Về vấn đề trên, ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ thì: Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Đăng ký xe; Giấy phép lái xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới và Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Đồng thời, không được điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở theo quy định tại Khoản 8 Điều 8 Luật nêu trên.
Nếu vi phạm các quy định nêu trên thì sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo quy định của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP thì bị xử lý như sau:
Đối với trường hợp điều khiển xe ô tô
- Không có Giấy phép lái xe bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 24 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP.
- Không có Giấy đăng ký xe bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 19 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP;
- Không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 19 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP;
- Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP.
Các hành vi không có Giấy phép lái xe, không có Giấy đăng ký xe, không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của bạn đã vi phạm Điểm đ, Điểm h Khoản 1 Điều 54 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP nên bị tạm giữ phương tiện ngay đến 10 ngày.
- Khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 8 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP thì bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; đồng thời, bị tạm giữ phương tiện đến 10 ngày theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 54 Nghị định nêu trên.
Đối với trường hợp điều khiển xe mô tô, xe gắn máy
- Không có Giấy phép lái xe bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP.
- Không có Giấy đăng ký xe bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP;
- Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP.
- Khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP.
Các hành vi không có Giấy phép lái xe, không có Giấy đăng ký xe của ông đã vi phạm Điểm b, Điểm e, Điểm h Khoản 1 Điều 54 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP nên bị tạm giữ phương tiện ngay đến 10 ngày.
Trong câu hỏi ông Châu không nói rõ là không có những loại giấy tờ nào về xe nên nếu chỉ không có một trong các loại giấy tờ nêu trên thì chỉ bị phạt về hành vi không có loại giấy tờ đó và hành vi trong người có nồng độ cồn vượt mức cho phép.
Trường hợp không có tất cả các loại giấy tờ về xe thì bị phạt tất cả các hành vi đó và hành vi trong người có nồng độ cồn vượt mức cho phép theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (Khi quyết định xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì cộng lại thành mức phạt chung).
Như vậy, đối với hành vi không mang theo giấy tờ xe thì ông Châu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo những quy định nêu trên.