Ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT: Lợi ích lớn cho người bệnh, cơ sở y tế và cơ quan BHXH (Ảnh minh họa)
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06 năm 2022, BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
BHXH Việt Nam đã nâng cấp, điều chỉnh Cổng tiếp nhận (thuộc Hệ thống Giám định BHYT) và Phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc; đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại Quảng Bình và Hà Nội.
Việc tích hợp công nghệ sinh trắc trong KCB BHYT đã mang lại lợi ích lớn cho người dân, cơ sở KCB và cơ quan BHXH. Trước đây, cán bộ y tế phải tự xác thực CCCD và thẻ BHYT bằng mắt thường khi tiếp đón bệnh nhân, quy trình phải thực hiện tối thiểu là 4 bước: (1) là lấy số thứ tự bằng CCCD, thẻ BHYT, VssID, VNeID; (2) là qua bộ phận hướng dẫn để thông tin thủ tục; (3) là đến bộ phận tiếp đón để xuất trình thẻ BHYT, xuất trình CCCD để cán bộ kiểm tra, (4) là Phân luồng vào KCB.
Trong đó, chỉ riêng việc đối chiếu so khớp thông tin bằng mắt thường, nhập thông tin vào hệ thống; đi lại ở các địa điểm (các quầy làm thủ tục), ước tính không dưới 10 phút/địa điểm, ngoài ra còn có thể phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ để đến lượt làm thủ tục; ngoài ra mỗi quầy tiếp đón phải bố trí 01 cán bộ y tế.
Khi triển khai thí điểm KCB BHYT có tích hợp xác thực sinh trắc, quy trình từ 4 bước rút gọn còn 2 bước, do đã kết hợp xác thực sinh trắc và tra cứu thẻ BHYT, phân luồng vào khám chữa bệnh ngay từ đầu (người dân tự check-in và xác thực sinh trắc). Thời gian trung bình xác thực là 6-13 giây trên 1 lượt thực hiện, với độ chính xác rất cao; chỉ cần 1 cán bộ y tế cho tất cả các quầy xác thực.
Thay đổi này giúp người bệnh: Giảm thiểu tối đa thời gian, các loại giấy tờ cho người dân khi làm thủ tục đăng ký vào KCB BHYT. Thay vì phải mất thời gian chờ đợi đến lượt được nhân viên y tế gọi vào xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh như trước đây để đăng ký vào KCB BHYT thì nay người dân có thể chủ động, tự sử dụng CCCD làm thủ tục đăng ký vào KCB BHYT ngay tại máy tự động tiếp đón mà không phải thông qua nhân viên y tế. Tiết kiệm thời gian trung bình làm thủ tục từ 10 phút đến vài giờ, nay chỉ còn xác thực tại máy khoảng 6-15 giây trên một bệnh nhân. Người bệnh được phân vào chuyên khoa KCB sớm hơn rất nhiều so với trước đây. Với 170 triệu lượt KCB BHYT hàng năm, nếu triển khai đầy đủ trong tương lai có thể tiết kiệm cho người bệnh số tiền rất lớn mỗi năm. Đảm bảo công bằng trong việc lấy số thứ tự vào KCB BHYT. Trước đây, số thứ tự đăng ký vào KCB BHYT được lấy theo số thứ tự ngẫu nhiên và xuất hiện tình trạng "mua bán" số thứ tự vào KCB cho người bệnh dù có đến muộn vẫn có số vào khám trước. Khi triển khai máy tự động tiếp đón tích hợp xác thực sinh trắc, số thứ tự đăng ký vào KCB trong một buổi được cấp duy nhất 1 lần theo mã thẻ BHYT và thông tin xác thực sinh trắc của người bệnh nên đảm bảo được nguyên tắc công bằng đến trước, khám trước.
Ảnh minh họa
Đối với cơ sở KCB: Giảm bớt nhân viên y tế cán bộ y tế phải trực tại bộ phận đón tiếp. Giảm tải thời gian, áp lực, hiện tượng ùn tắc cho cơ sở y tế tại bộ phận tiếp đón người bệnh đăng ký vào KCB BHYT, đặc biệt là trong các giờ cao điểm, tập trung đông bệnh nhân. Chỉ những trường hợp không có CCCD hoặc thực hiện đăng ký vào KCB bằng CCCD tại máy tiếp đón tự động không thành công mới cần phải đến làm thủ tục đăng ký tại quầy tiếp đón có nhân viên y tế. Khi triển khai máy tiếp đón tự động, trung bình một buổi cơ sở y tế đẩy nhanh, tiết kiệm được tổng thời gian tiếp đón từ khoảng 1 đến 1,5 giờ.
Đối với cơ quan BHXH: Khắc phục được tình trạng mượn thẻ BHYT; tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT. Đồng thời, với việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDL quốc gia về dân cư và CSDL quốc gia về bảo hiểm, cùng với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc sẽ giúp nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử; hạn chế gian lận, trục lợi trong KCB BHYT... Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác KCB BHYT, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia./.