Theo nghị quyết, tỉnh Hà Nam phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 22,1% năm trở lên; cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng chiếm 54,8% trong tổng GDP của tỉnh; giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; sản lượng xi măng đạt 8- 10 triệu tấn/năm, gạch ngói nung đạt 360 - 400 triệu viên/năm, gạch không nung đạt 200 - 300 triệu viên/năm, đá xây dựng đạt 9,5 - 10 triệu m3, bê tông thương phẩm đạt 200 - 300 nghìn m3, bê tông ghép tấm lớn đạt công suất 1,2 - 1,5 triệu m3, cọc bê tông các loại đạt từ 2,5 - 3,5 triệu m; củng cố và phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống, du nhập các nghề mới có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2015, có thêm 25 làng nghề được công nhận.
Nghị quyết đề ra 04 nhiệm vụ và giải pháp sau:
Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp; gắn kết các cơ quan chức năng của tỉnh với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong việc liên hệ với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước để thu hút đầu tư. Ưu tiên các dự án đầu tư có suất đầu tư cao, công nghệ thiết bị tiên tiến, sử dụng ít đất, nộp ngân sách nhà nước cao, bảo vệ môi trường tốt, bảo đảm người lao động thu nhập cao, ổn định.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; cải cách thủ tục hành chính; minh bạch các thông tin về quy hoạch, cơ chế, chính sách, đất đai… Thực hiện có hiệu quả mô hình “ một đầu mối” trong giải quyết thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư. Nâng cao năng lực thẩm định các dự án. Xử lý nghiêm các hành vi gây khó khăn, chậm trễ cho các nhà đầu tư.
Chuẩn bị mặt bằng cho các dự án đầu tư, thực hiện tốt việc đôn đốc giải phóng mặt bằng. Phải xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp, khu sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện, cấp nước, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, cung cấp đầy đủ các dịch vụ thiết yếu cho các nhà đầu tư như: Viễn thông, dịch vụ thương mại, tín dụng, cảng thông quan, hải quan…
Đảm bảo tốt nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vế số lượng, chất lượng cho các dự án phát triển công nghiệp; đổi mới phương thức đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo nghề đối với các cơ sở dạy nghề. Quy hoạch đất và sử dụng quỹ đất dành cho người thu nhập thấp ở các dự án đô thị cho việc xây dưng nhà ở cho công nhân. Các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao mức thu nhập và điều kiện làm việc cho người lao động.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công nghiệp và hoạt động doanh nghiệp. Thông qua việc rà soát doanh nghiệp giúp doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp với đời sống người nông dân như: Công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề cho nông dân vùng phát triển công nghiệp… Đẩy mạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, khôi phục làng nghề truyền thống, tạo thêm nhiều ngành nghề mới có giá trị kinh tế cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển công nghiệp, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách của tỉnh./.