Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ý chí, nghị lực của một người cộng sản

Tin theo lĩnh vực Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện  
Ý chí, nghị lực của một người cộng sản
Lương Khánh Thiện - Nhà hoạt động chính trị tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam được biết đến là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tên tuổi, ý chí, nghị lực vượt khó, tinh thần bất khuất trước kẻ thù, những công lao, đóng góp, hy sinh to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam đã trở thành niềm tự hào, là tấm gương để chúng ta học tập, noi theo.

luong_khanh_thien-10_16_24_395.png

Nhà cách mạng Lương Khánh Thiện

Vượt lên khó khăn

Sinh ra ở vùng quê chiêm trũng nghèo Mễ Tràng, Liêm Chính, Thanh Liêm (nay là thành phố Phủ Lý), xuất thân từ tầng lớp dân nghèo dưới chế độ thực dân, phong kiến nên mặc dù con một gia đình có học nhưng nhà cách mạng Lương Khánh Thiện ngay từ lúc lọt lòng đã phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả. Khi còn nhỏ, Lương Khánh Thiện phải ở cùng bà nội. 

Trong hoàn cảnh nghèo khó, Lương Khánh Thiện luôn tỏ ra cứng cỏi, sớm có tính tự lập, đặc biệt rất chăm ngoan, hiếu học và học giỏi. Chính vì thế, ngoài chút vốn liếng chữ Nho do gia đình truyền dạy, Lương Khánh Thiện rất ước ao được mở rộng tầm hiểu biết thông qua học chữ Quốc ngữ. Ý chí và niềm ước ao  ấy được bà nội, cô bác họ hàng giúp đỡ, Lương Khánh Thiện vào lớp đồng ấu trường hàng tổng học chữ Quốc ngữ. 

Sáng dạ, sẵn tâm thế của một học trò có ý chí, nghị lực hơn người nên Lương Khánh Thiện học rất chăm và rất giỏi. Hết lớp đồng ấu trường hàng tổng, có tấm bằng sơ học yếu lược, Lương Khánh Thiện học tiếp lên trường huyện theo chương trình tiểu học Pháp - Việt. Học giỏi, cầu thị, ham hiểu biết, phong thái chững chạc nên Lương Khánh Thiện được thầy giáo người Pháp và bạn đồng môn rất yêu quý, nể trọng.

Thời đó, qua ảnh hưởng tích cực của Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và những tư tưởng tiến bộ, Lương Khánh Thiện hiểu rằng: cùng với chữ Nho, cần phải học thật giỏi chữ Quốc ngữ để có thể tiếp cận với khoa học thường thức của nền văn minh thế giới, từ đó có thêm kiến thức, hiểu biết, sự tự tin, sức mạnh để trước hết thoát khỏi cái bóng của những ông đồ nghèo, yêu nước, sống cốt cách nhưng bất lực trước thời thế và cao hơn là có thể mưu cầu việc lớn, cùng những người đồng chí hướng giúp dân, giúp nước.

Thoát ra khỏi khuôn mẫu cổ điển về sự nghiệp

Hết lớp nhì tiểu học, mặc dù gia đình, dòng họ rất kỳ vọng mong muốn Lương Khánh Thiện sẽ chuyên tâm theo con đường học hành, đỗ đạt để "rạng danh tổ tông" và cũng là để lập thân, lập nghiệp nhưng người thanh niên trẻ tuổi vùng đất nghèo có tiếng hiếu học Mễ Tràng, Liêm Chính, Thanh Liêm ấy đã quyết định chọn con đường vừa học, vừa làm để có thể tự lập, có thêm kiến thức, sự vững vàng, từng trải và theo đuổi những khát vọng thầm kín bấy lâu. 

Đây là một điểm nhấn rất đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh giai đoạn đầu thế kỷ XX, dưới chế độ thực dân nửa phong kiến đang thịnh hành trào lưu theo đuổi bút nghiên, khoa bảng hoặc theo đuổi con đường "tây học" để mong kiếm lấy một chức vị trong xã hội. Ý chí nghị lực của chàng học sinh Lương Khánh Thiện chính là ở chỗ đã dám thoát ra khỏi những khuôn mẫu cổ điển, nho giáo, quyết chí học thật giỏi để biết tính toán, để thông địa dư, tường cách trí, để nắm bắt, thạo thuộc những kiến thức khoa học thường thức phương Tây nhằm hướng tới mục đích cao đẹp vẫn hằng nung nấu.

Giai đoạn đầu thế kỷ XX, một số nhà nho yêu nước có tư tưởng cởi mở, tiến bộ đã đứng ra mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện, làm vũ khí, làm chìa khóa để mở mang dân trí. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục sau đó tuy bị chính quyền thực dân kìm hãm, đàn áp không cho phát triển nhưng đã để lại dư âm, dấu ấn tích cực, mạnh mẽ làm thức tỉnh những "ông đồ nho" khắp mọi vùng quê. Đặc biệt, với lớp thanh niên tiến bộ như Lương Khánh Thiện, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã giúp họ thêm sáng tỏ về nhận thức, thêm vững vàng, tự tin vào sự lựa chọn của mình. 

pv_bhn-10_16_24_617.png

Phóng viên Báo Hà Nam tìm hiểu về những dấu ấn hoạt động của đồng chí Lương Khánh Thiện tại thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão (Hải Phòng). Ảnh: Thế Trang

Dấn thân vì lý tưởng cách mạng

Mang theo ý chí nghị lực của một thanh niên trẻ tuổi yêu nước, năm 1923 Lương Khánh Thiện vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, ở thành phố công nghiệp lớn nhất xứ Bắc Kỳ thời đó. Sự háo hức của một chàng thanh niên vốn sẵn có ý chí, nghị lực hơn người đã khiến Lương Khánh Thiện chuyên tâm, say mê học hỏi và trở thành một trong những người có ảnh hưởng với những bạn bè đồng khóa.

Thời điểm người thanh niên trẻ tuổi Lương Khánh Thiện vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, bắt đầu tiếp xúc với giai cấp công nhân cũng là lúc "Tiếng bom Phạm Hồng Thái" và phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu đang tạo ảnh hưởng mạnh mẽ trong tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên cũng như trong đông đảo người dân yêu nước. Cũng từ đây, chàng thanh niên trẻ Lương Khánh Thiện có cơ hội vừa học, vừa có điều kiện tiếp thu những tư tưởng yêu nước thông qua sách báo tiến bộ, vừa làm công nhân, được giác ngộ cách mạng và học hỏi nhiều từ những nhà hoạt động chính trị tiền bối Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt…

Năm 1925, phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu lên cao, sẵn có ý chí, nghị lực và những khát khao cháy bỏng, chàng học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng - Lương Khánh Thiện cùng những người đồng chí hướng viết đơn đưa cho Toàn quyền Varen đòi ân xá cụ Phan. Nghe tin đó, viên Đốc trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng rất tức tối, tìm cách trả thù. Lương Khánh Thiện và một số anh em bị giám thị đánh đập, bị đốc trường phạt không cho lên lớp và dọa đuổi học khi sắp tốt nghiệp. 

Đối diện cùng những thử thách đầu tiên khi mới dấn thân tham gia phong trào công nhân, sẵn có ý chí, nghị lực, không nao núng tinh thần, Lương Khánh Thiện cùng anh em đồng môn tổ chức bãi khóa, đòi trả tự do cho những người bị bắt, đòi giám thị xin lỗi và đồng loạt bỏ trường để phản đối. Đây tiếp tục là một minh chứng sinh động về ý chí, nghị lực của người thanh niên yêu nước Lương Khánh Thiện.

Sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng

Năm 1926, làm thợ nguội ở Nhà máy sợi Nam Định, mặc dù tuổi còn trẻ nhưng với ý chí nghị lực của người từng trải, nhà hoạt động cách mạng trẻ tuổi Lương Khánh Thiện đã lập "Hội Tương tế", giúp đỡ, tuyên truyền, vận động công nhân đoàn kết đứng lên đấu tranh đòi giới chủ về những quyền lợi chính đáng. Năm 1927, được kết nạp vào Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, bị mật thám theo dõi, bị bọn chủ đuổi khỏi nhà máy, không nao núng, Lương Khánh Thiện tạm lánh về quê Mễ Tràng tiếp tục giác ngộ, vận động quần chúng, gây dựng nhân mối cơ sở cách mạng (những nhân mối đó sau này đều trở thành cán bộ cốt cán, trong đó có Bí thư chi bộ đầu tiên của thị xã Phủ Lý).

Đầu năm 1928, trở lại đất cảng làm việc ở nhà máy tơ và hoạt động trong phong trào công nhân, tháng 4/1929, Lương Khánh Thiện được kết nạp vào Chi bộ Cộng sản của Hải Phòng, được chỉ định phụ trách xây dựng phong trào ở khu vực Nhà máy chai. Tháng 11/1929, trực tiếp lãnh đạo công nhân đấu tranh đòi quyền lợi và tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga, Lương Khánh Thiện phải rút vào hoạt động bí mật. Sau khi tham gia tổ chức biểu tình nhân Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930), Lương Khánh Thiện bị bắt, kết án 2 năm tù giam, 5 năm đày biệt xứ, rồi kết án tù chung thân, đày đi Côn Đảo. 

Những gian nan thử thách của thực tế cách mạng càng như lửa tôi luyện chất thép người cộng sản trẻ tuổi Lương Khánh Thiện. Chính vì thế, khi Chi bộ Đảng Nhà tù Côn Đảo thành lập (cuối năm 1932), nhà cách mạng Lương Khánh Thiện là một trong những người góp phần xây dựng, giúp tổ chức của những người cộng sản đứng vững trong chốn lao tù. Năm 1936, ra tù, trở lại hoạt động, được bầu vào Xứ uỷ Bắc Kỳ. Năm 1938, trực tiếp lãnh đạo công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, đuổi thợ vô cớ. 

Khi chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp sụp đổ, chính quyền thực dân quay lại thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng nhưng với ý chí, nghị lực kiên cường, tinh thần đấu tranh bất khuất, người đảng viên cộng sản Lương Khánh Thiện vẫn tiếp tục hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều vùng đất rộng lớn thuộc Liên tỉnh B, Liên tỉnh D. Lần thứ tư bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng ý chí, nghị lực, chất thép của người cộng sản đã giúp đồng chí Lương Khánh Thiện vững vàng vượt qua mọi thử thách, không ngừng cống hiến cho cách mạng đến hơi thở cuối cùng.

phuly-10_17_14_114.png

Một góc thành phố Phủ Lý hôm nay. Ảnh: Lương Thế

Vượt lên những khó khăn gia cảnh, thoát khỏi những khuôn mẫu cổ điển, dấn thân, cống hiến và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì lý tưởng cao đẹp -  người chiến sĩ cộng sản tiền bối Lương Khánh Thiện trở thành biểu tượng tự hào của nhiều thế hệ thanh niên quê hương Hà Nam và đất nước Việt Nam.

Theo Báo Hà Nam điện tử