Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo “Ðánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong pháp luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị”

Tin theo lĩnh vực Xây dựng  
Hội thảo “Ðánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong pháp luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị”
Ngày 23/6/2023, tại Khách sạn Mường Thanh (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong pháp luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị”. Ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì hội thảo.

DSC_4519.jpg

Các đại biểu dự hội thảo

Dự hội thảo có ông Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; lãnh đạo: Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc của các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Trung Bộ và các chuyên gia, nhà khoa học...

DSC_4495.jpg 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Đến nay, hệ thống đô thị toàn quốc có 898 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 đạt khoảng 41,7%; nhiều đô thị mới được hình thành và phát triển; các đô thị hiện hữu cũng từng bước được nâng cấp, cải tạo, mở rộng cả về quy mô đất đai, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao… Đạt được các kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các quy định pháp luật điều chỉnh về quản lý, phát triển đô thị đang được quy định tại nhiều văn bản như: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Luật Đầu tư... Thông qua việc triển khai áp dụng các quy định pháp luật này, công tác quản lý phát triển đô thị trên cả nước đã đạt được những kết quả đáng kể. Bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, phát triển đô thị thời gian qua đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị là cần thiết, làm cơ sở đề xuất các chính sách khi lập đề nghị xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị. Từ đó, góp phần hoàn thiện, thống nhất quy định pháp luật về quản lý phát triển đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, phát triển đô thị theo hướng bền vững; đồng thời, khắc phục các tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định pháp luật.

DSC_4509.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết, quá trình xây dựng và phát triển đô thị trên địa bản tỉnh Hà Nam thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, với tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 đạt trên 38%. Toàn tỉnh có 16 đô thị trong đó có 01 thành phố đô thị loại II, 01 thị xã là đô thị loại IV, 14 đô thị loại V. Ngoài ra, đô thị Kim Bảng đang được tổ chức lập, trình thẩm định Đề án phân loại đô thị loại IV, dự kiến tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh sẽ đạt trên 43%, đạt trên mức bình quân của cả nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Hội thảo là dịp quan trọng để các địa phương chia sẻ thực tiễn và khó khăn, vướng mắc trong quản lý phát triển đô thị, qua đó đề xuất với Bộ Xây dựng các chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình đô thị hóa và nâng cao chất lượng đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bên vững. Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ góp phần đổi mới toàn diện từ khái niệm đô thị đến các vấn đề về quy hoạch, phân loại đô thị, xác định mô hình phát triển đô thị quản lý các dự án phát triển đô thị.

DSC_4544.jpg
                                  Đại biểu thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ các nội dung liên quan đến: Việc thi hành, thực hiện các quy định pháp luật có liên quan trong quản lý và phát triển đô thị; tồn tại, vướng mắc trong quản lý và phát triển đô thị thời gian qua; đề xuất các giải pháp, chính sách về quản lý và phát triển đô thị, làm cơ sở định hướng sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong thời gian tới; vấn đề xây dựng phát triển các khu vực trong đô thị, các mô hình mới trong phát triển đô thị; vấn đề quản lý hạ tầng đô thị, cung cấp dịch vụ đô thị; vấn đề nguồn lực cho phát triển đô thị và vấn đề quản lý nhà nước về phát triển đô thị.../.

Phạm Nga