Có một Hà Nam đang âm thầm chuyển mình mạnh mẽ không phải bằng những lời hô hào, mà bằng hành động cụ thể, bền bỉ, có chiều sâu và tầm nhìn dài hạn. Nơi ấy, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Đề án 06 không còn là khái niệm xa xôi trong các phòng thí nghiệm, các phiên họp, thảo luận, mà trở thành nhịp sống, là công cụ, là bệ đỡ thiết thực cho mỗi chính sách, mỗi dịch vụ và từng bước phát triển kinh tế - xã hội.
Khi
khoa học bước vào làng
Tư
duy đổi mới mà Nghị quyết 57 khơi nguồn đã và đang được Hà Nam cụ thể hóa không
bằng những mô hình vĩ mô trừu tượng, mà bằng những việc nhỏ nhất: một cú chạm
tay khai sinh cho trẻ sơ sinh qua app, một mã định danh giúp bệnh nhân lĩnh thuốc
đúng tên, một hộ nghèo không cần hồ sơ giấy để nhận trợ cấp... Tất cả đều bắt đầu
từ dữ liệu. Và phía sau hệ thống dữ liệu ấy là dấu chân thầm lặng của những người
lính Công an.
Công tác thu thập
mẫu ADN thân nhân các liệt sĩ chưa tìm được phần mộ được triển khai nhanh
chóng, chặt chẽ, chính xác với sự hỗ trợ của dữ liệu, công nghệ.
Về
xã Nhân Chính (Lý Nhân) hôm nay, sẽ khó nhận ra hình ảnh cũ kỹ của một vùng quê
thuần nông trước đây. Sự đổi thay ấy không chỉ nằm ở những tòa nhà cao tầng hiện
đại, đường làng, khu phố bê tông, trải thảm phẳng lỳ khang trang, đời sống vật
chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú. Người dân đã quen với
việc làm thủ tục hành chính chỉ bằng một mã định danh cá nhân. Học sinh đăng ký
học tập, thi cử qua dữ liệu số. Người cao tuổi được khám bệnh từ xa thông qua hệ
thống y tế liên thông.
“Trước
đây, chỉ nghe nói đến 'công nghệ thông tin' trên tivi. Giờ thì chính tôi dùng
nó mỗi ngày, từ khám bệnh đến nhận lương hưu”, bà Nguyễn Thị Đào (67 tuổi) chia
sẻ, ánh mắt ánh lên niềm vui.
Không
phải tự nhiên mà “công nghệ” bước vào làng. Đó là kết quả của một chuỗi hành động
cụ thể, bài bản, tận tụy bắt đầu từ việc chuẩn hóa dữ liệu dân cư, từ những đêm
không ngủ của cán bộ Công an xã để rà soát thông tin từng hộ, từng người, từng
trường hợp đặc biệt. Có những ngày mưa gió, họ vẫn đi bộ đến tận nhà người cao
tuổi để hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, xác minh nhân thân, hỗ trợ cập nhật
mã định danh.
Như
lời Thượng tá Trịnh Minh Hoàng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về
TTXH, Công an tỉnh Hà Nam: “Có cụ bà hơn 90 tuổi không có giấy tờ gì, chỉ nhớ
năm sinh ước chừng. Chúng tôi phải về tận quê cũ của cụ, tìm lại sổ tạm trú cũ,
rồi kết nối với các họ hàng xa mới đủ thông tin để cập nhật định danh. Làm được
hồ sơ cho cụ, cả đội mừng rơi nước mắt. Tuy nhiên, đổi lại sự vất vả ấy là có
được nguồn dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ công tác an sinh xã hội,
chăm sóc tinh thần, sức khỏe cho chính người dân”.
Dữ
liệu sống – Động lực thực sự cho phát triển
Khoa
học và công nghệ nếu chỉ nằm trên giấy thì kết quả sẽ mãi là điều xa vời. Nhưng
ở Hà Nam, nhờ Đề án 06 và sự vào cuộc quyết liệt của Công an tỉnh, những dòng dữ
liệu vô tri đã được “thổi hồn”, trở thành dữ liệu sống, phục vụ trực tiếp cho
cuộc sống người dân.
Công
nghệ, chuyển đổi số, khoa học kỹ thuật và Đề án 06 đã mang lại những thành quả
to lớn phục vụ nhân dân, xã hội
Không
phải ngẫu nhiên mà các ngành như y tế, giáo dục, an sinh xã hội tại Hà Nam có
bước chuyển mình mạnh mẽ. Khi dữ liệu dân cư được xác thực và liên thông, việc
cấp phát bảo hiểm y tế, hỗ trợ người có công, người cao tuổi, người yếu thế trở
nên nhanh chóng, chính xác, không còn cảnh “chạy giấy tờ”.
Học
sinh chuyển trường được xác nhận tức thời. Người dân vì một lý do nào đó chẳng
may bị mất căn cước sẽ được xác minh, cấp lại ngay tại xã. Ngành y tế ứng dụng
dữ liệu vào tiêm chủng, khám chữa bệnh từ xa, quản lý hồ sơ bệnh án điện tử. Tất
cả đều nhờ nền tảng dữ liệu được xây dựng và vận hành nhịp nhàng bởi lực lượng
Công an, những người giữ “chìa khóa” cho kho cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Công
nghệ có thể hiện đại, nhưng không thể đến gần nếu thiếu người “gõ cửa”. Công an
xã lực lượng trực tiếp, gần dân, sát dân chính là cầu nối đặc biệt ấy. Ở những
địa bàn còn khó khăn, việc phổ cập công nghệ từng là điều xa vời. Nhưng nhờ các
chiến sĩ Công an xã, từng hộ dân được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ công trực tuyến,
làm quen với mã định danh, biết đến lợi ích của dữ liệu số.
Họ
không chỉ làm nhiệm vụ an ninh trật tự, mà còn là chuyên gia công nghệ, người bạn
của người dân cùng “bình dân học vụ số”... Lực lượng Công an tỉnh Hà Nam giúp cụ
già tìm lại tên tuổi trên hệ thống, giúp những cặp vợ chồng trẻ khai sinh
online cho những đứa con đầu lòng, hay như kết nối người nghèo với chính sách hỗ
trợ, xác thực khả tín khách hàng cho vay vốn của ngân hàng mà không cần đến đơn
từ giấy bút. Mỗi hành động nhỏ ấy là một bước đi lớn của khoa học vào đời sống.
Tinh
thần của Nghị quyết 57 được Hà Nam tiếp cận bằng một thái độ thực tế và cầu thị:
Không “giật gấu vá vai”, không dừng ở khẩu hiệu, mà là từng bước chuyển mình cụ
thể, đặt con người và công nghệ vào trung tâm của phát triển. Việc ứng dụng
khoa học công nghệ, nhất là chuyển đổi số, không chỉ là xu hướng, mà là yêu cầu
tất yếu. Và Hà Nam đang cho thấy một con đường khả thi khi chính lực lượng cơ sở
như Công an xã là trung tâm hành động, là lực lượng đưa tinh thần đổi mới vào
thực tế, từ những điều nhỏ nhất.
Khoa
học chỉ thật sự là lực đẩy khi nó được “kéo” về gần dân, gắn vào từng hành động
cụ thể cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và toàn quốc. Và
chính những người lính Công an đang thầm lặng biến điều đó thành hiện thực đặt
nền móng vững chắc cho một Hà Nam phát triển bền vững, hiện đại, nhân văn. (còn
nữa)
Thống
kê, năm 2024, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy tính chủ động,
quyết liệt trong việc chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai hiệu
quả các nhiệm vụ và mô hình của Đề án 06. Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia
về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử đã mang lại những kết
quả nổi bật, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên mọi lĩnh vực.
Tỉnh đã triển khai 11 hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt
động nội bộ của các sở, ngành; 100% cơ sở khám, chữa bệnh chấp nhận căn cước
công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế; 100% trường học áp dụng thanh toán không
dùng tiền mặt; 99,5% công dân được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip; kết quả
kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 96%...
Hoàng Phong
https://cand.com.vn/Cong-an/ky-2-tu-khoa-hoc-den-hanh-dong--be-do-moi-cho-phat-trien-i771138/