hiệu quả.
Công tác theo dõi, phát hiện xử lý, đấu tranh, ngăn chặn, phản bác thông tin sai trái, thù địch bước đầu đạt kết quả tốt... Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Hội thảo Khoa học do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức là dịp để các cơ quan, đơn vị, địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện rõ những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, từ đó có những chủ trương, biện pháp đối phó phù hợp, hiệu quả.
Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ngay từ khi bắt đầu thời kỳ đổi mới (năm 1986), Đảng ta đã xác định: một mặt tập trung phát triển kinh tế, sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, đồng thời ưu tiên phát triển xã hội để đảm bảo mục tiêu hướng đến con người, tất cả vì con người. Quan điểm này tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trong những kỳ Đại hội Đảng sau này. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, địa phương đã cụ thể hóa thành chính sách trên từng lĩnh vực, bao trùm mọi mặt đời sống con người.
Theo đó, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội luôn được xác định cụ thể, toàn diện hơn, được triển khai thực hiện bài bản, đồng bộ hơn. Nhờ vậy, sau gần 40 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, thể hiện sinh động, sâu sắc bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, có lúc, có nơi vẫn bộc lộ một số hạn chế. Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch đã tung ra những chiêu bài, luận điệu chống phá với mục đích xuyên tạc, phủ nhận chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước với nhân dân; từ đó gây chia rẽ nội bộ, kích động các hoạt động gây rối. Vì vậy, rất cần có những nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu về nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ đó đưa ra giải pháp tăng cường đấu tranh, phản bác có hiệu quả, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tại hội thảo, trên 30 tham luận của các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung thảo luận về vấn đề lý luận, thực tiễn xoay quanh chủ đề hội thảo và một số nội dung như: Nhận diện rõ quan điểm sai trái, thù địch về tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam thời gian qua; những kết quả của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội nhằm cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cùng với đó, chia sẻ kết quả, kinh nghiệm của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nhằm góp phần khẳng định, lan tỏa kết quả trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; trao đổi, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.
Ngoài các tham luận làm rõ chủ đề hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học cũng trao đổi, cho ý kiến thêm về một số giải pháp cụ thể gắn với đặc thù của các ngành, địa phương nhằm góp phần thực hiện tốt hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thời gian tới.
Phát biểu tổng kết hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc, Phó trưởng Ban thường trực BCĐ 35 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị cần tiếp tục nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của các lực lượng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, tự giác, tích hợp với nhiệm vụ chính trị chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nghiên cứu, vận dụng những nội dung đề cập tại hội thảo, nhất là kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị, địa phương nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị.
GS,TS Lê Văn Lợi cũng nhấn mạnh: Các báo cáo khoa học tham dự hội thảo là những sản phẩm nghiên cứu có chất lượng tốt, đầu tư công phu, chia sẻ kinh nghiệm quý được đúc rút từ quá trình trực tiếp tham gia nghiên cứu, giảng dạy, hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách. Do vậy, sau hội thảo, các đại biểu tiếp tục hoàn thiện tham luận, tổ chức phổ biến, lan tỏa trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền, nhất là trong thời điểm các địa phương đang chuẩn bị xây dựng dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ. Cùng với đó, các trường chính trị nghiên cứu, chắt lọc nội dung hội thảo phục vụ trực tiếp cho quá trình nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền.
Mặt khác, tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phát huy tốt hơn vai trò của các trường chính trị trong xây dựng, hoạch định chính sách phát triển KT-XH của địa phương, góp phần thực hiện tốt hơn nữa việc gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Mặt khác, nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, kiến nghị chính sách, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia tại địa phương, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công cuộc phát triển KT-XH tại địa phương.
Nguyễn Hằng
https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/tinh-uy-ha-nam-hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-ho-chi-minh-phoi-hop-to-chuc-hoi-thao-khoa-hoc-126421.html