Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhà ở xã hội ở Hà Nam: Bước phát triển bền vững

Các ngành kinh tế Công nghiệp - Xây dựng - Giao thông  
Nhà ở xã hội ở Hà Nam: Bước phát triển bền vững
Theo đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản (BĐS) trong đợt giao ban khu vực phía Bắc (tổ chức tại tỉnh Hưng Yên cuối tháng 4 vừa qua), Hà Nam là một trong những tỉnh thực hiện tốt Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
  
 Ông Nguyễn Hoàng Bốn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam cho biết, ngay từ đầu năm 2009, Hà Nam đã khẩn trương khảo sát, tổng hợp số liệu số lượng các hộ nghèo của các xã căn cứ theo tiêu chuẩn bình xét của thôn, xóm để tiến hành lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của các ban, ngành, trong 03 năm qua tỉnh đã huy động được 82.362 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương 19.266 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 3.853 tỷ đồng, còn lại là vốn vay ngân hàng chính sách xã hội và các nguồn vốn khác). Với cách vận động các nguồn lực tại địa phương cùng tham gia theo phương châm: “Nhà nước, tỉnh ủng hộ, gia đình thực hiện xây dựng, cộng đồng giúp đỡ”.
Với quy mô ngôi nhà cho hộ nghèo có diện tích trung bình khoảng 27m2, vật liệu chính làm nhà vì kèo bằng gỗ, dàn mái bằng luồng, tre ngâm lợp mái ngói hoặc fibro xi măng, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp 4 trở lên có tuổi thọ trên 10 năm. Qua cách tính này thì mỗi ngôi nhà ở đây có giá trị khoảng 25,65 triệu đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương, địa phương: 7,2 triệu đồng/hộ; vốn vay tín dụng ưu đãi 8 triệu đồng/hộ, vốn huy động từ cộng đồng và các nguồn khác 10,45 triệu đồng/hộ)… Qua cách làm này, đến nay đã có 2.938 căn nhà được hoàn thành, chất lượng đảm bảo.
Thông qua chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã thể hiện tính ưu việt của Đảng và Nhà nước ta; có ý nghĩa chính trị, xã hội, kinh tế, và nhân văn sâu sắc nhằm đảm bảo các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống góp phần xoá đói giảm nghèo một cách bền vững. Chính sách này đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhận được sự ủng hộ hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Để làm tốt công tác này, bên cạnh những đợt thông tin tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 559-TT/TU chỉ đạo thực hiện và đôn đốc kiểm tra phê duyệt đúng đối tượng các hộ nghèo trên địa bàn. Có thể thấy qua 03 năm thực hiện Quyết định 167 của thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Nam chưa phát hiện thấy trường hợp nào hỗ trợ sai đối tượng.
Bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở, đến Hà Nam dịp này chúng tôi còn chứng kiến những bước chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án nhà ở sinh viên tập trung (thuộc Sở Xây dựng Hà Nam quản lý): Năm học mới 2011 - 2012, hai khu ký túc xá sinh viên được đầu tư xây dựng trên 54 tỷ đồng (mỗi tòa nhà có trên 50 phòng với diện tích trên 45m2 dành cho 8 sinh viên/phòng) đang hoàn thiện để đón sinh viên vào ở trong nay mai. Bên cạnh đó Sở Xây dựng cũng đã phê duyệt quy hoạch, dành đất sạch cho khu vực tập trung dành cho các trường đại học trên địa bàn tỉnh có diện tích trên 40 ha. Hiện nay các trường đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây.
Tuy nhiên cũng theo ông Vũ Hoàng Bốn, trước tình hình trượt giá hiện nay, giá vật liệu xây dựng không ngừng tăng cao, các hộ được hỗ trợ hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn nên ngoài vốn hỗ trợ của trung ương, vốn đối ứng của tỉnh, vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội thì việc vận động góp vốn của gia đình và cộng đồng xã hội cũng như của dòng họ cho các hộ này cũng đang gặp khó khăn nên đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chương trình. Hy vọng bài toán khó này sẽ nhanh có lời giải./.